Món quà từ người đàn bà lam lũ khiến nam bác sĩ xúc động

Google News

Người phụ nữ cho biết, trước đây lo chuyện con nằm viện ốm đau nên bà không kịp cảm ơn bác sĩ. Vừa nói bà vừa đặt lên bàn bác sĩ Nha 1 nải chuối tiêu nhỏ rồi vội vã ra về...

Trong căn phòng nhỏ xếp đầy tài liệu nghiên cứu, PGS.TS Phạm Bá Nha (SN 1966 - Trưởng khoa Phụ sản, BV Bạch Mai) tiếp chuyện chúng tôi.
Với thâm niên 20 năm trong lĩnh vực sản khoa, ông đã tham gia cấp cứu, điều trị cho rất nhiều bệnh nhân từ hiếm muộn - vô sinh cho đến các ca sản phụ bệnh lý (Có bầu nhưng mắc các bệnh nội khoa như chạy thận nhân tạo, tim mạch, nhau cài răng lược…).
PGS.TS Phạm Bá Nha - Trưởng khoa sản, BV Bạch Mai. Ảnh: Nhật Linh 
PGS.TS Phạm Bá Nha tâm sự: “Nghề của tôi nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn.
Trong đó có lẽ phải kể đến những lần tôi cấp cứu ca phá thai to, sản phụ do chủ quan tìm đến các phòng khám không đủ chức năng làm, dẫn đến vỡ tử cung.
Khi họ được đưa vào viện, dù bảo toàn mạng sống nhưng suốt cuộc đời còn lại họ vĩnh viễn mất đi thiên chức làm mẹ…”.
Ông cũng chia sẻ thêm, hàng ngày các bác sĩ đều phải đối mặt với những áp lực do tính chất công việc mang lại.
“Mỗi ngày có rất nhiều ca cấp cứu, bệnh tình chuyển biến xấu một cách nhanh chóng buộc chúng tôi lúc nào cũng căng như dây đàn. Đứng trước 1 ca mổ cấp cứu tôi thường nhủ lòng mình, dù khả năng cứu bệnh nhân cực kỳ mong manh nhưng tôi sẽ nỗ lực hết sức, đưa họ trở lại cuộc sống này”.
Vào ca trực, cả ekip trực từ bác sĩ đến điều dưỡng đều xác định họ đang bước vào cuộc chiến đấu thầm lặng đầy khốc liệt giành giật sự sống cho bệnh nhân.
“Việc phải nhịn đói, ăn quá bữa hay tranh thủ ngủ dưới nền đất phòng phẫu thuật vì quá mệt là những hình ảnh thường thấy đối với các bác sĩ nói chung và các bác sĩ phẫu thuật nói riêng. Những việc đó với chúng tôi hết sức bình thường” - vị PGS.TS cho hay.
“Nhiều bệnh nhân nặng, các dấu hiệu sinh tồn gần như mất hết, chúng tôi vẫn tích cực cấp cứu, dù chỉ 1 cơ may cũng phải làm.
Việc đối mặt với sự sống và cái chết đối với chúng tôi xảy ra như cơm bữa. Có khi người bệnh đưa vào viện một lúc họ đã đi rồi. Nếu không có thần kinh thép, tâm lý vững vàng chắc chúng tôi khó có thể trụ nổi với nghề này” - ông Nha trải lòng.
PGS.TS Phạm Bá Nha cũng cho biết thêm, phần lớn các sản phụ ở bệnh viện Bạch Mai là các trường hợp sản bệnh lý.
Người phụ nữ sinh đẻ thông thường đã phải đối mặt với nhiều nguy cơ, bất trắc và biến chứng khó lường.
Ở đây lại là các trường hợp sản bệnh lý, nếu không được theo dõi, xử lý kịp thời có thể để lại những hậu quả đáng tiếc.
Bên cạnh điều trị cho các ca sinh khó, bệnh lý như trên, bác sĩ Nha cũng từng cứu chữa cho nhiều trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nghiêm trọng ở bộ phận sinh dục.
Trường hợp nữ sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội cách đây 6 năm là điển hình.
Ông kể, nữ sinh này có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Cô không có bố, nhà chỉ có hai mẹ con, người mẹ làm nghề bán rau ở chợ. Nữ sinh này lại bị khuyết tật nhẹ, sức khỏe yếu và có bệnh lý về sản. Khi được đưa đến cấp cứu, cô rơi vào tình trạng khá nguy kịch, bộ phận sinh dục lại bị dị dạng bẩm sinh.
Nhìn bệnh nhân mặt tái mét, dấu hiệu sinh tồn giảm, bác sĩ Nha vội bố trí một kíp mổ cấp cứu. Do lịch phẫu thuật của các bác sĩ khác ngày hôm đó gần như kín nên ông đã trực tiếp mổ chính. Ca mổ diễn ra trong 3 giờ, cô sinh viên may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Ông theo dõi sức khỏe cho cô gái đó đến khi xuất viện. Sau đó ông lại tất bật với lịch thăm khám, phẫu thuật ở khoa và quên bẵng đi bệnh nhân hôm nào.
5 năm sau, khi ông đang thăm khám cho bệnh nhân thì bất ngờ ông được thông báo, có người phụ nữ xin gặp riêng.
Thấy người phụ nữ lam lũ, gương mặt khắc khổ, mặc bộ quần áo đã sờn chỉ ông ngờ ngợ nhưng không nhớ đã gặp ở đâu.
Người phụ nữ này cho biết, mình là mẹ của cô sinh viên ông từng cứu sống. Hôm nay bà đưa con gái đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, con gái bà thấy tên bác sĩ Nha trên bảng nên bảo mẹ.
Bà nói ngày trước lo chuyện con nằm viện ốm đau nên bà không kịp cảm ơn bác sĩ. Vừa nói bà vừa để lên bàn bác sĩ Nha 1 nải chuối tiêu nhỏ rồi vội vã ra về.
Hành động của người đàn bà lam lũ khiến bác sĩ Nha xúc động. Bởi với ông việc cứu sống 1 mạng người là trách nhiệm và nghĩa vụ của người thầy thuốc cần làm.
“Món quà dù nhỏ nhưng giá trị tinh thần của nó rất lớn. Mỗi khi mệt mỏi, tôi thường lấy đó làm động lực để mình vượt qua và cố gắng hơn nữa vì người bệnh”, bác sĩ sinh năm 1966 bộc bạch.
Theo Nhật Linh - Thanh Hải/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)