Mẹ tôi không giống mẹ người ta

Google News

Mẹ tôi chưa biết thông cảm, chưa thấu hiểu như những bà mẹ khác, lại hay trách móc.

Gia đình gọi tôi là đứa “ăn cơm góp”, ý nói tôi va chạm xã hội sớm, tự bươn chải, nhiều trải nghiệm. Lăn lộn từ bé, thấy số mình vất vả, tôi tự nhủ cố gắng được chừng nào hay chừng đó.
Lập nghiệp xa nhà, tôi lần lượt dìu dắt hai em gái theo cùng. Chị em lấy chồng, sống chung thành phố, có chuyện gì hủ hỉ với nhau, tôi luôn tự nhắc mình là “đầu tàu”.
Ở quê, mẹ nghĩ rằng tôi giỏi giang, chắc tích cóp được nhiều tiền, nên mặc nhiên coi tôi là trụ cột gia đình, dù tôi có hai anh trai sống gần mẹ. Ngày tết, ngày giỗ chưa kịp về, mẹ cho tôi là con bất hiếu. 
Sợ mẹ giận, nên bận cỡ nào tôi cũng tranh thủ về giỗ chạp, tiệc tùng. Tết vừa rồi, hai lăm tôi về tới hai chín vào lại. Bận tối mặt tối mày nhưng cũng ráng cầm tiền về cho mẹ tiêu tết.
Bạn bè nói sao tôi không chuyển khoản cho lẹ, sao không về vài ngày rồi vô, tết cận kề mà bỏ nhà đi không sợ chồng buồn hay sao. Phải nói là tôi may mắn có chồng hiểu mình, hiểu mẹ, nên anh chỉ góp ý, tôi nghe theo hay không thì tùy.
Mùng Năm tết nhà có giỗ, gia đình tôi một lần nữa tuôn chạy về quê. Mẹ tôi nói, cách ba trăm cây số, nhắm con mắt là tới, người ta cả ngàn cây còn về được, chỉ có đứa vô tâm, lười nhác mới để mẹ già ngóng trông.
Cũng là chuyện con gái lấy chồng xa về thăm cha mẹ, nhưng nghe bạn thân tôi kể mà thèm. Mỗi lần cô ấy định về quê là mẹ cô ngăn cản, bà ngại đường sá xa xôi, ngại con về tốn kém, rằng chỉ cần gọi điện thoại về thăm chừng mẹ là đủ rồi.
Tôi biết mẹ rất nhớ chị em tôi, nhưng bà chưa biết thông cảm, chưa thấu hiểu như những bà mẹ khác, lại hay trách móc. Tôi sinh đứa con đầu, mẹ vào chăm nom ân cần, chỉ bày nhiều thứ. Mẹ dặn tôi nhớ những gì mẹ dạy hôm nay, rồi sau này chăm lo cho hai em gái.
Nói là làm. Hai đứa em tôi lần lượt sinh nở, về phía ngoại, chỉ một tay tôi, may mà các em có mẹ chồng tận tâm. Nhớ ngày em gái út sinh con so, em nằm bệnh viện mười hai tiếng đồng hồ, những cơn đau, cơn “gò” tử cung làm em đuối sức.
Nhìn quanh thấy người ta có mẹ ruột chăm nom, em buột miệng trách: "Sao mẹ không vào với em, mẹ còn khỏe, mẹ không bận bịu, mẹ nói thương em là út, ốm yếu, sao ngày em vượt cạn mẹ không vào với em".
Út nói trong cơn đau tiếng được tiếng mất, làm tôi rớt nước mắt. Tôi an ủi em mẹ tuy chưa già, nhưng mẹ không mạnh mẽ, không dám chứng kiến cảnh con gái sinh nở đớn đau. Chị mạnh mẽ hơn, nên được mẹ đặc cách, em cố sinh mẹ tròn con vuông, chị gọi về báo mẹ mừng. Út ghì lấy lấy tôi, cố vượt cơn đau. Tôi vuốt ve em, ân cần thay mẹ.
Me toi khong giong me nguoi ta
Hai em gái, mỗi đứa hai lần sinh nở, đều một tay tôi chăm sóc. Hình minh họa 
Hai em gái, mỗi đứa hai lần sinh nở, đều một tay tôi chăm sóc. Nhiều lúc tôi tủi thân, thấy người ta có mẹ thủ thỉ mà thèm. Mẹ tôi, chỉ cần cảm thấy trong người không được khỏe là gọi vào than ngắn thở dài. Mỗi lần như thế, tôi giục anh hai đưa mẹ vào khám bệnh.
Nhưng bác sĩ khám không ra bệnh, nói chỉ là bệnh người già, đau xương, nhức mỏi, bác sĩ còn đùa: coi như một chuyến đi chơi. Biết tính mẹ, chị em tôi ráng chiều chuộng, dặn nhau không cho phép mình bất hiếu, làm con cái không nên trách cứ ba mẹ. Nhưng quả thật, mẹ tôi không giống mẹ người khác.
Theo Phunuonline

>> xem thêm

Bình luận(0)