Mẹ chồng như “người thừa” vì sống cùng con dâu tháo vát

Google News

Tôi được mọi người khen “số hưởng”, “khổ trước sướng sau”, “được cô con dâu tháo vát, nhanh nhẹn”… Nghe những lời đó, tôi chỉ biết cười gượng rồi lảng sang chuyện khác.

Tôi không dám tâm sự với ai chuyện gia đình nhà mình bởi không biết bản thân có quá đòi hỏi và đa cảm hay không. Chỉ đến hôm nay, tôi mới dám viết lên đây để mong mọi người cho lời khuyên thích đáng.
Vợ chồng tôi chỉ có một cậu con trai duy nhất, bao tâm sức đều dồn hết vào nó. Nhà tôi ở Hà Nội, không giàu sang nhưng cũng gọi là no đủ. Nhà cửa ông bà nội để lại đã hơi cũ nhưng vẫn rất chắc chắn. Chồng tôi trước đây là viên chức, mới về hưu hồi năm ngoái. Ông ấy là người năng động nên vẫn tích cực tham gia các hoạt động của phường, nói chung là ra ngoài suốt ngày.
Me chong nhu “nguoi thua” vi song cung con dau thao vat
Thậm chí nó còn chẳng muốn cho tôi bế con (Ảnh minh họa) 
Bản thân thôi đã ở nhà nội trợ từ lâu, cuộc sống chỉ quanh quẩn việc chăm sóc chồng con. Đó cũng là niềm hạnh phúc bấy lâu của tôi. Nhưng từ khi có con dâu, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Nói về con dâu tôi, nó là giảng viên một trường đại học lớn, ngoại hình ưa nhìn, giao tiếp tốt. Ngày về ra mắt, tôi rất ưng vì nó khéo léo, biết nấu ăn lại rất quan tâm đến mọi người. Những ai chỉ tiếp xúc xã giao với nó chắc chắn đều có chung nhận định đó là một cô gái đảm đang, giỏi giang.
Những tưởng có cô con dâu như vậy, tôi sẽ “mát mặt” lắm. Đúng là ở bên ngoài thì hãnh diện thật vì đi đâu người ta cũng khen. Nhưng sao mới 2 năm sống chung với nàng dâu mà tôi cảm tưởng như cả thế kỷ vậy. Ngột ngạt, khó chịu, ức chế… Đặc biệt là cảm giác như người thừa trong chính ngôi nhà mình khiến tôi nhiều lúc phải bỏ ra ngoài công viên ngồi thừ ra một mình. Những ngày đầu mới về làm dâu, nó đã bắt đầu tranh hết việc nội trợ của tôi.
Trước đây con trai đi làm thường đưa một phần tiền cho mẹ gọi là đóng góp chi tiêu. Tôi cũng chỉ giữ hộ con chứ chưa đả động gì đến số tiền ấy, định bụng sau này sẽ đưa cho vợ chồng nó làm vốn làm ăn. Thực ra chúng tôi chỉ có một đứa con, chuyện lo lắng kinh tế cũng không nặng nề lắm. Hiện tại, lương hưu của ông nhà tôi lo sinh hoạt cho cả gia đình vẫn thừa. Vậy mà con dâu cứ nghĩ tôi quản lý tiền của chồng nó nên phải đòi lại quyền lợi ngay. Nó bảo từ nay nó sẽ đi chợ, còn ông bà chi các khoản điện nước. Tôi hơi chạnh lòng nhưng cũng không ý kiến gì.
Trước đây, tôi hay đi chợ ngày nào ăn ngày đó. Đồ vừa rẻ lại vừa tươi ngon. Vậy nhưng từ ngày con dâu đi chợ, nhà tôi toàn phải ăn đồ siêu thị. Cứ ngày nào rảnh là nó lại đi mua một đống đồ, xếp chặt hai chiếc tủ lạnh. Bữa này ăn gì, bữa kia ăn gì nó cũng chỉ đạo hết. Rồi tôi nấu không ưng, nó lại phàn nàn. Thực ra hai vợ chồng nó buổi trưa ăn cơm ở cơ quan, chỉ tối mới về nhà nhưng sự bất đồng trong nấu ăn giữa mẹ chồng – nàng dâu cũng khiến bữa cơm mất vui. Dường như tôi làm gì cũng không vừa mắt con dâu. Tôi nấu theo cách của tôi thì nó bảo “không khoa học”, “mất chất”, “không đúng công thức”… Cuối cùng, nó cũng giành luôn việc nấu bữa tối với tôi.
Không chỉ giành quyền đi chợ, nấu ăn, con dâu tôi còn tự cho mình là chủ gia đình khi bắt đầu thay hết hàng loạt đồ dùng trong nhà từ ti vi, bàn ghế, đồ trang trí… mà không hề hỏi bố mẹ chồng lấy một câu. Hôm đó tôi có việc ra ngoài một ngày, bước vào nhà tưởng như mình bước nhầm nhà người khác. Đến lúc này, tôi đã không thể kiềm chế được nữa.
Đến bữa cơm tôi nói với con dâu: “Nhà nào có gia phong nhà đó. Mẹ không biết con ở nhà con thế nào, nhưng về đây ít nhất còn bố mẹ, con muốn làm cái gì, thay đổi cái gì cũng nên hỏi bố mẹ một câu chứ không nên tùy tiện theo ý mình”. Con dâu tôi nghe xong liền nói: “Lần sau có chuyện gì không vừa ý mẹ nên nói trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn, cả nhà cả ngày ăn chung một bữa cơm mà cứ phê bình với nhắc nhở thế này nuốt sao nổi”. Nói xong nó đứng dậy đi về phòng. Con trai tôi cũng đứng dậy đi theo vợ, trước khi đi còn nói với tôi một câu: “Mẹ kệ vợ con đi, vợ con có sắm sửa cũng là cho cả nhà dùng, đồ cũ rồi thay thế đồ mới có gì là không tốt đâu mà mẹ khó chịu”.
Ông nhà tôi cũng thêm vào: “Tôi thấy nó tháo vát thế là tốt, bà kệ vợ chồng nó, mình giờ cứ nghỉ ngơi cho khỏe”.
Sự vô tâm của chồng con khiến tôi buồn vô cùng. Ai cũng nghĩ có con dâu tháo vát như vậy thì tôi được nhàn nhã. Nhưng có ai hiểu cảm giác bị bỏ rơi, bị lạm quyền, bị tranh mất những gì thân thuộc của tôi? Những ấm ức của tôi ngay sau đó được làm dịu khi con dâu thông báo có bầu. Thôi thì “nước mắt chảy xuôi”, có cháu rồi tôi sẽ chăm sóc cháu, còn chuyện nhà cửa con dâu thích làm sao thì làm. Nhưng mọi chuyện lại chẳng êm đẹp như tôi suy nghĩ.
Trước ngày sinh, con dâu đưa về một cô giúp việc, nói là để phục vụ nó trong thời gian sinh nở. Tôi thấy không cần thiết, nhưng biết tính nó nên tôi cũng chẳng nói làm gì. Con trai tôi thì tỏ vẻ vui mừng: “Sướng nhất mẹ nhé. Mẹ chỉ việc yên tâm mà ăn no ngủ say, không phải làm gì đâu nhé”. Nhưng tôi biết, chắc con dâu sợ tôi không biết chăm cháu, không sạch sẽ, không khoa học…
Thằng bé con khó tính, rất hay khóc, nhất là những khi nó gắt ngủ rất khó dỗ. Tôi nhớ hồi tôi nuôi con nhỏ không vất vả như thế, chỉ cần cho ăn no, đặt lên võng, đu đưa một chút là con ngủ. Tôi đi ra cửa hàng mua về một chiếc võng xếp, đặt cháu lên võng, đu đưa một lúc là nó thiu thiu ngủ ngay. Đúng lúc đó thì con dâu tôi ra ngoài về, thấy tôi đang đẩy võng nó hét lên: “Mẹ ơi, mẹ định giết cháu đấy à. Nó còn bé thế, não nó còn chưa ổn định, mẹ rung lắc thế nguy hiểm lắm đấy”.
Thấy con dâu lo sợ, tôi trấn an nó rằng hồi xưa chồng nó cũng nằm võng từ lúc mới sinh đến tận ba, bốn tuổi mà có làm sao. Nó gắt tôi: “Khoa học nó cảnh báo thế thì là thế. Mẹ đừng có đưa ngày xưa của mẹ ra, thà không biết, biết rồi phải tránh đi chứ”. Từ hôm đó thậm chí nó còn chẳng muốn cho tôi bế con, lúc nào cũng dặn cô giúp việc: “Tôi tin tưởng giao con cho chị, có việc gì thì chị chịu trách nhiệm đấy”.
Vậy là từ việc nhà, việc đi chợ, việc chăm cháu, tôi chẳng phải động tay động chân cái gì. Ai cũng nghĩ tôi là bà mẹ chồng sướng nhất quả đất. Nhưng có ai hiểu được nỗi lòng tôi. Buồn chán, tôi sang hàng xóm trò chuyện thì lại bị hỏi: “Sao bà không bế cháu sang đây chơi?”. Tôi nào dám nói con dâu không cho bế. Thực sự hiện tại, tôi cảm thấy rất bế tắc. Tôi không tìm được sự chia sẻ từ chồng và con trai, cũng không dám tâm sự chuyện nhà ra ngoài.
Hôm vừa rồi, con trai tôi ngỏ ý muốn bán căn nhà cũ này đi rồi mua chung cư cao cấp ở. Tôi biết đó là ý vợ nó. Ông nhà tôi thì sao cũng được nhưng tôi thì không muốn. Tuy nhiên khi con trai đưa ra ý kiến này, tôi lại nghĩ đến việc cho chúng ra ở riêng. Như vậy tôi sẽ không phải sống trong cảnh mệt mỏi này nữa.
Theo Nguyễn Lan/GĐVN

>> xem thêm

Bình luận(0)