Mắc ung thư miệng vì sai lầm khi đánh răng

Google News

Tỷ lệ mắc bệnh răng miệng hiện vẫn rất cao do nhiều người thực hành vệ sinh răng miệng chưa đúng; cách đánh răng chưa chuẩn; chưa ý thức được nhiều loại đường có thể gây sâu răng dù thức ăn không ngọt. 


TTND.TS.BS. Ngô Đồng Khanh, Phó Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam; Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt TP HCM cho biết: "Mặc dù chúng ta nỗ lực rất nhiều trong các chương trình nha khoa dự phòng, nha khoa cộng đồng, nha khoa can thiệp, nha học đường... nhưng tỉ lệ bệnh sâu răng và nha chu ở Việt Nam cũng còn rất cao, đặc biệt nhất là ở trẻ em và người cao tuổi".
Tỉ lệ bệnh sâu răng ở Việt Nam đang ở mức trung bình cao theo phân loại của Tổ chức Sức khỏe Thế giới WHO, trong đó tỷ lệ sâu răng mất trám ở lứa 5 - 6 tuổi là 50 - 60%, đặc biệt ở lứa 12 tuổi lên đến 80 - 85%. Ở trẻ em tỉ lệ sâu răng sữa cũng rất cao, lên tới 85 - 90%. Ở người lớn thì trung bình mỗi người có 3 răng sâu mất trám.
Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia có tỷ lệ bệnh nha chu cao nhất và là 1 trong 5 quốc gia có tỷ lệ ung thư miệng cao nhất vùng châu Á - Thái Bình Dương. 85-90% thanh thiếu niên bị viêm nướu, tỷ lệ vôi răng ở người trung niên và người cao tuổi rất nghiêm trọng, 90 - 100%.
Mac ung thu mieng vi sai lam khi danh rang
Chăm sóc răng không đúng cách nhiều người gặp họa ung thư. - Ảnh minh họa.
Nguyên nhân của tình trạng bệnh răng miệng với xuất độ cao là do xuất phát từ chính ý thức và hành vi của người dân trong các vấn đề tự chăm sóc, tự bảo vệ sức khỏe răng miệng của bản thân.
Theo TS BS. Ngô Đồng Khanh, nếu biết cách bảo vệ và giữ gìn vệ sinh răng miệng đúng, chúng ta có thể phòng ngừa đến 80% các bệnh sâu răng, bệnh nha chu và tỷ lệ bệnh ung thư miệng cũng giảm xuống.
TTND.TS.BS Ngô Đồng Khanh cho biết, ngày nay người Việt đã có ý thức giữ gìn vệ sinh răng miệng bằng cách chải răng, dùng kem đánh răng thường xuyên đã tăng rất cao (lên tới 91,6% - năm 2015) song tỷ lệ mắc bệnh răng miệng vẫn rất cao bởi đa số mọi người thực hiện không đúng cách.
"Chải răng nhiều nhưng không đúng cách thì vẫn bị sâu răng và viêm nướu. Thực tế nhiều người dân có những thói quen rất không đúng như: chải răng rồi mà vẫn ăn lại ngay; chải "xoẹt, xoẹt" vài cái là xong; chải vài lượt lại nhổ bọt kem đánh răng ra rồi mới chải tiếp… Cách chải răng đúng là: Chải răng ngay sau khi ăn, ít nhất là 2 lần/ngày (2 thời điểm quan trọng là: ngay sau khi ăn sáng và tối trước khi đi ngủ); nên chải răng ít nhất 2 - 3 phút để răng được bổ sung đủ lượng fluor và canxi.
Ngoài kem đánh răng và bàn chải có chất lượng, thời điểm và thời lượng chải răng cũng rất quan trọng. TS BS. Ngô Đồng Khanh nhấn mạnh, mỗi người cần chải răng ít nhất 2 lần trong ngày. Lần chải răng quan trọng là tối trước khi đi ngủ và sáng sau khi ăn sáng.
Đặc biệt, khi chải răng với kem có fluor, bạn không nên chải quá nhanh, súc miệng liên tục vì có thể giảm hiệu quả của fluor. Thời lượng chải răng được Nha sĩ khuyên là 2 - 3 phút, bạn ngậm bọt kem một chút để fluor tráng đều trên mặt răng sau đó mới súc miệng. Hạn chế súc miệng liên tục. Hiệu quả phòng ngừa sâu răng sẽ tăng gấp đôi nếu bạn kết hợp với nước súc miệng có fluor.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với sức khỏe răng miệng ở mọi lứa tuổi. Dinh dưỡng có thể làm thay đổi tính chất hóa học, cấu trúc sinh lý, sinh hóa, ảnh hưởng đến men răng. Trong đó, các loại đường, nhất là đường sucrose tác động xấu đến men răng nhiều nhất. Có những thức ăn mặc dù không hề ngọt nhưng vẫn có thể là nguy cơ gây sâu răng.
Trước nay, các bà mẹ vì muốn bảo vệ răng cho con nên hạn chế những thức ăn ngọt, nhưng sự thật là trong những thức ăn không ngọt, hoặc những thức ăn mà mọi người đều biết rất tốt cho sức khỏe như bánh mì, sữa chua, bánh gạo, nước trái cây... đều có chứa đường tiềm ẩn có thể gây sâu răng.
Vì vậy, TTND.TS.BS Ngô Đồng Khanh khuyên mọi người hạn chế ăn đồ ngọt, nhất là các đồ ăn vặt có nhiều đường. Việc chăm sóc răng miệng cũng nên bắt đầu từ khi người mẹ mang thai, đến khi trẻ chào đời, mọc những chiếc răng đầu tiên. Cha mẹ nên thực hiện tốt việc vệ sinh răng miệng và trở thành tấm gương cho trẻ về ý thức giữ gìn sức khỏe răng miệng và thường xuyên cho trẻ đi khám răng miệng định kỳ.

Nồng độ fluor trong kem đánh răng: Kem đánh răng dành cho trẻ em: 250 – 450 ppm, người lớn: 1.000 – 1.500 ppm (tối thiểu 800 ppm). Lượng kem (Hàm lượng Fluor) dùng khi chải răng:

6 tháng – 2 tuổi: lượng kem bằng hạt đậu xanh (0,05 – 0,1g)

2 tuổi – 6 tuổi: lượng kem bằng hạt đậu nành (0,25g)

6 tuổi: lượng kem bôi trên lông bàn chải như một lớp mỏng (1g – 1,5g)

≥ 12 tuổi: lượng kem dùng như người lớn

Khi chải răng với kem có fluor (loại người lớn) thì cần phải có một sự giám sát của cha mẹ, thầy cô giáo.

Theo Đỗ Quyên/ Giadinhnet

>> xem thêm

Bình luận(0)