Mắc bệnh giống “thiên thần mắt xanh” có chữa được không?

Google News

Nếu ai đã mắc bệnh glôcôm "thiên thần mắt xanh" thì phải phẫu thuật càng sớm càng tốt, nếu không phẫu thuật kịp thời, mắt sẽ bị mù vĩnh viễn.

Gần đây, nhiều người xôn xao trước sự việc gia đình chị Bùi Thị Hoa (32 tuổi) ở Đồng Nai vừa chào đón bé gái đầu lòng tên Xuân với đôi mắt xanh biếc kỳ lạ, làn da trắng trẻo giống như một thiên thần.
Các bác sĩ BV Mắt TP.HCM thăm khám và xác định bé Xuân mang căn bệnh glôcôm bẩm sinh (hay còn gọi là thiên đầu thống).
Mac benh giong “thien than mat xanh” co chua duoc khong?
 Mọi người vẫn đang xôn xao với đôi mắt màu xanh biếc kỳ lạ của cô bé này. (Ảnh: PL.TP HCM). 
Theo BS Nguyễn Thị Hồng Hạnh, khoa Khám bệnh BV Mắt TP.HCM, tình trạng của bé Xuân rất nặng bởi hai mắt đã đục bẩm sinh hoàn toàn, cần phải phẫu thuật càng sớm càng tốt, nếu không sẽ có nguy cơ mù vĩnh viễn.
Trước thông tin này, một số người thắc mắc: “Liệu bệnh này có phổ biến hoặc chữa được hay không. Ai là người dễ mắc?”.
Trao đổi với phóng viên, BS.Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, bệnh của “thiên thần mắt xanh” là bệnh glôcôm. Đây là một bệnh có tần suất xuất hiện thấp nhưng là một bệnh nặng, dễ dẫn đến mù lòa nếu trẻ không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, có tính di truyền. Triệu chứng nhận biết bệnh glôcôm bẩm sinh xuất hiện ngay từ khi trẻ chào đời nhưng phần lớn không được cha mẹ phát hiện sớm.
Điều dễ nhận biết nhất là mắt trẻ to hơn bình thường do củng mạc đàn hồi nhiều nên khi áp lực trong mắt tăng lên thì mắt giãn lồi khiến giác mạc to hơn bình thường.
Theo bác sĩ Hương, khi giác mạc tiếp tục giãn lồi, sẽ xuất hiện nếp gấp, dần dần giác mạc bị phù và đục. Phù giác mạc kèm theo hiện tượng sợ ánh sáng, chảy nước mắt và phù đục giác mạc. Tuy nhiên, phù đục giác mạc là giai đoạn muộn của bệnh, khó có thể phục hồi được thị lực. Hiện nay, phẫu thuật mở góc không can thiệp vào các mô xung quanh mắt trong điều trị bệnh này đã được thực hiện thành công giúp mắt trẻ ít bị kích thích và phục hồi nhanh.
“Nếu ai đã mắc bệnh glôcôm thì phải phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nếu không phẫu thuật kịp thời, mắt sẽ bị mù vĩnh viễn”, bác sĩ Hương cho hay.
Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, chi phí cho một ca phẫu thuật glôcôm không tốn kém, chỉ hết khoảng từ 2-3 triệu. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng phẫu thuật là xong. Có trường hợp phải phẫu thuật đến 5 lần.
Bác sĩ Hương chỉ ra các dấu hiệu của glôcôm bẩm sinh bao gồm:
Giác mạc to: nhãn áp cao làm cho giác mạc bị giãn to. Đường kính ngang của giác mạc bình thường ở trẻ mới sinh là 9,5 đến 10,5 mm và ở trẻ 1 tuổi là 10 đến 11,5 mm. Đường kính giác mạc lớn hơn 1 mm so với bình thường là dấu hiệu gợi ý bệnh glôcôm.
Phù giác mạc: có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ. Giác mạc phù trở nên mờ đục. Lúc đầu phù chỉ có ở biểu mô, sau đó lan xuống cả nhu mô. Phù giác mạc có thể kèm theo những vết rạn của màng….
Ngoài ra, nhãn cầu giãn to sẽ làm cho củng mạc mỏng đi, để lộ màu xanh của hắc mạc bên dưới (lồi mắt trâu).
Những dấu hiệu khác như: Bé có thể cận thị hoặc loạn thị và lệch thể thủy tinh do giãn củng mạc.
Theo Diệu Thu/ Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)