Làm đẹp ở spa, thiếu nữ Quảng Ninh mũi đầy ổ mủ... suýt thủng

Google News

Sau nâng mũi 1 tháng, cô gái trẻ thấy mũi sưng nề, đau nhức nhiều. Khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện bên trong là các ổ mủ.

Các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, BV Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, Quảng Ninh đang điều trị cho nữ bệnh nhân 19 tuổi, sống tại thị xã Đông Triều bị nhiễm trùng mũi nặng sau nâng mũi.

Cô gái trẻ cho biết, nghe theo quảng cáo trên mạng, cô tìm đến một spa trên địa bàn để nâng mũi bằng sụn silicon.

Tuy nhiên 1 tháng sau, cô gái trẻ hoảng hốt khi thấy mũi mọc ụ lớn, sưng nề, đau nhức nhiều nên đến bệnh viện kiểm tra. Qua thăm khám, các bác sĩ thấy sống mũi, cánh mũi người bệnh sưng nề, chính giữa mũi ấn mềm lõm, ấn đau, có dịch. Bệnh nhân được chẩn đoán áp xe vùng sống mũi và tiền đình mũi sau phẫu thuật nâng mũi.

Lam dep o spa, thieu nu Quang Ninh mui day o mu... suyt thung

Mũi cô gái trẻ sưng nề do bị áp xe sau khi nâng mũi 

Các bác sĩ phải rút sụn silicon, bơm rửa vệ sinh hốc mũi hàng ngày cho bệnh nhân. Sau 7 ngày, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt, tránh được nguy cơ thủng vách ngăn mũi.

BS Uông Hồng Hợp, khoa Tai Mũi Họng cho biết, nguyên nhân hình thành ổ áp xe trên mũi có thể do quá trình nâng mũi không đảm bảo vô khuẩn hoặc kĩ năng của người can thiệp chưa vững vàng.

TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình, ĐH Y Hà Nội cho biết, phẫu thuật nâng mũi hiện nay rất phổ biến song không ít trường hợp phải tháo chất liệu độn mũi sau nâng mũi do nhiều nguyên nhân.

Trong vài tuần đến vài tháng đầu, chỉ định tháo bỏ chất liệu thường do nhiễm trùng, chảy dịch, lệch vẹo, hoặc do chất liệu mũi quá cao, quá dài trong khi da đầu mũi mỏng gây nguy cơ thủng đầu mũi, lòi chất liệu ra ngoài.

Trong những trường hợp bị nhiễm trùng, nếu chỉ đơn thuần điều trị bằng kháng sinh sẽ dễ tái đi tái do nhiễm trùng vào khoang đặt chất liệu, vì vậy bác sĩ thường chỉ định tháo sụn nhân tạo.

Nhiều trường hợp, mũi sau tạo hình đã yên ổn một thời gian rất dài nhưng vẫn phải tháo bỏ hoặc chỉnh sửa do đầu mũi mỏng dần hoặc sẹo viền cánh mũi - nơi chất liệu tì vào gây tác động mài mòn dần.

Ngoài ra, không ít trường hợp phải tháo bỏ chất liệu độn mũi do liên quan đến kĩ thuật. Nếu chất liệu làm sống mũi rất cao, đầu mũi rất dài (so với sức chịu đựng của da mũi) sẽ có nguy cơ chọc thủng đầu mũi và qua sẹo viền lỗ mũi rất cao.

TS Dung cũng khuyến cáo, không nên lạm dụng phẫu thuật nâng mũi nhiều lần, vì từ lần mổ thứ 2, mũi đã bắt đầu bị sẹo xơ cứng, da ở đầu mũi, trụ mũi bị mỏng và không còn mềm. Càng mổ nhiều, mũi sẽ càng xơ hơn, khi đó sẽ càng khó chỉnh được dáng mũi đẹp hơn.

Theo Thúy Hạnh/ Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)