“Làm đến chức gì, cũng phải có trách nhiệm với gia đình”

Google News

Tôi cho rằng cân bằng giữa gia đình và công việc là một loại năng lực mà những người phải thực sự bản lĩnh mới làm được...

Tựa bài này là lời nhắn nhủ của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân với hơn 300 cán bộ nguồn của TP trong một cuộc gặp gỡ mới đây. Ông dặn dò họ cống hiến sức trẻ cho thành phố, cho đất nước, và không quên nhắc nhở một cách chân tình: "Các anh chị làm đến chức gì thì chức, phải lo chăm sóc cho ba má, phải có trách nhiệm với vợ con, với chồng con".
“Lam den chuc gi, cung phai co trach nhiem voi gia dinh”
Tôi thực sự không hiểu mối liên quan nào giữa "sự nghiệp" với việc 7 ngày một tuần cả nhà không ăn cùng nhau được một bữa cơm - Ảnh minh họa.
Ông đã không nhắc suông, mà kể chính câu chuyện của mình: Khi ông vừa đi bộ đội về, làm bí thư đoàn trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, suốt ngày đi lo công tác sinh viên. Vợ ông hỏi: "Thế anh lấy em hay lấy đoàn thanh niên đấy?" Câu hỏi của vợ làm ông tỉnh ra. Từ đó, ngoài công tác đoàn thể, ông còn dạy thêm ngoại ngữ để kiếm tiền nuôi vợ con.
Câu chuyện làm cả hội trường ồ lên, và cũng lắng lại. Tôi không khỏi nhớ đến hình ảnh những gia đình trẻ, cuộc sống còn nhiều thứ phải lo toan, mà đường tương lai thì còn quá rộng dài, chưa ai biết trước.
Không biết từ buổi cơ hàn đầm ấm ấy, cho đến khi chồng vợ có được chút công danh với đời, thì còn lại bao nhiêu gia đình yên ấm?
Bí thư Nhân cũng nhiều lần bày tỏ trăn trở của ông về việc giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là nếp nhà. Ông lo rằng thu nhập tăng lên mà trong mỗi gia đình không có sự chia sẻ, gần gũi, đi học đi làm về mỗi người ôm một chiếc ipad hay điện thoại, cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, thì xã hội khó lòng phát triển bền vững.
Tôi cũng có nỗi băn khoăn như vậy: Gia đình và sự nghiệp có phải lựa chọn một mất một còn?
Tôi biết nhiều người, lấy cớ lo sự nghiệp để biện minh cho sự bỏ bê gia đình. Tôi thực sự không hiểu mối liên quan nào giữa "sự nghiệp" với việc 7 ngày một tuần cả nhà không ăn cùng nhau được một bữa cơm, con cái không được ngồi trong lòng ba mẹ mà ríu rít kể một câu chuyện ở trường, hay cha mẹ già dù sống chung nhà nhưng chẳng bao giờ được than thở với con mình vài chuyện vu vơ...
Mới đây, tôi nghe một chuyện: Một vị sếp được vợ giao đón con cuối ngày. Vị ấy bận nhậu sau giờ làm - nói văn vẻ là tiếp khách để phát triển quan hệ - nên thường nhờ một nhân viên đón giùm. Cậu này chẳng may hôm đó cũng say bí tỉ nên nhờ lại một người khác. Người này chở đứa bé về, bất cẩn để bé té rất nặng. Những vết sẹo trên mặt con gái, sau này mỗi lần nhìn lại, liệu vị sếp kia có nhói lòng?
Tôi lại nhớ đến ông Kim Woo Choong, người sáng lập tập đoàn Daewoo ở Hàn Quốc. Ông cũng là một người say mê công việc, từ khi khởi nghiệp chưa từng nghỉ ngơi một ngày nào. Trong cuốn sách "Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm", ông thừa nhận "không có ký ức về việc đi tắm biển cùng gia đình", rằng "năm nào tôi cũng không thể hứa với vợ và các con là sẽ tổ chức sinh nhật tại nhà cùng với họ".
Ông Kim nói rằng ông luôn cảm thấy có lỗi, và biết ơn những thành viên trong gia đình đã thấu hiểu cho ông.
Tôi hiểu là vợ con ông thấu hiểu vì ông đã hết mình vì công việc, chứ việc này hoàn toàn không giống mượn cớ công việc để tụ tập bên ngoài, bỏ bê gia đình. Cũng không giống những người luôn tỏ ra bận rộn nhất thế giới nhưng thực ra chẳng làm gì.
Chú tôi thì không giống ông Kim. Chú vừa chớm tuổi 30 đã là sếp khá lớn trong một ngân hàng, có một gia đình nhỏ, cậu bé con đang tuổi mẫu giáo. Ngày nào chú cũng ăn cơm ở nhà. Vì đi nhậu ở đâu thì đi, chú vẫn thèm ăn cơm thím nấu.
Hôm nào biết không ăn bữa tối được thì chú tranh thủ chạy về ăn bữa trưa. Cuối tuần thì dọn nhà, phụ vợ, chơi với con. Chú bảo làm việc nhà là trò giải trí vui nhất của chú. Phần lớn thời gian, tâm trí của chú dành cho công việc, tất cả thời gian còn lại là của gia đình.
Từ xưa tới giờ, dân gian vẫn so sánh kiểu "Chồng người đi ngược về xuôi/Chồng tôi ngồi bếp sờ đuôi con mèo". Nhưng thời nay, đừng khuyến khích kiểu người vì công danh sự nghiệp mà không chăm lo cho gia đình. Đừng để phía sau một người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ đau khổ. Hay phía sau một người phụ nữ thành đạt là một gia đình tan nát.
Tôi cho rằng cân bằng giữa gia đình và công việc là một loại năng lực mà những người phải thực sự bản lĩnh mới làm được...
Theo PV/Tuổi Trẻ

>> xem thêm

Bình luận(0)