Kỳ diệu mẹ hôn mê vẫn sinh con khỏe mạnh

Google News

Tính đến nay vừa tròn 2 tháng bé Cốm chào đời từ người mẹ chấn thương sọ não, hôn mê suốt hơn 3 tháng ròng vì TNGT.

Đây được coi là một kỳ tích của tình mẫu tử thiêng liêng và sự đùm bọc sẻ chia của nhiều tấm lòng nhân ái từ cộng đồng.
Sự sống đến từ tình yêu thương
Đôi mắt bà Nguyễn Thị Thu (bà nội của bé Cốm, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) ngân ngấn lệ khi nhắc lại ngày đầu tháng 5 định mệnh đã khiến cô con dâu cả của bà tên Nguyễn Quỳnh Anh (29 tuổi, đang mang thai tháng thứ 5) hôn mê sau vụ TNGT. “Vì Quỳnh Anh làm hành chính, nên trưa nào cũng tranh thủ về nhà nghỉ ngơi và chăm cho con trai nhỏ. Con đường quen thuộc từ cơ quan về nhà luôn là tuyến đường Tam Trinh, nhưng không hiểu sao, buổi trưa con dâu tôi lại chọn đi qua đường Yên Sở. Và TNGT đã xảy ra, kẻ gây tai nạn bỏ trốn. May mắn, Quỳnh Anh được người đi đường phát hiện và đưa đi cấp cứu. Khi gia đình biết tin, Quỳnh Anh đã được các bác sĩ mổ cấp cứu vì chấn thương sọ não”, bà Thu cho hay.
Cũng từ sau vụ TNGT đó, người mẹ trẻ rơi vào hôn mê. “Sau này trao đổi lại với bác sĩ, gia đình được biết, khi nhập viện, Quỳnh Anh đã có dấu hiệu ngừng tim, mạch không đo được, đồng tử giãn toàn bộ tiên lượng tử vong cao nhưng điều kỳ diệu nhịp tim của thai nhi vẫn mạnh mẽ”, bà Thu kể lại.
Nói đến trường hợp đặc biệt này, BS. Trương Quý Hoàng, BV Thanh Nhàn, một trong các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân chia sẻ: “Đây là một ca mổ đặc biệt bởi vừa phẫu thuật cho mẹ mà lại phải đảm bảo an toàn cho con. Vì thế, các bác sĩ đã phải lựa chọn sử dụng các loại thuốc gây mê, thuốc giảm co để tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Mặc dù, mục đích là cứu mẹ vì con lúc đó còn quá nhỏ, nếu mẹ không được cứu thì cũng khó có thể giữ được con, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Khi bệnh nhân được đưa đi chụp chiếu, bác sĩ đã chuẩn bị áo chì để che bụng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải thở máy, hôn mê, phản xạ hầu như không có. Tuy nhiên, sức khoẻ thai nhi ổn định”. Hàng ngày, Khoa Sản I vẫn cắt cử bác sĩ, điều dưỡng lên kiểm tra và siêu âm thai nhi…
Một điều nữa cũng làm các bác sĩ lo lắng đó là người mẹ vừa trải qua một cuộc đại phẫu sẽ đối mặt nhiều nguy cơ sau mổ như viêm phổi, bị loét do tì đè, thiếu dinh dưỡng, mất máu sau phẫu thuật… Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng, thai nhi tăng cân đều, nhịp tim tốt.
Kết quả cuối cùng vượt ngoài mong đợi, một bé gái nặng 3,2kg hồng hào, khoẻ mạnh như các em bé được sinh ra từ những người mẹ bình thường. “Tôi đã mổ rất nhiều ca nhưng đây là lần đầu tiên thực hiện phẫu thuật cho một ca bệnh mà cả mẹ và con đều rất đặc biệt. Khi em bé cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc ý thức của người mẹ có những cải thiện đáng ngạc nhiên. Chính tình mẫu tử thiêng liêng làm lên kỳ tích này! ”, BS. Trần Viết Thắng, Trưởng khoa Sản, BV Thanh Nhàn chia sẻ.
Nhắc lại giây phút đón cháu gái chào đời, bà Thu cho hay: “Dù ngày ngày vẫn nhận thông tin tốt lành từ y, bác sĩ về tình trạng sức khỏe của cháu, nhưng niềm hạnh phúc thật khôn tả khi được tận tay lần sờ trên da thịt cháu… Và như có phép màu, diễn tiến bệnh của mẹ Cốm đã có sự chuyển biến nhất định”.
…Và lớn lên từ dòng sữa mát của nhiều người mẹ
Sau 2 ngày được nằm bên mẹ, Cốm được gia đình đưa về nhà để tiện chăm sóc. Dòng sữa mẹ đầu tiên của Cốm chính là từ người cô (vợ của chú ruột) tên Nguyễn Thị Chi. “Ngày đón Cốm về, bé Bo (con trai chị Chi) cũng gần được 1 tháng. Thế là hai đứa uống chung dòng sữa. Tuy nhiên, được hơn một tháng dòng sữa cạn chị Chi cùng lúc chăm cho hai bé vất vả và ít có thời gian nghỉ ngơi. May nhờ có nguồn sữa của nhiều mẹ khác gửi đến, nên giờ Cốm vẫn được ăn sữa mẹ”, chị Chi cho biết.
Ky dieu me hon me van sinh con khoe manh
Bà Thu vừa bế bé Cốm vừa trông bé Bo 
Nhà bà Thu vốn neo người, giờ phải chia đôi để chăm cho mẹ con Quỳnh Anh. Công việc buôn bán chợ búa, bà Thu đành gác lại hết từ ngày bé Cốm chào đời, loanh quanh ở nhà phụ cơm nước, trông cháu. Còn chồng Quỳnh Anh, ngày đi làm, đêm lại vào viện trông vợ…
Chỉ vào nơi góc phòng, bà Thu nói, đấy là chiếc tủ trữ đông lạnh mà các bố, các mẹ hảo tâm đã hỗ trợ để có nơi tích sữa đảm bảo chất lượng cho Cốm. “Cứ vơi vơi là các mẹ lại giúp. Cốm không lo đói sữa. Đó là điều may mắn vô cùng đối với mẹ con nhà Cốm. Nếu không có các mẹ thì chắc khó khăn lại chồng chất khó khăn”.
“Sau khi có cái tủ đông, tình hình xin sữa mẹ được cải thiện rất nhiều, nhưng trộm vía Cốm ăn tốt, nên gia đình cứ chóng hết cả mặt vì sữa. 8 mẹ quay vòng thay nhau cho sữa mà vẫn thấy veo veo...Tthế nên vẫn đăng lại ở đây để mẹ nào có sữa lại góp với nha, sẽ có ship đến tận nơi lấy ạ, xin đa tạ”, mẹ Sam - người kêu gọi hỗ trợ giúp mẹ con Quỳnh Anh, chia sẻ trên trang Facebook của mình.
Cũng theo bà Thu, ngày Quỳnh Anh gặp nạn, cô còn chưa kịp sắm sanh đồ để đón con chào đời. Toàn bộ đồ đạc, quần áo sơ sinh dành cho Cốm đều do các cha, các mẹ quyên góp. Từ sự chăm chút của nhiều tấm lòng thơm thảo, của mẹ Chi, bà nội và gia đình, bé Cốm trộm vía cứng cáp, sau hai tháng bé lên được 2,3kg. “Sau sinh con, Quỳnh Anh tỉnh táo nhiều, có thể cử động tay, chân, trả lời câu ngắn, rất khả quan. Mới hôm trước, cô cho Cốm vào thăm mẹ. Cốm được gần mẹ nằm im ro, rúc nách ngủ suốt buổi. Lúc chia tay con, Quỳnh Anh còn khẽ luồn tay sờ vào làn da mỏng nơi cổ tay của con. Thương lắm, mong con sớm được gần mẹ”, bà Thu thầm nhủ.
Tuy tình hình sức khỏe của Quỳnh Anh có nhiều cải thiện nhưng theo thông tin từ gia đình, hiện bác sĩ đang phát hiện dịch tụ ở vết chấn thương sọ não của Quỳnh Anh, cần sớm phẫu thuật hút dịch. Dự kiến, Quỳnh Anh còn phải trải qua một vài cuộc phẫu thuật nữa. “Cốm sẽ là động lực để mẹ Quỳnh Anh cố gắng chiến đấu, giành sự sống cho mình. Hi vọng mọi sự thuận lợi, Tết này, anh em Cốm được vui vầy bên mẹ”, bà Thu khẽ chia sẻ.
Theo Vũ Anh/ Giao thông

>> xem thêm

Bình luận(0)