Kinh hoàng cúm A/H7N9 cướp mạng sống của 621 người Trung Quốc

Google News

Theo kinh nghiệm của các nhà chuyên môn, thời điểm chuyển mùa (từ đông xuân sang hè) là lúc lý tưởng để nhiều loại dịch bệnh có cơ hội bùng phát, trong đó có bệnh cúm gia cầm, như chủng H7N9.

Virus cúm áp sát biên giới
Từ những ngày đầu tháng 2.2018, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã có công điện khẩn đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống cúm gia cầm, ngăn chặn virus cúm A/H7N9 và các chủng virus nguy hiểm khác vào Việt Nam.
Trước đó, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, tại Trung Quốc đã có hơn 1.600 người bị nhiễm virus cúm A/H7N9, trong đó có 621 ca tử vong.
 Lực lượng chức năng của TP.Hà Nội đang tăng cường kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của gia cầm để phòng chống dịch. Ảnh: K.N
Chủng virus cúm A/H7N9 luôn nguy hiểm ở chỗ chỉ mang trùng trên gia cầm nhưng lại không gây chết gà (giống như cúm A/H5N1) nên rất khó phát hiện. Trong khi đó, nếu người ăn phải gia cầm sống và tiếp xúc với gia cầm mang bệnh lại bị lây nhiễm virus cúm A/H7N9 và gây tử vong cho người.
Một khó khăn nữa là đến nay chưa có vaccine phòng bệnh với chủng virus cúm này trên gia cầm và người. Nếu đàn gia cầm mang trùng chưa có khả năng gây bệnh thì cũng rất có khả năng kế phát các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt làm con vật suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển của con vật.
Trong khi đó, nước ta có chung đường biên giới khá dài với Trung Quốc, hoạt động giao thương sôi động nên nguy cơ virus cúm A/H7N9 và các chủng virus khác xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố có tiêu thụ gia cầm nhập lậu.
Chính vì vậy, trong công điện mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, gia cầm nhập lậu qua biên giới; đồng thời rà soát, quy hoạch khu vực buôn bán, giết mổ gia cầm tại các chợ có bán gia cầm sống.
Chủ động các biện pháp phòng chống
Là địa phương có đàn gia cầm thuộc hàng lớn nhất cả nước, lại là đầu mối tiêu thụ cũng như trung chuyển gia cầm, TP. Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn virus cúm A/H7N9 xâm nhập.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, thành phố hiện có gần 29 triệu con gia cầm với nhiều vùng chăn nuôi lớn như khu vực chăn nuôi gà đồi ở Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), Thụy An (Ba Vì), huyện Chương Mỹ (khoảng 4,7 triệu con), tập trung ở một số xã như Thủy Xuân Tiên, Hoàng Văn Thụ; chăn nuôi vịt, ngan ở huyện Ứng Hòa (khoảng hơn 1 triệu con).
Đặc biệt, Hà Nội có 2 chợ đầu mối gia cầm lớn là chợ Hà Vĩ (huyện Thường Tín) và Hải Bối (huyện Đông Anh). Chỉ tính riêng chợ đầu mối Hà Vĩ tiêu thụ đến 40 - 60 tấn gia cầm/ngày đêm (khoảng 20.000 - 30.000 con). Còn chợ Hải Bối cũng tiêu thụ khoảng trên 3.000 con gia cầm/ngày đêm. Điều đáng nói là tại chợ này có tới 19 hộ kinh doanh giết mổ trực tiếp gà sống ngay tại khu vực chợ, bình quân khoảng 2.000 con/ngày, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Ông Sơn đánh giá, với tốc độ phát triển và lưu lượng lưu thông hàng ngày về gia cầm như trên thì nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H7N9 và các chủng cúm gia cầm khác trên địa bàn thành phố là rất lớn.
Vì vậy, để chủ động phòng chống và ngăn chặn dịch, Chi cục Thú y Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố tập trung kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp ngay trong quý I.2018.
Ngoài ra, Chi cục cũng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nguy hiểm của dịch cúm A/H7N9 và các chủng cúm gia cầm khác. Thực hiện tốt việc chia sẻ thông tin, giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi. Nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng bắt buộc vaccine cúm gia cầm theo quy định của Luật Thú y; thực hiện việc tốt việc vệ sinh cơ giới, tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn…
“Chúng tôi cũng đẩy mạnh việc lấy mẫu giám sát lưu hành virus cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút khác trên đàn gia cầm và môi trường nhằm phát hiện sớm để khoanh vùng xử lý nhanh gọn, không để lây lan ra diện rộng” - ông Sơn nói.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y Hà Nội đã lấy 60 mẫu swabs gộp (dùng tăm bông vô trùng ngoáy lấy dịch hầu họng hoặc dịch ổ nhớp của từng con gia cầm cần xét nghiệm), 74 mẫu môi trường, 600 mẫu swab đơn để giám sát lưu hành virus cúm. Đợt 1/2018, tổng diện tích phun phòng tiêu độc đạt 74 triệu mét vuông, tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 80% tổng đàn trong diện tiêm trở lên.
Theo Khánh Nguyên/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)