Học cách thương chồng khi bị chồng xử tệ

Google News

Một người đang bị ức chế tâm lý thường không có được cách ứng xử tốt đẹp. Trong hôn nhân cũng vậy, khi một người chồng có cách ứng xử không tốt với vợ, đôi khi không hẳn là họ chán ghét vợ mà là họ đang bị khủng hoảng về tinh thần.

Nghĩ đến ly hôn khi cảm thấy bị chồng chán ghét
Tâm sự trên một diễn đàn phụ nữ, chị T, 27 tuổi cho biết, chị lấy chồng mới được hai năm nhưng điều khiến chị đau khổ là trong suốt hai năm đó chỉ nhận được sự lạnh nhạt thờ ơ từ chồng.
Cưới nhau được một thời gian, vợ chồng T thường cãi vã bởi những chuyện nhỏ nhặt. Chuyện cãi vã cũng chỉ quanh quẩn bởi những lý do như chồng không phụ giúp việc nhà, không quan tâm đến gia đình… “Tôi cũng có cái sai là không thông cảm và hiểu cho anh ấy. Sau đó tôi đi học lớp Phụ nữ lãnh đạo bằng yêu thương. Tôi đã tự thay đổi, hoàn thiện bản thân và làm lành với chồng sau mỗi lần cãi vã. Tuy nhiên, gần một năm nay chồng tôi vẫn giận dỗi chỉ vì những chuyện nhỏ như thế”, chị T cho biết.
Hoc cach thuong chong khi bi chong xu te
Ảnh minh họa. 
Nghiêm trọng hơn, chuyện chăn gối của vợ chồng cũng tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt. Theo lời chị T kể, hai năm làm vợ nhưng số lần vợ chồng quan hệ tình dục chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chồng chị T còn nói thẳng, không có cảm giác gì, không muốn động vào người vợ. Vì nghi chồng gặp vấn đề gì đó về sinh lý nam nên nhiều lần chị T khuyên nhủ chồng đi khám nhưng chồng anh ấy cương quyết không đi.
Chồng chị T nói do không còn tình cảm nên mới dẫn đến thế. Anh ta còn có những hành động không tôn trọng T, khi chị T đi đâu làm gì anh ta cũng mặc kệ và tỏ ra không quan tâm. Ngay cả khi có công chuyện ở quê, chồng T cũng chỉ thông báo cho có lệ, còn lại T muốn về thì về không về thì thôi.
Chị T kể: “Suốt hơn một năm qua, vợ chồng chung sống nhưng không nói chuyện với nhau. Anh ấy nói để anh ấy yên ổn. Anh ấy không có nhu cầu nói chuyện với tôi và chưa biết khi nào có thể bình thường trở lại.
Anh ấy còn nói cứng rằng, tôi đợi được thì đợi, không thì thôi. Tôi nói sống với nhau mà như thế thì hay là ly hôn để giải thoát cho cả hai thì anh ấy nhất quyết không đồng ý. Tôi có cảm giác như anh ta sợ xấu hổ với gia đình, bạn bè nên mới không chịu ly hôn. Lúc có gia đình hai bên thì anh ta tỏ ra bình thường, chu toàn. Nhưng lúc chỉ có hai vợ chồng thì anh ta không coi tôi ra gì, đi ngủ đắp chăn riêng. Nhiều lần tôi đề cập đến chuyện đi khám để sinh con, để có con rồi gia đình sẽ hoà thuận gắn kết hơn nhưng anh ta nhất định không đồng ý và cáu gắt loạn lên. Anh ta sợ nhắc đến chuyện có con và nói chưa bình thường được thì làm sao có con được. Nhiều khi tôi cứ có cảm giác anh ta đang hành hạ tôi vậy. Tôi vẫn còn tình cảm với anh ấy, nhưng có lẽ tôi cảm giác anh ấy chán ghét tôi lắm rồi. Tôi có nên ly hôn không?”.
Có hiểu mới có thương
Thực tế chuyện tình yêu nhạt đi sau hôn nhân là hết sức bình thường. Không có cặp đôi nào yêu nhau nồng nàn mãi mãi, nếu có thì đó cũng chỉ là những mối tình được phim ảnh hoặc truyền thông xây dựng nên, hoặc có thể là do cặp đôi cố gắng để đạt được điều đó. Tuy nhiên, hôn nhân không hoàn toàn phụ thuộc vào tình yêu mà phụ thuộc vào cách ứng xử giữa hai người. Một cuộc hôn nhân hài hòa hạnh phúc không phải ở chỗ người ta yêu nồng nàn cỡ nào, mà do hai người có biết cách ứng xử đẹp lòng nhau hay không. Bởi vậy, theo các chuyên gia, hầu hết các mối bất hòa giữa các cặp vợ chồng là do hai người không tìm thấy tiếng nói chung, mà nguyên nhân gốc rễ là do không thấu hiểu nhau. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng có một câu nói nổi tiếng là “có hiểu mới có thương”. Chữ thương ở đây nghĩa là tình yêu bao hàm đầy đủ ngữ nghĩa của nó.
Về phía người vợ, qua lời lẽ của chị T kể thì thấy rằng, mặc dù trong cuộc sống chị không có lỗi gì nhưng trong cách ứng xử của chị lại có vấn đề. Vấn đề chính là ở ý muốn của chị. Ý muốn chồng thế này, muốn chồng thế kia, muốn chồng làm cái này, muốn chồng phải quan tâm thế kia… đã gây nên sự ức chế cho người chồng. Tâm lý của đàn ông vốn thích được chứng tỏ, thích được thể hiện nhưng khi người vợ cứ chạy lên phía trước để chỉ đạo, bảo phải làm cái này, làm cái này thì đúng, cái kia thì sai… thì họ sẽ cảm thấy cụt hứng, dần dần thấy chán ghét. Khi đã chán ghét thì họ sẽ tránh không giao tiếp nữa. Đây là cái lỗi ứng xử mà chị T đã không nhìn thấy.
Lùi một bước để tiến nhiều bước
Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, Công ty Tư vấn An Việt Sơn (Hà Nội), tình trạng các ông chồng sau hôn nhân tỏ ra chán vợ không phải là hiếm. Nhưng sự “chán vợ” ở các ông chồng không có nghĩa là họ muốn lấy một cô vợ khác mà đơn giản là “chán”, là “không hài lòng” mà thôi. Phụ nữ vốn coi gia đình là sự nghiệp thứ hai trong đời mình, nên khi rơi vào tình trạng “bị chồng chán”, tốt nhất không nên quá thất vọng mà xem như đó là một thử thách để vượt qua. Lúc này, tốt nhất hãy lùi lại, nhìn vào bên trong nội tâm của mình thay vì nhìn vào lỗi của chồng. Nhìn vào bên trong mình vừa để giúp mình thư giãn, vừa giúp mình thấy rõ mình hơn rằng mình có gì sai không…
Việc các bà vợ “lùi lại một bước” không chỉ giúp họ có được sự bình an về nội tâm để có sự sáng suốt hơn trong ứng xử mà còn tránh được cãi lỗi “chết người” là xâm phạm và “khoảng trời riêng” của chồng. Tâm lý của đàn ông khi gặp vấn đề khó xử, họ rất cần có một “khoảng lặng” cần thiết, là lãnh địa bất khả xâm phạm mà người vợ không nên xen vào. Lúc này, việc các bà vợ tỏ ra quan tâm hỏi han, trách móc, than phiền, giận dỗi… sẽ không giải quyết được vấn đề mà thậm chí còn khiến mối quan hệ vợ chồng trở nên tệ hại hơn. Một người đang bị ức chế tâm lý thường không bao giờ có cách ứng xử tốt đẹp được. Các bà vợ hãy hiểu rằng, chồng mình cư xử không tốt với mình là do anh ấy đang đau khổ, đang bị ức chế chứ không phải là anh ấy chán vợ. Hiểu được như vậy sẽ càng thương chồng hơn. Một khi đã “thương” được chồng, các bà vợ ắt sẽ có cách ứng xử khôn ngoan nhất.
Theo Ngân Khánh/Giadinh.net

>> xem thêm

Bình luận(0)