Hành trình chinh phục Fansipan của mẹ đơn thân mắc ung thư

Google News

Trong hành trình chinh phục hơn 3.000 m của đỉnh núi cao nhất Việt Nam, mẹ đơn thân mắc ung thư luôn tự nhủ phải mạnh mẽ vượt lên chính mình.

Mẹ đơn thân mắc ung thư trở về Hà Nội sau hành trình chinh phục đỉnh Fansipan, chị Bùi Thu Thủy (30 tuổi, bệnh nhân ung thư) lại làm đồ handmade, bánh chưng và nhiều thực phẩm gia đình để đem bán tại hội chợ.
Không chỉ bạn bè, người thân mà ngay bản thân nữ bệnh nhân cũng khá ngạc nhiên với sự tiến triển của sức khỏe. Chị Thủy cho biết, hiện tinh thần của mình rất tốt.
 Chị Bùi Thu Thủy vui mừng khi chinh phục đỉnh núi cao nhất Việt Nam.
Có ý định từ lâu, nhưng phải sau đợt hóa trị thứ 8 (ngày 5/12), chị Thủy bắt đầu thực hiện hành trình chinh phục “nóc nhà Đông Dương”. Đây cũng chính là cơ hội thử thách bản thân, cũng như kiểm tra tình hình sức khỏe sau những đợt hóa trị vì căn bệnh ung thư vú.
Hơn hết, người mẹ muốn chuyến đi là bài học nghị lực tặng con trai. “Tôi luôn hy vọng có một bức ảnh đẹp trên đỉnh núi làm kỷ niệm cho con mình. Để sau này, cháu sẽ nhớ rằng, mẹ rất giỏi và phải mạnh mẽ hơn mẹ thật nhiều”, chị Thuỷ nói.
Chuẩn bị cho hành trình khó khăn, người mẹ trẻ phải tập luyện một thời gian. Ở tầng 7 khu chung cư, hàng ngày, chị leo cầu thang bộ, thay vì đi thang máy. Mỗi buổi tối, hai mẹ con cùng chạy bộ 3 vòng quanh hồ gần nhà.
Chuyến đi khởi hành từ Hà Nội ngày 17/12 và kết thúc vào tối 20/12. Hành trình đó mệt mỏi hơn rất nhiều so với hình dung của người phụ nữ 30 tuổi.
Dù đã xem xét chọn thời điểm, nhưng không may đoàn gặp thời tiết xấu, liên tục mưa và gió lạnh buốt. “Rét không thể tả nổi” là câu nói của những thành viên khi hồi tưởng về những ngày leo núi khó nhọc.
Biết tình trạng sức khoẻ của chị Thuỷ, nhiều thành viên quan tâm giúp đỡ. Song, điều thú vị là người phụ nữ ấy lại luôn nằm trong những thành viên đi nhanh nhất, cùng trưởng đoàn và người khuân vác. “Tôi đến điểm mốc 2.200 m đầu tiên, chạm đích cũng nhanh và về đến khách sạn ở Sa Pa trước mọi người khoảng một tiếng”.
Thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ giảm tới ngưỡng 0 độ C, mưa, sương mù khiến tầm nhìn hạn chế..., rất nhiều khó khăn thử thách các thành viên leo núi.
Có những đoạn rất ngắn nhưng khó đi vì phải vượt qua các đỉnh khác nhau. "Tôi nhớ nhất là quãng leo từ 2.200 m đến 2.800 m. Chỉ 600 m thôi nhưng dốc lên dựng đứng, dốc xuống cheo leo. Chưa vượt qua đỉnh này, ngước mắt đã thấy đỉnh khác cao hơn", chị Thuỷ tâm sự.
 Hành trình gian nan, chị Thủy từng nghĩ đến chiếc áo mưa cũng là một gánh nặng lớn đè trên cơ thể.
Những quãng tiếp theo, chị nói, không phải leo nữa, mà chính xác là... bò lên đỉnh núi. Hành trình chinh phục đỉnh Fansipan gian khổ nhất ở đỉnh số 7, khi đường dài, núi cao và lối đi xấu. Chị phải túm chặt vào lau sậy, cây cối ven đường. Cơ thể áp vào vách đá trong tình trạng toàn thân ướt, lạnh cóng. Để giữ ấm cơ thể và tránh hạ đường huyết, mọi người trong đoàn mang theo kẹo gừng và sử dụng trong suốt chuyến đi.
"Không ít lần, tôi muốn vứt phăng áo mưa mặc trên người cho đỡ nặng, muốn bỏ cả găng tay và mấy đôi giày bê bết bùn đất. Sau đó, tôi phải bỏ nước uống mang theo", nữ thành viên đoàn leo núi kể.
Điểm dừng chân ở trạm 2.800 m, các thành viên được thưởng thức bữa tối sau quãng đường vất vả. Chị Thuỷ bảo, có lẽ đó là một trong những bữa ăn ngon nhất.
Thời tiết giá lạnh, cây cối đóng băng trên đỉnh Fansipan. 
6h30 sáng hôm sau, cả đoàn tiếp tục leo tới đỉnh 3.140 km. Gần 9h, chị Thuỷ là người đầu tiên trong đoàn chạm tay được vào mũi chóp trên đỉnh Fansipan. Người phụ nữ 30 tuổi chia sẻ, lúc đó, không hiểu sao mọi mệt nhọc tan biến hết.
Đến giờ, ngoài niềm vui vượt qua chính mình, sức khỏe ổn định, điều khiến chị Thủy hạnh phúc hơn cả là đã đem đến một bài học vượt khó, cũng như kỷ niệm lớn cho con trai. Suốt chuyến đi, người mẹ đơn thân luôn nhận được sự ủng hộ lớn từ chàng trai của mình: "Hàng ngày, Bốp đều gọi điện hỏi mẹ leo tới đâu rồi, mẹ mệt không, động viên mẹ cố gắng... Đây là nguồn động lực lớn giúp tôi chiến thắng được chính mình".
Theo Zing

Bình luận(0)