Hạnh phúc “nổ tung” vì khoản nợ riêng bất thường

Google News

Trong hôn nhân, việc vợ chồng tồn tại nợ riêng luôn được xem là... bất bình thường. Do đó, những món nợ riêng trở thành nguyên nhân khiến không ít hạnh phúc gia đình đổ vỡ.

Hanh phuc “no tung” vi khoan no rieng bat thuong

Minh họa st

1. Chị ngồi lặng từ trưa cho tới chiều muộn kể từ khi đám người đòi nợ kia đến làm náo loạn rồi bỏ đi. Chưa bao giờ, chị nghĩ chồng lại có nợ riêng bên ngoài. Chị gọi điện cho anh mấy cuộc nhưng không thấy chồng nhấc máy. Từ lúc đó, không biết bao nhiêu câu hỏi hiện lên trong đầu chị: Anh vay tiền để làm gì? Anh có vợ bé con riêng bên ngoài nên vay tiền lo cho họ? Anh cờ bạc chơi bời rồi nợ nần?...

Tối khuya anh mới trở về, buông người mệt mỏi xuống sofa. Chị bật dậy, lớn tiếng:

- Anh giải thích đi, món nợ kia là sao? Tiền anh vay để cho ai, làm gì....?

- Tôi nợ thì tôi trả, không liên quan đến cô là được chứ gì?

Chị tức đến nghẹn họng trước lý lẽ của anh khóc ấm ức. Sáng dậy, anh nhìn mắt vợ sưng húp, dịu giọng: "Nợ riêng của anh để anh lo. Anh sẽ không làm ảnh hưởng đến vợ con đâu". Chị vẫn không yên lòng với câu nói đó của anh, trong đầu chị bây giờ cần một đáp áp: Tại sao anh có nợ riêng?
Những ngày sau, anh vẫn không nói về nguồn gốc số nợ riêng đó mà tự mình tìm cách kiếm tiền trả. Anh nhận công trình làm thêm bên ngoài, đi sớm về muộn, gầy rộc cả người. Sự quan tâm, chăm sóc đối với vợ con cũng giảm đi. Chị càng có cớ để quy kết về chuyện nợ riêng của anh. Mâu thuẫn vợ chồng liên tục diễn ra. Đến lúc, hôn nhân đứng bên bờ vực đổ vỡ, anh mới nói rõ lý do mình có nợ riêng.

Hóa ra nguyên nhân lại bắt nguồn từ quan điểm sống không muốn chia sẻ gánh nặng bên nhà chồng. Gia đình anh khó khăn, chị lấy chồng chủ yếu nhờ bên ngoại. Từ mua nhà, sắm sửa đồ dùng, mua sắm xe cộ đều do nhà ngoại giúp đỡ. Do đó, chị quán triệt luôn là mình chỉ lo cho tổ ấm riêng, còn không thể lo cho nhà chồng. Mọi khó khăn bên nhà nội, anh tự lo liệu. Nếu anh không lo được thì bỏ, không được bắt vợ gánh vác. Bao nhiêu năm chung sống với nhau, anh nhiều lần khó xử với người thân khi vợ đứng ngoài cuộc mọi công to việc lớn của nhà chồng, nhất là những lúc họ khó khăn cần giúp đỡ.
Năm ngoái, em trai anh bị bệnh cần một số tiền lớn để phẫu thuật. Anh kể cho vợ nghe, những tưởng chị sẽ thông cảm giúp đỡ một ít để bố mẹ lo cho em. Vì anh biết vợ đang có một khoản tiết kiệm gửi ngân hàng. Nhưng, chị nghe xong thì xem như không liên quan đến mình và đứng ngoài cuộc. Anh đành im lặng mang giấy tờ nhà đi cầm cắm để vay tiền chữa bệnh cho em trai. Món nợ đó, anh xem là nợ riêng không liên quan đến vợ.

Từ hôm biết được nguồn cơn món nợ riêng của anh, chị lại càng cay cú. Lẽ ra, số tiền anh kiếm trả nợ ấy phải tích cóp lại lo cho các con sau này chứ không phải lo cho người khác. Sự ích kỷ đó của chị khiến vợ chồng không còn tiếng nói chung. Một ngày, anh trở về đưa cho chị lá đơn ly hôn đã ký sẵn, rồi chuyển ra ngoài sống. Hạnh phúc của họ "nổ tung" sau những mâu thuẫn từ món nợ riêng của anh.

2. Người chồng ấy gọi điện đến Văn phòng Tâm Giao (Báo Phụ nữ Thủ đô) hỏi làm thế nào để ly hôn người vợ đang có những món nợ riêng bên ngoài. Lâu nay, bố con anh khốn khổ vì chuyện vợ nợ nần. Giờ chỉ còn cách ly hôn thì may ra họ mới sống yên ổn.

Anh làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thu nhập đủ lo cho vợ con. Cuộc sống không giàu có nhưng ổn định, nhìn lên chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống cũng hơn nhiều người. Ai ngờ, vợ anh lại không chịu an phận, cô muốn cuộc sống có đồ hiệu để dùng, có tiền đi du lịch nước ngoài. Đòi hỏi chồng không được, cô tìm cách kiếm thêm để tiêu xài bằng cách vay tiền buôn hàng đa cấp về bán. Ban đầu nhờ người thân, người quen mua ủng hộ hàng nên cô kiếm được món khá. Vừa trả được vốn vay lại có tiền để mua hàng hiệu dùng. Tiền cô kiếm được chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cô chứ không hề đóng góp gì cho gia đình. Anh nhiều lần khuyên vợ không nên sống coi trọng vật chất quá vì nó chỉ là vật ngoài thân. Nhưng cô không nghe, bảo sống trong thời hiện đại phải thế, người sang trọng luôn được nể nang hơn là người nghèo khó. Cô bán hàng đa cấp một thời gian thì vướng vào thua lỗ vì ôm quá nhiều hàng không bán được. Cứ thế, cô âm thầm vay nợ nhiều hơn. Anh nhiều lần cảnh báo chuyện vợ vay nợ bên ngoài nhưng lần nào cô cũng lớn tiếng bảo đó là nợ riêng của cô, anh không cần lo, cũng không có quyền ngăn cản.

Một thời gian sau, anh tá hỏa khi vợ có nợ riêng tiền tỷ bên ngoài. Điều đáng nói là những chủ nợ của vợ lại luôn tìm đến anh để đòi. Họ bảo vợ nợ thì chồng cũng có nghĩa vụ trả. Với số tiền đó, anh chẳng đủ khả năng để trả dù bán hết nhà cửa, tài sản. Cuộc sống của bố con anh khốn khổ theo. Giờ anh ở trong tình cảnh bỏ thì thương vương thì nặng.

Ở góc độ pháp luật, khoản nợ không do vợ chồng cùng thỏa thuận mà do vợ/chồng tự ý xác lập không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, không để duy trì, phát triển khối tài sản chung, hoặc tạo thu nhập chủ yếu cho gia đình... thì được xác định là nợ riêng. Đối với khoản nợ riêng, người xác lập có nghĩa vụ trả toàn bộ khoản nợ, không được dùng tài sản chung của vợ chồng để thanh toán cho những khoản nợ này. Tuy nhiên, ở góc độ tình, việc ứng xử và giải quyết với các khoản nợ riêng của vợ/ chồng trong hôn nhân không dễ dàng. Bởi lý do để hình thành nợ riêng của vợ chồng đôi khi lại xuất phát từ sự ích kỷ của mỗi người, sự không thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ của đối phương. Để rồi, nó trở thành ngòi nổ khiến hôn nhân "nổ tung".

Theo Hạ Thi/Báo phụ nữ thủ đô

>> xem thêm

Bình luận(0)