Hạnh phúc là sống “tự lập” trong hôn nhân

Google News

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 năm nay có vẻ ảm đạm hơn mọi năm, vì cả thế giới đang phải gồng mình phòng chống dịch bệnh. Điều đó thêm lần nữa nhắc ta rằng, cuộc sống luôn song hành những niềm vui và trắc trở, những cơ hội và nghịch cảnh.

Cuộc trò chuyện ngắn với thạc sĩ tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ (Công ty TNHH Tâm lý Trẻ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) về hạnh phúc trong đời sống hôn nhân hy vọng tiếp thêm nguồn năng lượng cho bạn đọc.
Hanh phuc la song “tu lap” trong hon nhan
 Hình ảnh “quậy tưng”, tràn đầy năng lượng của vợ chồng tiến sĩ Đặng Trường Sơn - thạc sĩ Võ Thị Minh Huệ
Phóng viên: Nhiều phụ nữ cho rằng nếu không vướng phải ông chồng “tứ đổ tường” thì hạnh phúc dễ ợt, chị có nghĩ vậy?
Thạc sĩ Võ Thị Minh Huệ: Thời điểm nào đó, mình có thể nghĩ thế để tự an ủi thôi. Hạnh phúc là cảm giác dễ chịu trong thời điểm đó, nhiều cảm giác này thì dệt nên cuộc sống hạnh phúc. Hạnh phúc thuộc về cảm giác của người trong cuộc, mà cảm giác thì luôn bị bên ngoài tác động vào.
Để hạnh phúc, để cân bằng dễ không? Thật sự không dễ. Nếu cho rằng trở ngại ấy giúp mình nhìn ra những giá trị khác thì sẽ ổn hơn.
* Sự gắn kết trong hôn nhân có làm hao hụt tự do cá nhân của mỗi thành viên?
- Khi làm việc gì cùng nhau mà cảm thấy thoải mái, có sự công bằng, tự nguyện, thì vẫn vừa gắn kết, vừa tự do. Mặc định phải làm điều đó chỉ để hài lòng người khác mà mình không hài lòng, sẽ trở thành gánh nặng tâm lý, cảm thấy mình hy sinh mà người kia vong phụ.
Coi lại tại sao bản thân cảm thấy khó chịu, đó thực sự là những linh cảm cần lắng lòng để nắm bắt, không nên cứ làm “vị tình” hoặc cho “yên nhà yên cửa”.
Đấy là trường hợp “không muốn mà phải làm”; ngược lại còn có “muốn làm mà không được làm”. Ta vừa nảy ra những ý tưởng, dự tính rất hào hứng, nhưng khi bàn bạc với bạn đời liền bị ngăn cản.
Tôi từng định xây dựng một trung tâm trị liệu tâm lý tiêu chuẩn châu Âu (như đã được học). Chồng lại bàn ra: nhu cầu trị liệu thì nhiều, nhưng người chịu dành thời gian, tiền bạc để đi trị liệu thì ít, đầu tư xây dựng trung tâm hoành tráng không khéo sẽ thất bại. Lúc đó, tôi thất vọng lắm, nghĩ chồng không tin mình sẽ làm tốt nên không ủng hộ. Nhưng suy tới nghĩ lui, tôi thấy đúng.
Ý tưởng đó chưa phù hợp với khả năng của mình và thực tế hiện thời. Làm trung tâm nhỏ, hợp tác với đồng nghiệp, chi phí dễ xoay xở hơn, không bị quá nhiều áp lực, mình sẽ chuyên tâm trị liệu tâm lý.
Nếu áp lực tiền bạc, bản thân căng thẳng, mình phải dụng đến những phép tính của kinh doanh, sẽ không còn làm việc trong một tâm trạng thoải mái, thỏa mãn đam mê nữa. Nghĩ thế, tự nhiên nhẹ nhõm, không còn bức xúc, hụt hẫng. May mà có người giật dây diều. Và mình cũng vỡ ra: lấy vợ lấy chồng là để tu tập, tu sửa, hoàn thiện.
* Ba mươi năm chưa một lần nghĩ đến ly hôn, nhờ đâu anh chị có được hạnh phúc viên mãn đó?
- Hành trình hôn nhân đã 30 năm, vợ chồng tôi không trải qua những trở ngại về tài chính, sức khỏe hay áp lực hai bên gia đình, đó là may mắn lớn. Chúng tôi cũng không bị “chèo kéo” bởi những nghi kỵ, ghen tuông thường tình.
Mật mã email, tài khoản, nếu tôi quên thì chồng nhắc giùm do anh rành công nghệ, là người lập tài khoản và hỗ trợ cho tôi. Sự tin tưởng và ủng hộ tuyệt đối khiến anh sốt sắng giúp mọi việc tôi nhờ, không tính toán, không thắc mắc.
Anh biết tôi cùng cộng đồng nhỏ đang tạo điều kiện học tập, hỗ trợ chữa bệnh, khởi nghiệp… cho một số người khó khăn nên sẵn sàng chung tay.
Tôi nghĩ ly hôn hay không chẳng quan trọng. Nếu đến một lúc nào đó sống hết vui thì thôi, không chơi chung nữa, đơn giản vậy chứ không phải chấm dứt hôn nhân vì lý do a, b, c… Nếu đánh giá người phối ngẫu tệ mà chờ hoài không chịu sửa, bạn chán và bỏ thì lại gặp người khác vẫn tệ, lại bỏ. Bỏ nhiều lắm, bỏ cả đời, mang tội chết, phải cứu người chứ (cười)!
Không phải khi nào giải thoát khỏi mối quan hệ đổ nát mới gọi là giải thoát. Chỉ khi mình tự giải thoát, không bị những điều tiêu cực tác động, cân bằng cảm xúc và hiểu rằng bản thân cũng cần thay đổi tích cực, thì tình hình mới biến chuyển.
Nếu giải phóng những ràng buộc định kiến, sự cầu toàn thì sẽ thấy dễ chịu với mình và người khác. Tôi đang học và áp dụng cách quan sát mà không phán xét, thấy cũng hay, và cho mình sức mạnh nội tâm.
* Biết anh chị đang phát triển yoga và thiền nghỉ dưỡng ở Đà Lạt, chị thường xuyên ở Đà Lạt, vậy vợ chồng phải sống xa nhau?
- Hiện tại anh vẫn làm việc ở Sài Gòn nên chưa ở Đà Lạt thường xuyên được. Nhưng tôi thấy hẹn hò “bữa thì em xuống bữa anh lên” cũng thú vị. Mình tập sống “tự lập” trong hôn nhân. Nhiều khi sống cạnh nhau làm cho mỗi người không cảm nhận hết khả năng tự chủ của bản thân.
Thậm chí quên mất cảm giác nhớ nhung, chờ đợi. Trong các khóa học ở Đà Lạt, anh cũng có môn dạy. Hoặc thỉnh thoảng có việc, tôi về Sài Gòn. Cặp đôi đang “yêu xa” cũng thấy hay…
 
 
Theo Tô Diệu Hiền/Phunuonline

>> xem thêm

Bình luận(0)