Dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam nguy hiểm thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh, dấy lên cảnh báo ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bệnh dịch này nguy hiểm thế nào, có ảnh hưởng đến người không và cách nào phòng tránh dịch?

Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỉ lệ chết 100%
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OlE), ngày 1/8 bệnh dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên đầu xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Đến nay dịch lan ra 6 tỉnh, nhà chức trách đã tiêu hủy 38.000 con lợn. Từ cuối năm 2017 đến nay đã có 12 quốc gia ghi nhận bùng phát dịch tả lợn châu Phi.
Thịt lợn hiện được sản xuất và tiêu thụ rất nhiều ở các nước châu Á. Do đó Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Thế giới (FAO) cảnh báo gần như chắc chắn virus tả lợn sẽ xâm nhập vào các nước khác trong khu vực. FAO cũng cho biết dịch tả lợn hiện không có vaccine và không thể chữa.
Dich ta lon chau Phi xam nhiem vao Viet Nam nguy hiem the nao?
Lợn mắc virus dịch tả lợn châu Phi có tỉ lệ chết 100% - ảnh Internet 
Theo OIE, bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn; bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%. Virus có 1 serotype, nhưng phát hiện có tới 16 genotypes và nhiều chủng khác nhau có độc lực khác nhau. Virus dịch tả lợn châu Phi được tìm thấy trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh và chết bởi bệnh này.
Virus Dịch tả lợn châu Phi cũng tồn tại trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami. Virus có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên virus có thể chịu được trong thời gian dài 3-6 tháng; virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc ở 60°C trong 20 phút.
Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.
Virus gây ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi (ASFV) có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang virus suốt đời.
Ảnh hưởng đến người như thế nào?
Dịch tả lợn châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Nguyễn Bá Hiên - Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tả lợn không gây bệnh trên người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt.
Lợn mang virus tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi ăn tiết canh, ăn thịt heo bệnh, chưa nấu chín kỹ.
Khi lợn mắc bệnh tai xanh, liên cầu khuẩn tồn tại trong miệng, mũi con vật sẽ bùng lên. Người bị trầy xước hoặc có vết thương, tiếp xúc với lợn bệnh sẽ bị vi khuẩn xâm nhập. Khi nhiễm khuẩn, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc tiêu hóa, nặng hơn là viêm màng não.
Tăng cường các biện pháp phòng tránh
Ông Juan Lubroth, Giám đốc chương trình Thú y toàn cầu của FAO cảnh báo dịch tả lợn châu Phi có thể lây nhiễm xuyên biên giới thông qua vận chuyển, lưu hành thịt lợn bị nhiễm bệnh. Virus này sống rất khỏe, có thể tồn tại nhiều tuần hoặc vài tháng trong thịt lợn được bảo quản hoặc muối, thức ăn chăn nuôi.
Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phát đi cảnh báo, chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. Việt Nam siết chặt giám sát tình hình vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn qua biên giới không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, giám sát đàn heo tại địa phương, nếu phát hiện đàn heo bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả heo Châu Phi, hoặc nghi là heo, sản phẩm heo nhập lậu trái phép thì cần lấy mẫu gửi đến Chi cục Thú y vùng quản lý địa bàn hoặc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
TS. Nguyễn Viết Không, nguyên Phó viện trưởng Viện Thú y cũng cho biết: “Do chưa có vacxin phòng bệnh nên giải pháp duy nhất để dập dịch vẫn là phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; Kiểm soát kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học là các biện pháp chủ lực được các nước đã và đang áp dụng…”.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần sử dụng thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng. Lợn mắc bệnh tả sẽ chết 100% chỉ trong 5-7 ngày. Vi khuẩn tả trong thịt lợn chết ở nhiệt độ 70 độ C.
An Lê

>> xem thêm

Bình luận(0)