Đây là lý do bạn nên ngừng mang điện thoại vào nhà vệ sinh

Google News

(Kiến Thức) - Nếu bạn không muốn tự rước bệnh tật vào người thì hãy ngừng ngay lập tức thói quen mang điện thoại vào nhà vệ sinh.

Việc mang điện thoại vào nhà vệ sinh khiến cho các loại vi khuẩn bám lên điện thoại của bạn và gây hại đến sức khỏe sau khi tiếp xúc hàng ngày.
Day la ly do ban nen ngung mang dien thoai vao nha ve sinh
Sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh có thể khiến bạn rước bệnh tật vào người. Ảnh: Huffpost.

Một nghiên cứu đăng trên Annals of Microbiology Clinical and Antimicrobials phát hiện ra rằng 95% điện thoại di động nhiễm bẩn vi khuẩn, một số trong đó có khả năng gây nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng tụ cầu khuẩn. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona (Mỹ) cũng tìm ra rằng điện thoại của chúng ta mang gấp 10 lần vi khuẩn so với bệ cầu nhà vệ sinh.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật của Mỹ, nói chuyện qua điện thoại khi bị ốm khiến các vi trùng từ đường hô hấp nằm lại trên thiết bị di động, trong số đó có các virus gây ra bệnh cúm có thể sống trên bề mặt điện thoại trong vòng 24 giờ. Vì vậy, nếu bạn bị cúm mà vẫn sử dụng điện thoại, khả năng lây lan cúm cho những người thân xung quanh là rất cao.
>>>Mời độc giả xem video: Hiểm họa sử dụng điện thoại khi lái xe (nguồn: VTC):
Jamin Brahmbhatt, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu tại Trung tâm Y tế Khu vực Orlando (bang Florida, Mỹ) khẳng định rằng việc sử dụng điện thoại trong nhà tắm hay nhà vệ sinh không phải là hành động tốt vì đó đều là những nơi khá bẩn. Vi khuẩn hiện hữu trong toàn bộ phòng tắm hay nhà vệ sinh như tay nắm cửa, bồn cầu, bồn rửa tay. Bạn có thể rửa tay khi đã xong, nhưng bạn không thể rửa chiếc điện thoại của mình.
Vi khuẩn và virus không chỉ bám vào túi quần áo mà nó cũng có thể nằm lại trên bề mặt chiếc điện thoại, trên từng chữ số hay bàn phím bấm. Trung bình chúng ta chạm vào điện thoại ít nhất 2.600 lần mỗi ngày, có nghĩa là cơ hội lây nhiễm rất nhiều.
Để giảm nguy cơ nhiễm bệnh từ điện thoại di động, đừng chạm vào nó trong khi bạn đang đi vệ sinh, rửa tay sạch sẽ sau khi sử dụng phòng tắm, nhà vệ sinh hoặc sau khi chạm vào các bề mặt có khả năng nhiễm khuẩn và cần làm sạch các bề mặt này thường xuyên. Tốt nhất là sử dụng chất sát trùng có cồn để tẩy rửa bề mặt.
Đối với điện thoại hay các thiết bị thông minh khác, bạn hãy sử dụng khăn sạch để vệ sinh và cân nhắc sử dụng chất tẩy rửa đặc biệt dành cho điện thoại di động và màn hình.
Thảo Nguyên (Theo Health)

>> xem thêm

Bình luận(0)