Đau đầu cứ Tết là nghe hỏi “bao giờ lấy chồng”

Google News

Những câu hỏi như “lương thưởng bao nhiêu", “cháu có người yêu chưa”, “bao giờ lấy chồng” với các bạn trẻ sao mà nuốt... không trôi.

Những ngày cuối năm là dịp để dân văn phòng “xả hơi”, lơi lỏng “đi muộn về sớm”, tranh thủ sắm sửa, dọn dẹp và về quê. Thế nhưng đây cũng là dịp cho những chuyện “trời ơi đất hỡi”, những “câu hỏi duyên nhất năm” mà mấy đứa độc thân ghét cay ghét đắng luôn phải chuẩn bị tư tưởng trả lời thật tốt.
Văn phòng chúng tôi có 10 người, đều là những bạn trẻ năng động, thích cuộc sống tự lập và chung một điểm là dân tỉnh lẻ ra thành phố lăn lộn kiếm sống. Một năm dài 360 ngày rượt đuổi với deadline, với những dự án không có thời gian để thở. Mấy chị em nỗ lực cũng chỉ mong cuối năm dành dụm chút ít, mang về làm quà bố mẹ.
Dau dau cu Tet la nghe hoi “bao gio lay chong”
Tết thành ám ảnh với người chưa có chồng, chưa sinh con, chưa mua nhà chưa thành đạt... Ảnh minh hoạ 
“Về quê ăn tết” trở thành cụm từ quen thuộc của chúng tôi ba năm nay và câu hỏi “bao giờ lấy vợ/chồng” trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng. Đúng là chuyện cũ rích, chẳng có gì mới mẻ, nhưng mà các bậc tiền bối lại ưng hỏi thế nhỉ? Từ cô, dì, chú, bác đến gia đình đình hàng xóm đều chung một biểu cảm lắc đầu, “sao chưa lấy chồng/lấy vợ, sinh con hả cháu”?
Thanh, năm nay vừa bước sang tuổi 30 là chị cả trong phòng, ngán ngẩm bảo: “Nghĩ đến việc về nhà là chị lại đau hết cả đầu. Không về thì các cụ trông, mà về thì ôi thôi. Không sống nỗi chúng mày ạ. Chị cũng được xem là người thành công nhỉ? Công việc ổn định, thu nhập tốt vậy mà mỗi lần về quê là y như rằng, bị đối xử như kẻ ất ơ. Chị thề nhá, mấy bà dì toàn trề môi bảo, mày tài giỏi thế nào mà đến giờ này vẫn ế? Thôi con ạ, tiền bạc chẳng để làm gì, lo kiếm tấm chồng rồi sinh con”.
Đau khổ không kém gì Thanh là anh chàng designer của phòng. Hoàng cũng chỉ mới ngấp nghé tuổi 30, thế nhưng suốt ngày bị bố mẹ giục cưới. Hoàng thở dài: “Em là đàn ông, cũng nên dành thời gian kiếm tiền đã chứ. Mà công việc của em, thời gian ăn còn không có, lấy đâu ra hẹn với hò. Bố mẹ em ở quê, thấy người ta có cháu bế cháu bồng là xoắn cả lên, suốt ngày hối thúc. Em bảo con phải kiếm tiền, dành dụm đủ mới cưới được vợ thành phố thì các cụ còn khuyên, mày về mà lấy vợ quê, con gái ngoan hiền đầy ở nhà. Năm nay em về, thế nào cũng bị bố mẹ cầm tay dắt đi coi mắt. Khổ ơi là khổ”.
Dau dau cu Tet la nghe hoi “bao gio lay chong”-Hinh-2
 Mấy cháu gái mới ra trường, đang tận hưởng tuổi xuân phơi phới cũng bị hỏi bao giờ lấy chồng. Ảnh minh hoạ
Thậm chí có mấy bạn nữ trong văn phòng chỉ mới ra trường, làm việc được một hai năm đã phải mang gánh nặng “lấy chồng đi con”. Chúng tôi có dịp trợn mắt há mồm khi bố mẹ Sương từ miền Trung xa xôi đến tận văn phòng thăm hỏi, gửi gắm các anh các chị: “Mong các anh chị giúp đỡ, hỗ trợ thêm cho cháu sớm có chồng”. Nhìn Sương mặt đỏ tai hồng, chúng tôi chỉ biết vâng vâng dạ dạ. Sau này, mỗi lần chị em tụ tập là thể nào cũng có đứa xoa xoa hai tay, e hèm cất giọng miền Trung “mong anh chị giúp đỡ để cháu thoát ế”.
Vẫn biết bố mẹ, người thân, bạn bè quan tâm nên hỏi han chia sẻ, nhưng đôi khi khiến người trong cuộc cảm thấy bất lực và tổn thương. Tết là dịp đoàn viên, vui vẻ và tận hưởng những phút giây hạnh phúc. Vậy nên những câu hỏi thiếu tế nhị như “lương thưởng bao nhiêu?”; “em/anh/bạn/cháu có người yêu chưa?” “bao giờ lấy chồng/vợ”? giống như vị thuốc hoàng liên với mấy bạn trẻ, nuốt không trôi mà nhả cũng chẳng xong. Tết mà, vui thôi… thế nên xin đừng bắt chúng tôi phải cười trừ mọi người nhé!
Theo Hải Miên/Báo Phụ Nữ

>> xem thêm

Bình luận(0)