Cuộc hồi sinh của người đàn ông mang căn bệnh thế kỷ

Google News

Anh Luân sống chung với căn bệnh thế kỷ 12 năm. Anh vẫn làm tròn vai người cha, người chồng, đặc biệt cả ba người thân của anh đều không nhiễm bệnh.

12 năm sống khỏe với H
Khác với những bệnh nhân mắc căn bệnh thế kỷ luôn canh cánh trong mình sự mặc cảm, tự ti, không dám công khai tình trạng bệnh, anh Nguyễn Văn Luân (Yên Khánh, Ninh Bình) khá mạnh dạn nói về hành trình nhiễm H của mình.
Đó là vào năm 2003, lúc người đàn ông 27 tuổi vừa chào đón đứa con thứ hai chào đời cũng là lúc sức khỏe anh suy kiệt hoàn toàn. Kết quả khám bệnh cho hay anh bị dương tính với HIV. Bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối.
Nhớ lại chuỗi ngày làm việc xa nhà hai năm trước, đôi lần theo bạn bè sa ngã vào chốn ăn chơi, anh Luân mới bừng tỉnh hay rằng đó chính là lý do đưa mình đến căn bệnh bị kỳ thị bậc nhất này. Tuy nhiên, người đàn ông này cho rằng mình đã quá may mắn khi được vợ và gia đình không quay lưng lại với mình như rất nhiều gia đình khác.
Được sự cứu giúp của các bác sĩ tại Bệnh viện 09, anh Luân kiểm soát tốt căn bệnh. Đến nay, hơn 12 năm điều trị thuốc ARV đều đặn mỗi ngày, anh có thể trạng khỏe mạnh. Đặc biệt, vợ và hai con (hiện học lớp 7 và lớp 5) đều không bị lây nhiễm.
Anh Luân chia sẻ cuộc sống của mình không thay đổi so với trước kia, ngoại trừ việc anh thường phải chủ động nói về tình trạng của mình cho mọi người. “Tôi nghĩ rằng mỗi người sẽ có cách nhìn, lựa chọn, họ có quyền xa lánh tôi. Tôi hiểu điều đó. Đây là điều tôi không muốn nhưng cũng không thể kiểm soát. Nhưng rất may, số người kỳ thị tôi không nhiều”, anh nói.
Anh Luân luôn ý thức hơn bất kỳ ai trong việc tránh lây bệnh sang người khác. Song, thực tế, căn bệnh này không dễ lây như nhiều người nghĩ. Anh vẫn đảm nhận tốt vai trò người bố của hai đứa con. Anh vẫn làm tròn vai người chồng với các cử chỉ thân mật đời thường như ôm, hôn và chức năng đàn ông với vợ mà không cần có sự dè chừng nào khác.
Bệnh nhân H vẫn có thể sinh con
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hoa, khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện 09 – người trực tiếp điều trị cho anh Luân cho hay, năm 2003, khi cơ sở điều trị HIV còn hạn chế, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Anh bị nấm, phổi, ho, sốt, cơ thể suy kiệt, gầy mòn, CD4 chỉ còn 19 tế bào/ml máu (ở mức 200, bệnh nhân đã được xếp vào giai đoạn cuối).
May mắn, sau khi được điều trị, anh Luân đã khỏe mạnh trở về với cộng đồng. Đến nay, anh là một trong số rất nhiều bệnh nhân sống khỏe mạnh với căn bệnh thế kỷ. Anh cho rằng mình trở lại cuộc sống này cũng là một điều kỳ kiệu.
“Thực chất những bệnh nhân H được điều trị hoàn toàn có thể sống đến cuối đời với tuổi thọ rất cao. Họ cũng không phải là con virus có thể dễ dàng lây bệnh sang người khác. Trường hợp bệnh nhân Luân là một minh chứng cho khả năng đó, thậm chí anh đã sinh hai con trong tình trạng bị AIDS mà ngay cả vợ và con đều không hề lây bệnh”, bác sĩ Hoa cho hay.
Giải thích kỹ hơn về khả năng sinh con âm tính với H ở những bệnh nhân bị H, bác sĩ Hoa cho biết, thực tế có rất nhiều trường hợp vợ/chồng hoặc cả hai vợ chồng đều bị bệnh song đứa con sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh.
Trong tinh trùng, virus HIV không nhiều như trong máu, lượng rất ít, nếu đảm bảo không xây xước khi quan hệ, khả năng lây bệnh sang người phụ nữ cũng như thai nhi được hình thành không cao. Phụ nữ lây chủ yếu qua việc rách, chảy máu vùng kín.
“Những trường hợp quan hệ thô bạo làm rách thành âm đạo gây chảy máu, hoặc tổn thương niêm mạc của "cậu nhỏ" nhưng phải ở mức độ sâu mới có thể lây bệnh sang đối phương. Chính vì vậy, bệnh nhân Luân vẫn có thể sinh con theo cách thông thường mà không lây bệnh”, bác sĩ Hoa cho biết.
Còn trong trường hợp, phụ nữ bị H nhưng vẫn muốn sinh con, vẫn có thể điều trị để sinh ra em bé âm tính với căn bệnh. Việc lây nhiễm thường diễn ra trong lúc chuyển dạ đẻ, khi độ mở của bộ phận sinh dục người mẹ thấp, gây rách tầng sinh môn, chảy máu, trong quá trình đưa con đi ra, nếu có xây xước, khi tiếp xúc với máu mẹ sẽ nhiễm bệnh. Nếu đứa con không bị xây xước, chúng sẽ an toàn.
Là người gắn bó và điều trị bệnh nhân H, bác sĩ Hoa chia sẻ, mỗi một cá nhân là một hoàn cảnh, có thể do xã hội xô đẩy, vô tình hoặc do ăn chơi dẫn đến việc lây nhiễm H. Thế nhưng, khi đã vào viện, tất cả đều không còn phân biệt giàu – nghèo, xấu- tốt, đáng lên án hay đáng thương, tất cả họ đều cần một sự cảm thông và cần bác sĩ hơn bất cứ khi nào. Họ có thể bị xã hội, thậm chí cả gia đình chối bỏ nhưng họ cũng có những khát khao sống và được có con. Nếu nhu cầu là chính đáng, họ cần được tư vấn, điều trị để sinh ra những đứa con khỏe mạnh nhất. Tất nhiên, không phải tất cả trường hợp đều may mắn.
Theo Zing News

Bình luận(0)