Cứ mệt, sốt là truyền dịch, tử vong lúc nào không hay!

Google News

Tỷ lệ người bị sốc do truyền dịch không cao nhưng tại sao các bệnh viện (BV) hàng năm vẫn phải cấp cứu nhiều trường hợp nguy cấp do sốc dịch truyền?

Nhiều ca dù ê kíp bác sĩ cấp cứu làm việc toát hết mồ hôi cứu bệnh nhân nhưng cũng đành đau xót nhìn bệnh nhân ra đi do không thể cứu vãn nổi tình trạng "sốc phản vệ". Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có lạm dụng dịch truyền.
Ê kíp các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu tích cực - Bệnh viện (BV) Thống Nhất TP Hồ Chí Minh cho biết, cuối tháng 9 vừa qua, dù đã tận tâm cứu chữa nhưng sau 4 ngày điều trị tích cực, họ vẫn không thể cứu được nữ bệnh nhân Vũ Thị T., (42 tuổi, ngụ quận Tân Bình) bị sốc dịch truyền sau khi thấy mệt, tự ý gọi bác sĩ (BS) tới nhà truyền dịch. Bệnh nhân này nằm hôn mê sâu và cấp cứu đủ cách nhưng không cải thiện. Người thân đành gạt nước mắt xin BV cho bệnh nhân về lo hậu sự.
Được biết, bệnh nhân vốn có tiền sử hẹp van hai lá, rung nhĩ, đái tháo đường, tai biến mạch máu não. Do thấy đột ngột bị đau bụng, tiêu chảy nôn ói nên bệnh nhân có gọi bác sĩ về nhà truyền dịch. Trong quá trình truyền, bệnh nhân đột ngột khó thở nên được chuyển cấp cứu ngay.
Tuy nhiên, khi vào viện, kết quả chẩn đoán đã phát hiện, bị hẹp khít van hai lá, huyết khối buồng nhĩ trái, suy tim, di chứng tai biến mạch máu não. Sau khi đã tìm mọi giải pháp điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân vẫn hôn mê sâu và không cải thiện, nguy cơ tử vong.
Cu met, sot la truyen dich, tu vong luc nao khong hay!
 Truyền dịch bắt buộc phải được thực hiện dưới sự giám sát của BS trong bệnh viện đảm bảo an toàn tính mạng.  Ảnh minh họa
Với trường hợp này, theo nhận định của bác sĩ, trên một bệnh nhân có bệnh lý nền suy tim, quả tim co bóp yếu nên có thể không chịu nổi với tốc độ truyền dịch vào cơ thể, tim không co bóp được dẫn đến ứ nước trong phổi, làm phù phổi, suy tim, suy hô hấp.
Trò chuyện với PV Báo CAND, các bác sĩ cho biết, dịch truyền có nhiều loại tùy theo tác dụng, trong đó phổ biến là loại cung cấp đường, muối và chất điện giải như glucose 5%, 10%; cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng... toàn là chất bổ cho cơ thể nhưng sao nó lại nguy hiểm?
Nguyên nhân dịch truyền dù là đường glucose, các chất vitamine thì vẫn thành "chất lạ" với cơ thể. Nguy hiểm ở chỗ, phản ứng phản vệ sau tiếp xúc một chất lạ có thể xảy ra tức thì, chỉ trong tích tắc, một vài giây. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ tử vong. Do vậy, theo các bác sĩ, dịch truyền chỉ phát huy tác dụng khi được sử dụng đúng chỉ định. Lạm dụng việc truyền dịch khi không có chỉ định của BS là vô cùng nguy hiểm, phải cân nhắc vì... hại nhiều hơn lợi.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, người bình thường khi tự ý truyền dịch còn dễ bị triệu chứng phản ứng "run tiêm truyền" (cơ thể rét run lên); hoặc sốc dịch truyền (sốc phản vệ), nói chi là trên người đang mắc bệnh.
Tình trạng lạm dụng dịch truyền đang ngày càng phổ biến tại nước ta. Điều này hết sức nguy hiểm khi việc truyền dịch không diễn ra trong môi trường BV, không đảm bảo vô trùng, không có đủ dụng cụ thiết bị xử trí kịp thời khi chẳng may xảy ra sốc phản vệ.
BS Tiến cũng phân tích: “Ở các phòng mạch hiện nay cũng vi phạm qui định về vấn đề này. Có bác sĩ tại phòng mạch khi truyền chai đường glucose cho bệnh nhân thường cho thêm ống vitamin với mục đích cho bệnh nhân thấy khoẻ hơn nhưng lại có nguy cơ rất lớn của tác dụng phụ, dễ gây sốc nhất là khi thêm vitamin B1, Vitamin C. Trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ sẽ tính toán kỹ lượng truyền, có khi phải đếm giọt với một số bệnh lý khi truyền dịch.
Có nhiều loại dịch truyền, nhưng dùng loại dịch truyền nào sẽ tùy vào từng trường hợp bệnh cụ thể với liều lượng truyền vào trong cơ thể sẽ được cân nhắc cho từng người, chứ không phải truyền với bất cứ liều lượng nào”, bác sĩ Tiến cho biết.
Dù chưa có bất cứ một công trình khoa học nào khẳng định việc truyền dịch có thể hạ sốt nhưng nhiều người tự ý gọi người truyền dịch mỗi khi thấy sốt - đây là thực tế phổ biến theo thói quen rất nguy hiểm. Đặc biệt, trong mùa SXH đang diễn ra, nhiều bệnh nhân nghi ngờ mình SXH nên truyền dịch vì cho rằng, truyền dịch sớm khi mới phát hiện SXH để ngăn bị sốc SXH.
“Quan niệm này là vô cùng sai lầm vì nếu đúng SXH, thì hậu quả khó lường. Trong SXH, trường hợp vào sốc là tự nhiên của cơ thể người bệnh. Truyền dịch vào gây suy hô hấp, dư dịch, suy tuần hoàn... và rất nhiều nguy cơ. Khi ấy, bệnh nhân sẽ bị dư dịch bên ngoài mà thiếu dịch bên trong lòng mạch gây tình trạng thở mệt, suy hô hấp. Từ đây dẫn tới việc tưới máu cơ quan không đủ gây thiếu máu oxy mô, dẫn tới suy hô hấp, suy đa cơ quan. Khi ấy, mọi sự cấp cứu vô cùng khó khăn”, bác sĩ Tiến nói.
Bác sĩ Tiến và ê kíp trực kể ông từng tiếp nhận cấp cứu cho một vụ lạm dụng truyền dịch mà cảm giác đau xót còn tới tận bây giờ. Đó là trường hợp một bé gái 11 tuổi, nhập viện khi tình trạng người đã tím đen vì sốc phản vệ. Khung giờ vàng cấp cứu đã qua từ lâu nhưng các bác sĩ cũng cố gắng với tinh thần "còn nước còn tát".
Sau khi mở nội khí quản, cho thở máy, mọi thuốc men tốt nhất đều đưa ra ưu tiên dùng cho cô bé nhưng đều thất bại. Các BS đau lòng hơn khi biết, bản thân người cha là một điều dưỡng nhưng bữa đó thấy con gái bị sốt, không ăn được, nhân trong nhà có còn một chai dịch truyền đã dùng hết 1 nửa nên ông bố đem ra truyền cho con hy vọng sẽ hạ sốt cho con gái. Song khi mới truyền chưa được vài phút, cô con gái đột ngột tím tái, khó thở, vội đưa vào BV cấp cứu nhưng mọi sự đã quá muộn.
"Một nguyên tắc bất di bất dịch đó là chai dịch truyền sau khi khui ra để sử dụng không được quá 24 tiếng. Thông thường dịch sẽ dễ bị nhiễm nấm, không đảm bảo chất lượng. Truyền vào cơ thể gây sốc phản vệ ngay. Trong các dịch truyền thường cũng có pha vitamin nhóm B (B1, B6, B12) cũng dễ gây tình trạng sốc phản vệ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Bởi dù là thuốc bổ thì với cơ thể khi theo đường tĩnh mạch vào đường máu, các loại dịch truyền vẫn là chất "lạ" vào cơ thể. Nó phải được sự giám sát nghiêm ngặt với số giọt, thời gian, tốc độ và lượng dịch bù một cách khoa học khi vào cơ thể con người”, bác sĩ Tiến kết luận.
Theo Huyền Nga/CAND

>> xem thêm

Bình luận(0)