Con gái Thành Long tự tử: Bố phải ra mặt cứu con

Google News

(Kiến Thức) - "Lúc này, người bố như phao cứu sinh, nếu Thành Long không làm gì sẽ day dứt cả đời", chuyên gia tâm lý nói về vụ con gái Thành Long tự tử.

Mới đây, ngày 8/6, Ngô Trác Lâm – 15 tuổi, được cho là con gái Thành Long – đã tự tử bằng cách cắt cổ tay. Rất may, cô bé được mẹ là Ngô Ỷ Lợi phát hiện kịp thời và cứu sống.
Bi kịch giọt máu rơi của người cha nổi tiếng 
Ngô Trác Lâm được cho là kết quả của mối tình vụng trộm giữa ngôi sao điện ảnh Thành Long và Hoa hậu châu Á 1990 - Ngô Ỷ Lợi, trong lúc ông đã có gia đình. Suốt thời gian qua, Thành Long chưa từng thừa nhận hay có ý định chính thức nhận con gái. Vì thế, Trác Lâm mang họ mẹ từ khi sinh ra đến nay.
Trác Lâm thường tránh những câu hỏi liên quan đến bố. Trong bài phỏng vấn gần nhất, cô bé tâm sự không có cảm giác khi nói về người cha nổi tiếng.
Con gai Thanh Long tu tu:
 Ngô Trác Lâm - được cho là con gái Thành Long - mặc áo rộng trùm kín tay băng bó vào tối 9/6. Cô bé từ chối phỏng vấn. Người mặc áo phông trắng là mẹ cô bé - Ngô Ỷ Lợi.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên Ngô Trác Lâm tự sát. Giáo viên phụ trách lớp của Trác Lâm tiết lộ, con gái của Thành Long nhiều lần đã nghĩ đến việc tự sát nhưng được bạn bè và thầy cô phát hiện sớm.
Việc Ngô Trác Lâm nhiều lần tự sát được cho là hậu quả của những cú sốc tâm lý do hoàn cảnh sống không có cha mà cô bé phải chịu đừng suốt nhiều năm qua.
Trước sự việc Ngô Trác Lâm có hành động dại dột, dư luận không khỏi xót xa. Nhiều người cho rằng, Thành Long nên ra mặt thừa nhận và quan tâm đến con gái trước khi quá trễ.
Đã đến lúc Thành Long phải ra mặt cứu con
Liên quan đến sự việc điển hình cho một thực trạng đang tồn tại trong xã hội này, Kiến Thức đã trao đổi với Thạc sỹ (ThS) Lã Linh Nga – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học Tâm lý – Giáo dục (PPRAC).
Về hành động tự sát của con gái Thành Long, ThS Linh Nga nhận định, Ngô Trác Lâm đang bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng, việc cô bé cắt cổ tay tự tử là “báo động đỏ” cho thấy em ngay lập tức cần được sự trợ giúp và theo dõi chặt chẽ của người thân.
“Vai trò của Thành Long – với tư cách là một người cha – luôn luôn vô cùng quan trọng với Ngô Trác Lâm và mẹ cô bé, đặc biệt là trong lúc này. Khi đứa trẻ có hành vi tự sát có nghĩa là trẻ đang cảm thấy chán nản, bế tắc, không có lối thoát. Lúc này, người bố như là một chiếc phao cứu sinh đối với trẻ. Nếu Thành Long không làm gì thì ông sẽ day dứt suốt cả cuộc đời và để lại tiếng xấu”, ThS Lã Linh Nga cho biết.
Con gai Thanh Long tu tu:-Hinh-2
 Ngôi sao điện ảnh Thành Long chưa từng thừa nhận Ngô Trác Lâm là con gái của ông và nhân tình Ngô Ỷ Lợi.
Theo bà Nga, nếu Thành Long công khai ra mặt giúp đỡ con gái thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Trong trường hợp không thể công khai ra mặt, Thành Long cũng nên tìm cách trò chuyện với “con gái không được thừa nhận” và mẹ cô bé. Hành động này của ông có thể khiến Ngô Trác Lâm bình tâm trở lại, từ bỏ những ý định dại dột vì biết rằng cha mình vẫn quan tâm.
Tuy nhiên, ThS Nga cho rằng, ngay cả khi Thành Long thực hiện những hành động như trên thì cũng chỉ giải quyết được tạm thời vấn đề. Sau khi vượt qua cơn khủng hoảng lần này, việc tiếp tục thiếu vắng hoàn toàn người cha sẽ là nguy cơ rất cao dẫn tới những sự cố khác đối với cô bé Ngô Trác Lâm. Mặt khác, Ngô Ỷ Lợi sẽ rất khó khăn nếu vẫn tiếp tục làm bà mẹ đơn thân, một mình nuôi dạy con.
“Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người thiếu vắng bố hoặc mẹ, những người đã có ý tưởng hoặc hành vi tự sát ở giai đoạn khủng hoảng tuổi vị thành niên thì có nguy cơ rất cao sẽ có những sự cố tiếp theo, nếu không được trợ giúp phù hợp, tích cực về tâm lý từ gia đình và cộng đồng”, bà Nga nhấn mạnh.
Sự việc con gái Thành Long vừa xảy ra là ví dụ điển hình cho thực trạng những đứa con không có bố, những bà mẹ đơn thân đang có xu hướng ngày càng nhiều trong xã hội hiện đại.
Nói về vấn đề này, ThS Lã Linh Nga một lần nữa nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của người cha đối với cuộc sống một đứa trẻ. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, không ít đứa con không được bố thừa nhận một cách chính thức hay hoàn toàn không tham gia vào đời sống của con. Với các trường hợp này, khi đứa con gặp sự cố như Ngô Trác Lâm, các ông bố cần trao đổi với mẹ và tiếp cận với con bằng nhiều cách để con cảm thấy bố vẫn có sự quan tâm, chăm sóc, qua đó không có những ý định và hành động dại dột.
Bà Nga đưa ra lời khuyên cho những bà mẹ đơn thân đang phải một mình nuôi con: “Những đứa con không có bố có nguy cơ cao mắc phải các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, lo âu, tự sát, hành vi chống đối xã hội… Vì thế, các bà mẹ đơn thân cần luôn trò chuyện, lắng nghe con, phát hiện sớm các khó khăn tâm lý của con (biểu hiện qua học tập sút kém, ăn ngủ kém, có vấn đề trong quan hệ bạn bè, quan hệ xã hội) để hỗ trợ tâm lý kịp thời. Khi con có biểu hiện bất thường về tâm lý, các bà mẹ cần đưa con đến các trung tâm tâm lý để khám và can thiệp kịp thời cho con, cũng như nhận được sự trợ giúp cho chính mình”.
Nhiều chuyên gia tâm lý đưa ra cảnh báo: Sự việc con gái Thành Long tự tử là một lời cảnh báo cho các bà mẹ thích đơn thân nuôi con. Hãy suy nghĩ cho những đứa bé về tương lai của chúng, bạn không thể nào tự quyết hoặc bảo vệ con hoàn toàn 100% được.
Ngọc Phương

Bình luận(0)