Có mang thai, sinh con mới biết lòng mẹ chồng

Google News

Mẹ chồng tôi vốn là người “khẩu xà tâm Phật”. Tuy là con dâu mẹ ngót đã 20 năm nhưng đôi khi tôi vẫn cảm thấy tự ái vì những lời nói của mẹ.

Tôi bị vô sinh thứ phát sau khi sinh đứa con gái đầu lòng. Suốt gần 20 năm chạy chữa, mọi hy vọng lại được làm mẹ của tôi dường như tắt lịm. Vợ chồng tôi đành tự nhủ dù sao cả hai cũng đã có một đứa con gái ngoan ngoãn, thông minh và biết nghe lời. Năm 42 tuổi, tôi bỗng dưng thấy người có cảm giác khác lạ, chán ăn, mệt mỏi. Thử que, tôi sững người khi phát hiện mình đã mang thai. Thông tin này khiến vợ chồng tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì mong ước của 2 vợ chồng đã trở thành hiện thực, lo vì tôi đã từng này tuổi, sức khỏe lại không được tốt, không chắc có thể mang thai và sinh nở một cách bình an như trước.
Co mang thai, sinh con moi biet long me chong
Hình minh họa. 
Mẹ chồng tôi biết tin đã khuyên tôi nên bỏ cái thai đi. Bà nói: “Mẹ nghĩ mày nên bỏ cái thai đi. Ngay từ thời con gái sức khỏe đã kém, lại thêm bao năm chạy chữa vậy, lỡ biến chứng gì xảy ra thì khổ. Chán chê chẳng đẻ, từng này tuổi rồi đẻ đái gì nữa". Tuy biết rằng mẹ có ý tốt nhưng lời nói của mẹ làm tôi rất tự ái, đau lòng.
Khi vợ chồng tôi nói rằng thương con, lại muốn giữ đạo đức, không thể bỏ đứa con đi được, mẹ chồng tôi đã đồng ý. Biết được tôi có bầu, mẹ chồng tôi thường xuyên đi chùa cầu bình an cho mẹ con tôi. Mẹ chồng thường dành với chồng để đưa tôi đi khám thai. Mẹ có người họ hàng bán trái cây nhập khẩu ngon, mẹ sẵn sàng hỏi mua cho tôi ăn. Sau tất cả, mẹ không muốn tôi và con gặp bất cứ vấn đề nào.
Khi thai nhi được 22 tuần tuổi, mẹ chồng tôi không ngại thuê xe cho tôi đi từ quê ra Hà Nội để đến gặp một bác sỹ siêu âm rất giỏi sàng lọc dị tật tim bẩm sinh. Khi thấy tôi ngần ngừ vì chi phí thuê xe, thăm khám đắt đỏ, mẹ còn mắng sa sả: “Mày mà không đi xem trước sau nó bị thế nào lại khổ cái thân già này, khổ chúng mày cả đời ấy".
Tuy nói vậy nhưng trên đường đi, mẹ chăm chút cho tôi từng tý một. Lúc ngồi chờ lâu, mẹ thường xuyên hỏi xem tôi có mệt không, có bị say xe không rồi mang nước cho tôi uống. Thấy bác sỹ nói con tôi bình thường, tôi cũng thấy mắt mẹ long lanh nước.
Khi tôi bước sang tháng thứ 8 của thai kỳ, cơ thể bắt đầu chậm chạp, phù nhiều chỗ, thấy chồng tôi bận đi công tác trong Quảng Bình, mẹ chồng tôi đến nhà ở cùng để giúp đỡ tôi dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng cho tôi đi làm, con gái tôi đi học. Khi tôi nói mẹ không cần sang nhà ở, 2 mẹ con tôi có thể lo được, mẹ chồng tôi bảo: “Nói dại, lỡ mày sinh non thì 2 mẹ con có tự lo được hay không?”
Hôm đó, khi thai nhi được 35 tuần tuổi, tôi đột nhiên bị ra máu, tôi có linh cảm rằng con tôi sắp chào đời. Lúc đó là khoảng 1 giờ đêm, tôi đành nói với mẹ chồng vì chồng tôi không có nhà. Mẹ chồng tôi bảo: “Biết ngay mà, nếu không có mẹ ở đây có phải khổ không?”
Sau đó, bà đã nhanh chóng gọi taxi đưa tôi đến bệnh viện gần nhà. Bác sỹ nói thai nhi bị nhau tiền đạo, cổ tử cung không mở, nếu không được mổ ngay, thai nhi có thể bị thiếu oxy máu, cần nhanh chóng chuyển viện lên tuyến trên.
Mẹ chồng tôi lại chạy đôn chạy đáo xin giấy chuyển viện cho tôi, chỉ trong khoảng nửa tiếng, tôi và mẹ đã đến bệnh viện tuyến trên, sẵn sàng lên bàn mổ. Tuy có y tá hỗ trợ nhưng mẹ chồng tôi vẫn muốn tự tay đẩy xe lăn cho tôi vào phòng mổ. Trên đường mẹ còn dặn: “Nhớ là có mẹ chờ ở ngoài nhé".
Hơn một giờ sau, con trai tôi cất tiếng khóc chào đời, bé nặng 3kg3, rất kháu khỉnh. Bế đứa cháu nội trên tay, tôi thấy mẹ chồng tôi lặng lẽ rơi nước mắt.
Trong cuộc đời người phụ nữ, mang thai, sinh con là trải nghiệm hạnh phúc nhưng cũng là khổ đau nhất. Trải qua 9 tháng thai kỳ khó nhọc, tôi mới hiểu được tấm lòng của mẹ chồng và càng thêm biết ơn bà.
Theo Mai/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)