Chuyện chưa kể về những người “chiến sĩ áo trắng” nơi tâm dịch Bình Xuyên

Chuyện chưa kể về những người “chiến sĩ áo trắng” nơi tâm dịch Bình Xuyên

(Kiến Thức) - “Ra đi không hẹn ngày về…”... Đó là câu nói vui nhưng rất chân thực của một bác sĩ nhận quyết định “rời xa Hà Nội, lên đường làm nhiệm vụ” tại tâm dịch Bình Xuyên, điều trị bệnh nhân dương tính COVID-19 và cách ly theo dõi bệnh nhân nghi nhiễm.
RA ĐI KHÔNG HẸN NGÀY VỀ...

Vĩnh Phúc đang là tâm điểm của cả nước khi là địa phương có 11/16 ca dương tính với COVID-19; trong đó huyện Bình Xuyên được coi là tâm dịch. Trước tình hình đó, Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà được tỉnh Vĩnh Phúc chỉ định là trung tâm điều trị và là nơi thực hiện cách ly các trường hợp bị nghi nhiễm COVID-19.

Trong số 11 bệnh nhân ở Vĩnh Phúc, có 5 người được điều trị ở Bệnh viện Nhiệt đới, 1 cháu bé ở Bệnh viện Nhi Trung ương, còn lại 5 người được cách ly và điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà.

Chuyen chua ke ve nhung nguoi “chien si ao trang” noi tam dich Binh Xuyen-Hinh-2Phòng khám Quang Hà

TRỰC 24/24

  Bác sỹ CK II Nguyễn Tuấn Minh, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, cho biết Phòng khám Đa khoa Quang Hà với 16 cán bộ y tế, phục vụ công tác khám chữa bệnh cho khoảng 40-60 bệnh nhân mỗi ngày. Tuy nhiên, theo sự chỉ đạo của Sở Y tế Vĩnh Phúc, phòng khám đã dừng hoạt động khám chữa bệnh thông thường để tập trung điều trị các ca dương tính COVID-19 và cách ly các trường hợp tiếp xúc gần.

Toàn bộ phòng khám được khẩn trương cải tạo trong vòng 48h, chia thành 5 khu, phục vụ 5 nhóm bệnh nhân, với tổng số 46 người gồm: nhóm bệnh nhân dương tính COVID-19; nhóm nghi ngờ đang chờ kết quả xét nghiệm; nhóm nghi ngờ đã có kết quả âm tính (vẫn tiếp tục theo dõi 14 ngày); nhóm tiếp xúc hộ gia đình; và nhóm theo dõi hồi phục.

BS Nguyễn Tuấn Minh cho biết, được sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên, Phòng khám Quang Hà hiện được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại và thường xuyên có khoảng 30 cán bộ y bác sỹ tăng cường hỗ trợ, chưa kể cán bộ cơ hữu tại đây. Tất cả các bác sĩ phải trực 24/24. Cá nhân BS Minh từ mồng 3 Tết đến nay đều bắt đầu ngày làm việc mới từ 6h sáng cho đến 11h đêm, kể cả thứ 7, chủ nhật, nhiều ngày mệt mỏi đến mức không về nhà mà phải nghỉ lại ngay tại trung tâm y tế.

Chuyen chua ke ve nhung nguoi “chien si ao trang” noi tam dich Binh Xuyen-Hinh-4

Chuyen chua ke ve nhung nguoi “chien si ao trang” noi tam dich Binh Xuyen-Hinh-5

“Ai cũng có gia đình, nhiều người có con nhỏ, cha mẹ già yếu, nên việc trực 24/24 là rất khó khăn, vất vả. Mặc dù vậy, anh em đều xác định chống dịch như chống giặc, phải cố gắng sắp xếp việc gia đình để hoàn thành nhiệm vụ”, BS Nguyễn Tuấn Minh chia sẻ.
BỆNH NHÂN VÁC GẬY ĐẬP PHÁ

Được biết cả 5 bệnh nhân dương tính với COVID-19 được điều trị tại đây đều là thể nhẹ, triệu chứng chủ yếu là ho, sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, trong quá trình điều trị không có diễn biến bất thường nên việc chữa bệnh không quá vất vả. Tuy nhiên, vấn đề đối với các bệnh nhân này không chỉ là điều trị bệnh lý mà còn cần cả biện pháp tâm lý, giúp bệnh nhân thoải mái tư tưởng để cách ly điều trị. Ngay cả những người bị cách ly theo dõi cũng dễ mang tâm lý nặng nề, chán nản, thậm chí hoang mang, lo sợ. Chính vì thế, nhiệm vụ của y bác sĩ, cán bộ y tế không chỉ là chữa bệnh mà còn phải tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân, coi người bệnh như người nhà, thăm hỏi, động viên hàng ngày.

Chuyen chua ke ve nhung nguoi “chien si ao trang” noi tam dich Binh Xuyen-Hinh-7

“Có bệnh nhân bị cách ly lâu ngày sinh tâm lý căng thẳng, nặng nề, bức xúc cả với cán bộ y tế, còn vác gậy đi đập phá, quấy rối. Rất may là ngay tại Phòng khám luôn có bên công an hỗ trợ canh gác, nên kịp thời xử lý, giúp người bệnh ổn định tinh thần, tiếp tục hợp tác theo dõi, điều trị”, BS Minh cho biết.

 CÁN BỘ TỔ DÂN PHỐ ĐỘNG VIÊN... KHÔNG VỀ NHÀ 

  Các y bác sĩ tại tâm dịch không chỉ căng thẳng lo điều trị và ổn định tâm lý cho bệnh nhân mà còn phải thêm “gánh nặng” giải thích, động viên để người thân, gia đình hiểu và chia sẻ với những khó khăn của công việc đặc thù trong giai đoạn này.

  Nhiều trường hợp cán bộ y tế khi về gia đình, hàng xóm không hiểu rõ vấn đề, sợ làm lây bệnh sang mọi xung quanh nên có hành vi, lời nói không đúng, thậm chí “kỳ thị” y bác sĩ. Cá biệt, có trường hợp cán bộ tổ dân phố còn liên lạc động viên bác sĩ ở lại phòng khám, đừng về nhà khiến tâm lý bà con dân phố lo lắng, bất an. Chính vì vậy mà cán bộ y tế không dám về, đành xin ở lại phòng khám phục vụ 24/24.

“Đối với cán bộ y tế, việc hàng ngày phải thăm khám, tiếp xúc với bệnh nhân, kể cả bệnh nhân dương tính và bệnh nhân đang cách ly theo dõi là điều đương nhiên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các qui định, có thiết bị bảo hộ, cũng như qui trình xử lý các thiết bị bảo hộ sau sử dụng theo hướng dẫn để đảm bảo an toàn“, ThS. BS Nguyễn Văn Tuấn, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, trong đoàn y bác sĩ tăng cường cho Phòng khám Quang Hà, chia sẻ.

Chuyen chua ke ve nhung nguoi “chien si ao trang” noi tam dich Binh Xuyen-Hinh-9BS Nguyễn Văn Tuấn chúc mừng hai mẹ con bệnh nhân dương tính COVID-19 đã được điều trị khỏi tại Phòng khám Đa khoa Quang Hà chiều 20/2.
Tất cả các yếu tố đó nhằm đảm bảo an toàn cho y bác sĩ, tránh nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh, đồng thời cũng để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, phòng tránh nguy cơ y bác sĩ có thể là nguồn lây bệnh gián tiếp. Vì vậy, việc người dân xung quanh lo lắng đến mức ”cách ly” cả bác sĩ là không cần thiết, mà cần có sự tuyên truyền, giải thích để người thân và gia đình cùng hàng xóm xung quanh hiểu và ủng hộ công việc của các y bác sĩ. 
"QUÊN HẾT VỢ CON"... 
ThS. BS Nguyễn Văn Tuấn, là phó trưởng Khoa Viêm gan, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nhận quyết định điều động lên Vĩnh Phúc, tăng cường hỗ trợ cho Phòng khám Đa khoa Quang Hà từ ngày 12/2. Anh nói vui: “Quyết định lên đường làm nhiệm vụ này có ngày đi mà không hẹn ngày về…”.
Đã nhận nhiệm vụ công tác tại vùng tâm dịch trong giai đoạn này là xác định xa nhà chưa biết ngày nào về, dù rất thương và nhớ vợ con nhưng nhiệm vụ đã nhận không thể lơ là. BS Tuấn chia sẻ, anh rất thương vợ vất vả, thời gian này phải một mình lo chăm sóc con nhỏ, không có chồng hỗ trợ. Vì vậy, tối nào anh cũng tranh thủ gọi video call cho vợ con, nên cũng đỡ nhớ phần nào.
Chuyen chua ke ve nhung nguoi “chien si ao trang” noi tam dich Binh Xuyen-Hinh-11ThS. BS Nguyễn Văn Tuấn, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, trong đoàn y bác sĩ tăng cường cho Phòng khám Quang Hà

“Nhiều hôm công việc bận quá mà không kịp gọi, lúc xong việc thì đã muộn, nghĩ đến giờ ngủ rồi không gọi nữa, thế là bị vợ trách quên hết vợ con rồi… Vì công việc, vì người bệnh thôi, chứ ai nào dám quên vợ con, mình còn phải cảm ơn vợ vì đã thông cảm, chia sẻ cho công việc của chồng, thay chồng gánh vác việc nhà”, BS Tuấn chia sẻ.

Các bác sĩ như anh lên “trực chiến” tại tâm dịch Bình Xuyên có thể 15-20 ngày hay bao lâu nữa cũng chưa thể biết được, hết dịch mới có thể yên tâm trở về, nên có lẽ không chỉ các y bác sĩ ở đây vất vả mà người ở nhà lo “hậu phương” để các y bác sĩ yên tâm công tác cũng là những người chịu nhiều hy sinh, vất vả...

Chuyen chua ke ve nhung nguoi “chien si ao trang” noi tam dich Binh Xuyen-Hinh-12
Bài và ảnh: An Lê – Quang Thịnh
Thiết kế: Tuấn Huy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu