Chồng mê nhậu bỗng nhiên “ngoan” hơn

Google News

Không ít chị em thừa nhận rằng dịch bệnh đang khiến cả xã hội gồng mình chống chọi nhưng ở một góc độ lại khiến các ông chồng trở nên "ngoan" và có trách nhiệm hơn với gia đình, vợ con.

Ít phải cãi vã nhau vì chuyện chồng mê nhậu bỏ cơm nhà
Dạo này trên Facebook chị Ngọc Anh ( trú tại Cầu Giấy, HN) liên tục đăng tải những hình ảnh chồng làm việc nhà, hí húi nấu ăn trong bếp, tắm cho con, dạy con học đỡ vợ, khiến ai cũng ngưỡng mộ. Bởi những ai quen biết đều không lạ gì chồng chị vốn có "đam mê" nhậu với bạn bè sau giờ làm việc hàng ngày. Cũng vì thế mà vợ chồng chị luôn căng thẳng, cãi vã nhau liên tục. Thậm chí có thời điểm, anh mê nhậu bỏ bê vợ con đến nỗi vợ chồng chiến tranh lạnh cả tháng. Cuộc sống hôn nhân của họ vì thế mà lủng củng theo.
"Kể từ ngày có dịch, vợ chồng em không còn cãi nhau vì chuyện chồng suốt ngày bỏ cơm nhà tụ tập bia rượu với bạn bè sau giờ làm việc. Em cũng đỡ cảnh đêm khuya còn phải dọn hậu quả của những trận say bí tỷ của chồng. Chồng em "ngoan" hơn hẳn, lại còn siêng năng cơm dẻo canh ngọt cho vợ con. Trong cái rủi có cái may, gia đình em đầm ấm hơn hẳn..."- chị Ngọc Anh kể.
Chong me nhau bong nhien “ngoan” hon
 (Ảnh: minh họa)
Hóa ra, kể từ ngày dịch bệnh, anh và nhóm bạn nhậu chẳng dám tụ tập ở quán nhậu. Thay vào đó, hết giờ làm ở công sở là ai về nhà đó. Nhờ vậy, anh có nhiều thời gian cho gia đình. Lại đúng vào dịp các con nghỉ học, bọn trẻ được bố quan tâm, chăm sóc chu đáo hơn trước. Chị cũng có dịp "nhờ" chồng nhiều việc nhà. Sự chia sẻ của anh khiến vợ chồng trở nên tình cảm, hạnh phúc hơn trước.
Anh Tuấn Nam (trú tại Hà Đông, HN) trước đây cũng là một "bợm nhậu" sau khi tan sở. Ngày nào anh cũng ghé quán bia hơi làm vài chầu rồi mới về nhà. Hôm nào gặp ít bạn thì về nhà còn tỉnh, hôm nào gặp được nhiều "tri kỷ" thì đến khuya mới về trong trạng thái say bí tỉ. Anh luôn lấy cớ "đi nhậu để kết nối làm ăn" nên không thể bỏ. Vợ anh ban đầu còn cố gắng cam chịu nhưng sau đó thì không chịu nổi cảnh chồng liên tục bỏ cơm nhà. Vợ chồng cãi vã nhau suốt ngày. Tuy nhiên, từ ngày dịch bệnh xảy ra, anh thay đổi hoàn toàn, không còn la cà quán sá, tan làm là về thẳng nhà luôn, chủ động chia sẻ việc nhà với vợ. Đặc biệt là trong việc chăm sóc con cái, trước đây anh phó thác hoàn toàn cho vợ thì nay lại quan tâm sâu sát từ việc ăn uống, học hành ở nhà của chúng.
Có trách nhiệm hơn với gia đình
Chị Thu Lê (trú tại Thanh Xuân, HN) kể, trước đây anh Mạnh-chồng chị là người sống vô tâm. Hai vợ chồng sống chung với bố mẹ nên anh càng ỷ lại. Hàng ngày, tan làm xong là anh đi đánh tennit tới tối muộn mới về nhà. Bữa cơm tối chẳng bao giờ có mặt vì anh luôn về ăn sau cùng. Ngày nghỉ cuối tuần, anh cũng tụ tập cùng bạn bè. Chuyện con cái ốm đau, học hành thế nào anh không quan tâm sâu sát. Kể cả việc bố mẹ ốm đau, anh hỏi để biết còn việc chăm sóc hàng ngày thuốc thang cho ông bà do chị quán xuyến. Sự vô tâm, thiếu trách nhiệm đó của anh trở thành nguyên nhân khiến vợ chồng mâu thuẫn thường xuyên.
Hai tháng trở lại đây, nhờ chuyện chống dịch Covid-19 mà anh thay đổi nhiều. Công việc của anh chủ yếu làm giờ hành chính, nếu tan làm về nhà ngay thì sẽ có nhiều thời gian dành cho gia đình. Nhờ đó, anh nhận ra lâu nay mình đã bỏ bê trách nhiệm làm cha với các con. Chỉ riêng việc mỗi tối kèm cho các con học, chơi với các con, anh mới hiểu chúng cần tình cảm và sự quan tâm của bố bao nhiêu. Trong những ngày nghỉ, chứng kiến việc vợ tính toán chi tiêu thế nào để cân đối tài chính, đảm bảo dinh dưỡng cho cả nhà, anh thấy có lỗi với vợ. Hàng tháng, anh đưa cho vợ một khoản lương mà không cần biết vợ chi tiêu thiếu đủ thế nào. Nhớ lại những bữa nhậu của anh với bạn bè bằng cả tuần chi tiêu trong gia đình của vợ, anh bỗng day dứt. Chắc chắn từ đây, anh sẽ giảm bớt quỹ nhậu với bạn bè để tăng khoản tiền lương đưa về cho vợ nhiều hơn.
Bà Mận (trú tại Đống Đa, HN) kể, từ khi có dịch bệnh bên cạnh nỗi lo phòng chống dịch thì gia đình bà bỗng trở nên đầm ấm hơn hẳn, bởi vợ chồng con trai ít cãi vã, tình cảm đầm ấm hơn. Đặc biệt con trai bà biết quan tâm tới bố mẹ nhiều hơn trước. "Nó nghe truyền người già sẽ dễ bị mắc bệnh, nếu bị thì nguy cơ tử vong cao nên biết lo cho bố mẹ lắm. Ngày nào đi làm về cũng nhắc bố mẹ ở nhà không đi ra ngoài, hạn chế gặp gỡ mọi người để bảo vệ sức khỏe. Nó còn chủ động mua đồ ăn bổ dưỡng về bảo vợ nấu để cho bố mẹ bồi bổ khiến chúng tôi ấm lòng vô cùng. Với vợ con, nó cũng quan tâm, để ý nhiều. Nhìn con cháu hòa thuận yêu thương nhau, vợ chồng tôi vui lắm" - bà Mận tâm sự.
Hóa ra, mùa dịch không chỉ khiến toàn xã hội thức tỉnh, thay đổi lối sống lành mạnh hơn, mà còn là dịp để những người đàn ông trong gia đình soi lại bản thân. Lâu nay, lối sống đề cao lợi ích vật chất, sự hưởng thụ cá nhân đã khiến một bộ phận người chồng bỏ quên trách nhiệm, vai trò của mình trong gia đình. Điều mà lẽ ra họ sẽ phải làm hàng ngày. Hi vọng, khi mùa dịch qua đi, mỗi gia đình sẽ nhận ra được nhiều điều giá trị của cuộc sống hạnh phúc. Và sự thay đổi tích cực của những người chồng sẽ không phải nhất thời trong mùa dịch.
Theo Hạ Thi/ Baophunuthudo.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)