Choáng váng khi biết bị ung thư vùng kín dù chưa làm “chuyện ấy“

Google News

Suốt 28 năm, Linh chưa từng yêu và quan hệ với người đàn ông nào. Đó là lý do khiến cô nghĩ mình không thể mắc ung thư cổ tử cung.

Tại Bệnh viện K (Hà Nội), chị Nguyễn Kiều Linh (28 tuổi, ở Phú Thọ) rất bất ngờ khi kết quả bản thân bị ung thư cổ tử cung. Cô vốn là người kín đáo, cổ điển và chưa quan hệ với ai.
Do đó, mỗi kỳ kiểm tra sức khỏe, Linh không khám phụ khoa. Bản thân hay bị ngứa vùng kín nhưng tâm lý e ngại và muốn giữ “cái ngàn vàng” khiến cô không tìm đến bác sĩ hay điều trị.
Cô chọn cách dân gian như nấu nước muối để rửa, dùng lá trầu không. Gần đây, tình trạng ngứa không dứt sau khi dùng nhiều biện pháp, cộng thêm biểu hiện chảy máu phần phụ khiến Linh hốt hoảng và quyết định đi khám. Kết quả cho thấy cô đã bị ung thư cổ tử cung giai đoạn nặng.
Choang vang khi biet bi ung thu vung kin du chua lam
Ung thư phụ khoa có thể gặp ở bất kỳ đối tượng phụ nữ nào, dù họ đã kết hôn hoặc có quan hệ tình dục hay chưa. Ảnh: Steptohealth . 
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Diệu Hà, Phó khoa Ung thư phụ khoa, Bệnh viện K (Hà Nội), khuyến cáo chị em không được xem thường khi bị viêm nhiễm vùng kín. Trong nhiều năm công tác, bác sĩ thường gặp các bệnh nhân đến khám và được kết luận bị bệnh lý lộ tuyến với các biểu hiện như ra nhiều khí hư, chảy máu phần phụ, đau rát…
Theo bác sĩ Hà, lộ tuyến là một tổn thương lành tính và chữa khỏi nhờ đốt điện diệt tuyến. Nhưng trong nhiều trường hợp, đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư cổ tử cung.
Ngoài ra, việc chủ quan không khám phụ khoa đã khiến những dấu hiệu bất thường bị bỏ qua. Người bệnh không được chữa trị ở giai đoạn sớm.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Medlatec - ung thư phụ khoa hay các bệnh phụ khoa khác có thể gặp ở bất kỳ đối tượng phụ nữ nào, bất kể việc đã kết hôn hoặc có quan hệ tình dục hay chưa.
Ngoài nguyên nhân quan hệ nhiều, có nhiều bạn tình, ung thư cổ tử cung còn có thể gặp ở những người sinh đẻ nhiều lần, phụ nữ hút thuốc lá, dùng thuốc ức chế, giảm miễn dịch...
Bệnh thường không có triệu chứng cụ thể và rõ ràng ban đầu nên rất khó phát hiện hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm khác. Do đó, khi phát hiện chính xác, bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng và việc điều trị gặp khó khăn hơn, xác suất khỏi bệnh không cao.
Triệu chứng điển hình của ung thư cổ tử cung là chảy máu âm đạo ở bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt là sau khi giao hợp.
PGS Luật nhấn mạnh ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở phái nữ. Nếu được phát hiện sớm, 92% người mắc bệnh này có thể được chữa khỏi.
Do đó, chị em nên tầm soát định kỳ căn bệnh này bằng cách lấy tế bào âm đạo cổ tử cung. Ngoài ra, nếu có nghi ngờ, chị em phụ nữ có thể làm xét nghiệm để kiểm tra khả năng nhiễm các virus hàng đầu gây ung thư cổ tử cung như HPV 16 và 18.
Việc khám phụ khoa nên được tiến hành định kỳ 6 tháng/lần. Chị em cần siêu âm tử cung phần phụ, siêu âm đầu dò âm đạo, nội soi cổ tử cung, xét nghiệm...
* Tên bệnh nhân đã thay đổi.
Theo Hà Quyên/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)