Cha mẹ không nên kể xấu về nhau với con cái sau ly hôn

Google News

Vợ chồng sau khi ly hôn đa số chỉ còn lại sự chán ghét và lòng oán hận với đối phương. Tuy nhiên, điều tối kỵ là cha mẹ không bao giờ nên kể xấu về nhau với con cái.

Ba mẹ bỏ nhau, bé Thanh ở với mẹ. Hằng ngày, chỉ có mẹ đưa đón nó đi học, chưa bao giờ nó được ba chở đến lớp, chở đi chơi công viên như các bạn. Bù lại, bé được mẹ rất cưng chiều. Bé Thanh hay được mẹ mua cho quần áo đẹp và rất nhiều đồ chơi toàn là loại đắt tiền. Ai nhìn vào cũng bảo bé Thanh sướng nhưng sao nhìn mặt bé cứ buồn buồn…
Ba mẹ bé Thanh đều còn trẻ. Trước đây, dù bị đôi bên gia đình ngăn cấm nhưng họ vẫn quyết tâm lấy nhau. Để đặt gia đình vào “thế đã rồi”, họ quyết định “ăn cơm trước kẻng”. Kết quả là mẹ có bầu bé Thanh.
Mẹ nó về nhà chồng mà không có cưới hỏi, gia đình bên nội bé nhận dâu chỉ vì không muốn bị mang tiếng. Vì có sẵn định kiến nên bà nội bé Thanh thường xét nét, chê bai nàng dâu. Mẹ nó cũng chẳng chịu nín nhịn, sẵn sàng đối đầu với mẹ chồng. Còn ba nó lại tỏ ra nhu nhược, không phải là chiếc cầu nối giữa hai người đàn bà quan trọng nhất đời mình, không biết cách làm giảm những mâu thuẫn bất hòa trong gia đình.
Cha me khong nen ke xau ve nhau voi con cai sau ly hon
Có những cặp vợ chồng ly hôn vì không thể cứu vãn nhưng cũng có những cặp vợ chồng nông nổi vội vàng 
Do đó, mẹ bé Thanh buồn chán, thấy ngột ngạt khi phải sống với gia đình chồng. Mẹ rủ ba ra ở riêng nhưng ba không chịu, từ đó hai vơ chồng cũng hay hục hặc nhau. Khi bé Thanh được 2 tuổi, mẹ ẵm nó về ở với ông bà ngoại sau trận khẩu chiến với chồng.
Thời gian đầu, ba bé Thanh còn đến níu kéo dỗ dành vợ quay về nhưng không được bèn quay ra nhiếc móc chửi bới vợ, đôi bên lời qua tiếng lại om xòm cả góc phố. Vài tháng sau họ quyết định ra tòa xin ly hôn. Mẹ bé Thanh giành quyền nuôi con. Ba nó mới đầu còn lui tới gặp gỡ, chăm sóc con, dần dần chẳng đoái hoài gì đến con nữa.
Bé Thanh rất muốn được có ba, được ba đưa đón đi học như các bạn trong lớp, rất thích được ba cho đi chơi ở công viên, có lần nó khóc vì tủi thân khi nghe các bạn hãnh diện kể về ba mình, còn nó chỉ biết về ba qua lời kể của mẹ, mà mẹ thì chỉ toàn kể những điều không tốt về ba thôi.
Cũng vì mẹ nó suốt ngày gieo vào đầu óc nó những suy nghĩ không tốt về ba về gia đình bên nội, cho nên mỗi khi ai nhắc tới ba nó, bé Thanh thường tuyên bố: “Con ghét ba vì ba nghe lời nội bỏ rơi con… Con không cần ba. Mẹ đi làm rất nhiều tiền dư sức nuôi con…”.
Những đứa trẻ là nạn nhân của các cuộc ly hôn bao giờ cũng đáng thương vì các bé chịu nhiều thiệt thòi. Đáng tiếc là đứng trước quyết định ly hôn không có nhiều cặp vợ chồng nghĩ đến chuyện này. Họ luôn tự tin rằng mình sẽ dễ dàng đơn thân nuôi dạy con cái một cách hoàn hảo.
Có những cặp vợ chồng ly hôn vì không thể cứu vãn nhưng cũng có những cặp vợ chồng nông nổi vội vàng như ba mẹ bé Thanh trong câu chuyện trên. Chỉ vì chưa tìm hiểu kỹ về nhau đã vội vàng tiến tới hôn nhân, bất chấp sự khuyên can của cha mẹ đôi bên. Rồi khi nảy sinh mâu thuẫn, họ không chịu khắc phục sửa sai, không chịu hoàn thiện bản thân đã vội vàng đưa nhau ra tòa. Sự ích kỷ của ba mẹ bé Thanh khiến nó bị thiệt thòi, có ba mà cũng như không.
Sau khi ly hôn, giành được quyền nuôi con, chỉ vì căm hận chồng mà mẹ bé đã nói những điều không nên nói với con, gieo vào đầu con những suy nghĩ không tốt về cha, gây ấn tượng xấu không dễ gì xóa được trong tâm hồn. Người mẹ trẻ cho rằng, mình đã hết lòng yêu thương, chăm sóc con đầy đủ, không để con phải thiếu thốn thứ gì. Nhưng chị không hiểu rằng bé Thanh rất thiếu thốn và vô cùng cần tình cảm của người cha. Điều đó không gì có thể thay thế, bù đắp được.
Theo HOÀNG THU/Thegioitiepthi

>> xem thêm

Bình luận(0)