“Cậu nhỏ” sưng đỏ bác sĩ nặn ra mủ và lý do không thể ngờ

Google News

Đưa cậu con trai 2 tuổi đến viện khám do con sốt cao, chị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết cứ ngỡ con bị viêm họng, ai dè là do 'cậu nhỏ” của con bị viêm. 

Không điều trị kịp thời có thể suy thận

Tại bệnh viện các bác sĩ khám và nặn ra rất nhiều dịch mủ từ “con chim xinh xinh” của cháu. Các bác sĩ giải thích bé bị viêm bao quy đầu, đây chính là nguyên nhân khiến cho con chị Hoa bị sốt cao mấy ngày qua.

Theo lời chị Hoa kể, vì mới sinh con đầu, lại bận nhiều việc nên chị phó thác việc chăm con cho người giúp việc. Bà ở quê, lại hạn chế hiểu biết nên việc tắm rửa cho con không kỹ. Nhất là bao quy đầu. Hai tuần nay, thi thoảng thấy con khóc khi đi tiểu. Nhưng chỉ một loáng rồi xong nên chị cũng không để ý. 
Viêm bao quy đầu ở trẻ em có thể dễ dàng điều trị dứt điểm nếu phát hiện sớm các triệu chứng ban đầu, nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại những hậu quả nặng nề (Ảnh minh hoạ)  
Hai hôm nay, con sốt, đầu "cậu nhỏ" hơi hồng. Con cũng húng hắng ho nên chị chỉ nghĩ do thay đổi thời tiết nên con bị viêm đường hô hấp. Vì thế, khi nhìn bác sĩ nặn ra rất nhiều mủ ở dương vật của con tôi mới hoảng hồn. 

ThS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại Thận-Tiết niệu, Bệnh viện E Hà Nội cho biết, quy đầu là phần đầu của “cậu nhỏ”, còn đoạn da mỏng bao ngoài được gọi là bao quy đầu có nhiệm vụ bảo vệ vùng nhạy cảm này của cơ thể.

Cấu tạo bao quy đầu gồm hai lớp: lớp da bên ngoài và lớp niêm mạc bên trong. Khi còn nằm trong bụng mẹ, bao quy đầu và “cậu nhỏ” phát triển như một thể thống nhất được dính chặt với nhau. Sau đó, mặt trong của bao quy đầu và lớp da phần đầu tách rời nhau nhờ hiện tượng bong tế bào ở bề mặt mỗi lớp.

Trong hành trình này, quá trình thay mới biểu mô của hai lớp diễn ra liên tục. Tế bào chết tích tụ thành chất cặn trắng, được đẩy ra ngoài qua phần chóp của bao quy đầu.

Thực tế cho thấy, phải mất 3- 10 năm (thậm chí lâu hơn), quá trình bóc tách mới hoàn thành và bao quy đầu mới có thể lộn được khỏi đầu “cậu nhỏ” về phía bụng.

Nước tiểu sẽ luôn tồn đọng lại một lượng nhỏ cộng với những bã sinh dục, do đó  BS Liên cảnh báo “trẻ bị viêm dính bao quy đầu nếu không được vệ sinh đúng cách rất dễ chuyển sang viêm mủ, gây nhiễm khuẩn ngược dòng lên bàng quang, niệu quản và đài bể thận”.

Những triệu chứng ban đầu trẻ bị triệu chứng này thường  là: Vùng da bao quy đầu và dương vật đỏ, sưng tấy. Nhìn bằng mắt thường và kiểm tra bằng tay có thể nhận thấy bao quy đầu viêm, dính, lỗ nhỏ nắn ra nhiều dịch đục hoặc mủ trắng. Đi tiểu tiện có cảm giác đau buốt, trẻ ngại đi tiểu…

Trẻ hay sờ vào bao quy đầu và gãi do tình trạng viêm bao quy đầu có thể gây ngứa. Nước tiểu của trẻ có màu vàng đục và khai nồng, đôi khi có thể lẫn máu

“Trong một vài trường hợp trẻ có thể kèm theo tình trạng sốt cao kêu đau vùng cơ quan sinh dục; trẻ kêu đau khi đi tiểu”, BS Liên thông tin.

BS Liên nhấn mạnh, viêm bao quy đầu ở trẻ em có thể dễ dàng điều trị dứt điểm nếu phát hiện sớm các triệu chứng ban đầu, nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại những hậu quả nặng nề.

 
Theo đó, hậu quả có thể gây viêm mủ đài bể thận cấp tính sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho hệ tiết niệu: Suy thận, viêm thận kẽ, hình thành sỏi hệ tiết niệu.

Bố mẹ hoàn toàn phòng ngừa được cho con

Theo các chuyên gia tiết niệu nam học, hiện tượng viêm bao quy đầu ở trẻ em xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể là do trẻ sinh hoạt, tiếp xúc nhiều với môi trường bụi bẩn hoặc vệ sinh vùng kín không đúng cách, hoặc sử dụng hóa chất để vệ sinh gây kích ứng.

Trẻ có bao quy đầu dài hoặc hẹp, khi đi tiểu không hết, nước tiểu còn sót lại đóng cặn cũng là những “thủ phạm” gây viêm nhiễm ở bao quy đầu.

Để chữa trị hiệu quả, các bác sĩ sẽ thăm khám, tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng viêm này ở trẻ, từ đó sẽ đưa ra các phương hướng điều trị cụ thể. Ngoài ra, bác sĩ cũng còn phải căn cứ vào yếu tố độ tuổi để đưa ra quyết định cuối cùng.

Thông thường, nếu trẻ bị viêm bao quy đầu do tình trạng nhiễm khuẩn vì vệ sinh không sạch sẽ, thì các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh chữa viêm.

Trong trường hợp trẻ bị viêm bao quy đầu do cấu tạo phần bao quy đầu của trẻ dài hoặc hẹp, bác sĩ sẽ áp dụng biện pháp nong. Phương pháp này áp dụng cho trẻ từ 8 tháng đến khoảng 4 tuổi hoặc cắt bao quy đầu đối với trẻ từ 4–5 tuổi trở lên.

Phương pháp cắt bao quy đầu mang đến nhiều lợi ích cho trẻ như hạn chế tình trạng viêm bao quy đầu, giúp “cậu nhỏ” phát triển tốt hơn, đặc biệt đối với lứa tuổi dậy thì. Đồng thời hạn chế nguy cơ gây ung thư bộ phận đàn ông này khi bé bị viêm bao quy đầu.

Để phòng tránh viêm nhiễm, BS Nguyễn Đình Liên hướng dẫn phụ huynh cần vệ sinh đúng cách cho con. Theo đó, khi bao quy đầu của trẻ chưa lộn, khi tắm bố mẹ hãy rửa “cậu nhỏ” như những phần còn lại của cơ thể rồi lau khô nhẹ nhàng.

Ở vùng bao quy đầu, bố mẹ nhẹ nhàng lộn ra rửa sạch nhưng tuyệt đối đừng dùng lực quá mạnh tuốt bao quy đầu của trẻ. Tránh trường hợp do lo sợ trẻ bị viêm nhiễm bao quy đầu, bố mẹ “lộn cật lực” làm tổn thương cho bộ phận này. Trong 90% trường hợp, bao quy đầu sẽ tự lộn được khi bé bước vào độ tuổi lên 3.

Khi bao quy đầu đã được lộn nhẹ nhàng vuốt ngược da quy đầu về phía bụng và rửa phần dưới rồi dùng khăn mềm chấm khô sau đó vuốt xuôi lại bao quy đầu để trả về vị trí cũ.
Theo Huyền Anh/ Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)