Cắt u não ác tính nhờ máy định vị

Google News

(Kiến Thức) - Nhờ hệ thống định vị thần kinh Neuronavigation xác định chính xác vị trí, ranh giới khối u đã giúp các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cắt bỏ được tối đa u tế bào thần kinh đệm ác tính (Glioma) cho các bệnh nhân.

70% Glioma là u ác tính
PGS.TS Đống Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, Glioma là loại u nguyên phát trong sọ hay gặp nhất. Tỷ lệ mắc u nguyên phát trong sọ là 8 – 10/100.000 dân/năm. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Glioma chiếm 31% tổng số các loại u trong sọ được phẫu thuật. Glioma là những u không đồng nhất xuất phát từ tế bào thần kinh đệm, phát triển chủ yếu từ dòng sao bào đệm, tế bào thần kinh đệm ít nhánh. Tỷ lệ ác tính của u rất cao, chiếm 60 – 70% trong số các u Glioma nói riêng và 80% của tất cả các khối u não ác tính nói chung. U rất hay gặp ở người lớn, đặc biệt là vùng trên bán cầu đại não. Hầu hết người bệnh tới khám vì hội chứng tăng áp lực trong sọ như đau đầu, liệt, nôn, co giật, nhìn mờ, rối loạn tâm thần... Đối với Glioma lành tính phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất, nhưng đối với u tế bào đệm ác tính điều trị đa mô thức bao gồm: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị là cách điều trị bắt buộc.
Cat u nao ac tinh nho may dinh vi
Phẫu thuật u não nhờ hệ thống Neuronavigation tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. 
Theo PGS.TS Đống Văn Hệ, cho đến nay điều trị u não chủ yếu vẫn là phẫu thuật, để chọn đường rạch da, mở xương, mở não, trước đây dựa vào phim chụp động mạch não, sau này là chụp cắt lớp vi tính (CLVT) và cộng hưởng từ (MRI), nhưng rất khó xác định chính xác vị trí khối u cần phẫu thuật nên phẫu thuật viên chọn đường rạch da, đường mở xương đủ rộng bao phủ tổn thương để dễ dàng hơn cho việc lấy u. Tuy nhiên, nhiều khi phương pháp này cũng khó xác định chính xác vị trí u nên rất khó khăn để lấy u, đặc biệt là các khối u nằm sâu trong tổ chức não. Gần đây, nhiều trung tâm phẫu thuật thần kinh lớn tại các nước phát triển đã đưa hệ thống định vị (Neuronavigation) vào trong phẫu thuật não. Đây là hệ thống mô phỏng chức năng định vị của các vệ tinh nhân tạo. Với hệ thống này dễ dàng chọn đường mổ nhỏ nhất, chính xác nhất và gần nhất vào khối u. Tuy nhiên, tại Việt Nam mới được các trung tâm phẫu thuật thần kinh lớn ứng dụng.
Cắt bỏ tối đa u, giảm biến chứng
PGS.TS Đồng Văn Hệ nhấn mạnh, cắt bỏ hoàn toàn khối u và không làm tổn thương tới cấu trúc lành, tổn thương vùng chức năng là mục tiêu quan trọng nhất trong phẫu thuật cắt u tế bào thần kinh đệm Glioma. Tuy nhiên, xác định ranh giới khối u rất khó đối với Glioma ngay dưới vỏ não. Tổ chức não ngay phía trên khối u Glioma có thể hoàn toàn bình thường. Vì vậy, chúng ta không thể xác định được vị trí, kích thước, giới hạn khối u. Hơn nữa, đối với khối u Glioma nằm cạnh vùng chức năng như vùng vận động, ngôn ngữ, cảm giác, thị giác... việc xác định vùng thương tổn và vùng chức năng đóng vai trò quan trọng. Hệ thống định vị thần kinh Neuronavigation không những giúp phẫu thuật viên xác định vị trí phẫu thuật như đường rạch da, mở lắp sọ, mở màng não trách các cấu trúc khác như xoang tĩnh mạch dọc trên, xoang tĩnh mạch ngang... mà còn xác định vị trí khối Glioma dưới vỏ.
Cũng theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, để thực hiện kỹ thuật này, sau khi người bệnh được khám lâm sàng, chụp cộng hưởng từ xác định u não Glioma sẽ được khám thần kinh, phân tích hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ sọ não (ghi đĩa CD) để cài đặt hệ thống định vị Neuronavigation. Phẫu thuật cắt u được thực hiện với sự trợ giúp của hệ thống Neuronavigation và kính vi phẫu. Người bệnh được gây mê nội khí quản, đầu cố định trên khung chuyên dụng cài đặt hệ thống định vị và phẫu thuật viên sẽ thông qua hệ thống định vị này để phẫu thuật cắt u theo thời gian cài đặt. Thời gian phẫu thuật nhanh hơn từ 5 – 10 phút. Tỷ lệ cắt bỏ hoàn toàn khối u đạt 82,56% cao hơn so với việc phẫu thuật không sử dụng Neuronavigation chỉ đạt 64%. Đặc biệt, tỷ lệ tai biến, biến chứng và di chứng trong nhờ Neuronavigation giảm.

Thúy Nga

Bình luận(0)