Cặp song sinh Cúc - An sau 17 năm mổ tách rời giờ ra sao?

Google News

Sau 17 năm kể từ khi được mổ tách rời, cặp song sinh Lê Thu Cúc và Lê Thúy An (ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa) giờ đã là những thiếu nữ xinh xắn.
 

Cap song sinh Cuc - An sau 17 nam mo tach roi gio ra sao?
 Cặp song sinh Cúc - An đang ôn luyện trước khi bước vào kỳ thi đại học
Ca mổ hồi sinh
Chiều tháng 7 nắng gắt, vừa đi chạy thận về đang nằm nghỉ, chị Trịnh Thị Bình, mẹ của hai em Cúc - An bất ngờ khi chúng tôi ghé thăm. Bỏ qua sự mệt mỏi, chị Bình mỉm cười hạnh phúc kể về những năm tháng nuôi nấng, chăm sóc và nhìn thấy hai con ngày càng mạnh khỏe sau ca mổ tách rời từ năm 2003.
Năm 2002, khi đã có một cô con gái 5 tuổi, chị Bình mang thai lần thứ hai. Khi đi siêu âm thì vợ chồng chị vô cùng vui sướng khi phát hiện có thai đôi. “Lúc đó, vợ chồng tôi làm ở nhà máy thuốc lá Thanh Hóa. Khi mang thai chúng tôi chỉ được bác sỹ cho biết là thai đôi, mà không hề biết hai cháu dính vào nhau, vì những lần đi siêu âm đều không phát hiện. Đến khoảng tháng thứ 8 mang thai thì tôi trở dạ, lên bệnh viện phụ sản để sinh. Sau khi hội chẩn, các bác sỹ ở đây yêu cầu phải mổ để cứu cả mẹ và con. Đến khi mổ, bác sỹ mới phát hiện hai cháu Cúc - An bị dính vào nhau ở ngực và bụng”, chị Bình kể lại.
Cặp song sinh Cúc - An chào đời ngày 6/12/2002 tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Chị Bình vẫn nhớ, lúc tỉnh dậy sau ca mổ và được gặp hai con lần đầu, chị Bình sốc khi thấy hai con dính nhau từ xương ức, chung khoang màng tim, chung lá gan, tá tràng và ruột non. Cả hai con chỉ có tổng trọng lượng gần 3kg. Em bé nhỉnh hơn được chị Bình gọi là chị, đặt tên là Lê Thu Cúc, cô em gái là Lê Thúy An.
“Tôi vừa thương con, vừa lo sợ, suốt ngày chị đầm đìa nước mắt. Hai vợ chồng tôi đều là công nhân, tôi lo không nuôi nổi hai con, tôi lo cho tương lai hai con”.
Quãng thời gian nuôi con dính liền của vợ chồng chị Bình gặp nhiều khó khăn. Do hai bé chung nhau một đoạn ruột nên An cứ ăn vào là Cúc no bụng. Bởi vậy, Cúc mải chơi, không chịu ăn song lại đầy đặn hơn em.
Cap song sinh Cuc - An sau 17 nam mo tach roi gio ra sao?-Hinh-2
 Một số hình ảnh hồi nhỏ của hai cháu Cúc - An
Và rồi, may mắn đã đến với với gia đình chị khi GS. BS. Nguyễn Thanh Liêm là Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương có chuyến công tác về Thanh Hóa, nghe tới trường hợp của hai cháu Cúc - An nên đã ghé thăm. Sau khi thăm khám sơ bộ, GS. Liêm hẹn với vợ chồng chị Bình, đợi các cháu cứng cáp và ổn định hơn sẽ chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương làm phẫu thuật tách rời. Niềm hy vọng hai con có cuộc sống bình thường nhen lên trong lòng chị Bình.
Khi Cúc - An được 1 tuổi, GS. Nguyễn Thanh Liêm điện về cho gia đình chị Bình yêu cầu đưa cháu ra Hà Nội để tiến hành phẫu thuật tách rời cho hai cháu. Tại đây, sau khi chụp chiếu, thăm khám và hội chẩn xác định, tỷ lệ thành công sau mổ tách là 50-50, có thể phải ưu tiên cơ hội sống cho một trong hai bé. Để đủ da che phủ phần bụng cho hai bé sau khi tách rời, Cúc và An được các bác sĩ đặt một dụng cụ để “nuôi” thêm da. Hai bé được chăm sóc sức khỏe tích cực để có thể chịu đựng cuộc đại phẫu kéo dài.
Ngày 17/10/2003, khoảng 50 y, bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương tham gia ca mổ tách. Tất cả ca mổ khác ở bệnh viện hôm đó phải tạm dừng để tập trung phẫu thuật cho Cúc - An. Và để phân biệt hai bé gái giống hệt nhau, bác sĩ phải dán lên trán hai bé băng chữ “Cúc”, “An” để phân biệt.
Ca mổ kéo dài 10 giờ đồng hồ đã thành công, Cúc và An được bế ra hai giường, chính thức bắt đầu một cuộc đời mới, riêng rẽ, độc lập. Niềm vui vỡ òa trong tiếng nấc nghẹn ngào của những người thân trong gia đình.
Sau ca mổ đặc biệt, gia đình chị Bình ở bệnh viện thêm hơn một tháng mới về lại quê nhà. Thật trùng hợp, ngày trở về quê cũng chính là ngày sinh nhật một tuổi của hai bé Cúc - An.
Ước mơ của cặp song sinh 18 tuổi
Khi chúng tôi ghé thăm nhà chị Bình thì hai cháu Cúc - An đang ngủ do đêm hôm trước thức khuya ôn thi đại học. Kể về hai cô con gái, chị Bình rất vui vẻ cho biết An học giỏi Văn và đoạt giải 3 cấp tỉnh. Còn Cúc học Toán giỏi và cũng được đi thi học sinh giỏi ở trường. Cúc chọn thi khối A1 vào trường Đại học Tài chính. An ước mơ được đỗ Học viện Báo chí vì thích làm phóng viên.
“Từ khi học mẫu giáo đến cấp 3 cả hai cháu đều học chung 1 trường, 1 lớp vì như thế có chị, có em. Hai đứa cao suýt soát 1m7, giờ các cháu đã lớn, biết yêu thương bố mẹ, giúp đỡ việc nhà. Tôi vẫn biết, những ngày trái gió trở trời là vết thương của các cháu đau lắm nhưng không dám nói với bố mẹ biết”, chị Bình cho hay.
Thấy có người đến, An - Cúc dậy và ra chào hỏi khách. Chia sẻ về những dự định của mình, An cho biết rất thương bố mẹ: “Hai chị em cháu có ngày hôm nay là cả một sự vất vả của bố mẹ và cảm ơn rất nhiều tới các bác sỹ đã mổ cho chúng cháu. Đặc biệt là bác sỹ Liêm, nếu không có bác ấy thì không biết chị em cháu sẽ như thế nào.Trong quá trình đi học có không ít bạn biết chuyện và kỳ thị hai chị em nhưng chúng cháu đều mặc kệ, tập trung học hành chăm chỉ. Đợt này cháu đăng ký nguyện vọng 1 vào Đại học Luật, nguyện vọng 2 vào Học viện Báo chí tuyên truyền. Cháu rất thích được làm báo vì có thể giao tiếp được nhiều người, đi được nhiều nơi”.
Ngồi kế cạnh, Thu Cúc có vẻ như e dè hơn em gái, tâm sự: “Cháu năm nay thi vào Học viện Tài chính, mong muốn sau này ra trường kiếm được một công việc để phụ giúp gia đình. Mẹ bây giờ thì ốm yếu, bệnh tật, bố thì già rồi. Chúng cháu rất thương bố mẹ”.
Được biết, từ khi hai cháu Cúc - An được 3-4 tuổi thì chị Bình cũng mắc bệnh viêm cầu thận nhưng do đang dồn hết sức lực cho hai đứa con gái nên chị không đi chữa trị. Thời gian sau bệnh phát triển dẫn đến suy thận cấp độ nặng.
“Tôi điều trị năm nay là năm thứ 7, một tuần phải chạy thận 3 lần. Mọi sinh hoạt trong gia đình giờ trông chờ vào đồng lương hưu của hai vợ chồng. Dù khó khăn như thế nào thì chúng tôi vẫn nuôi các cháu ăn học đến nơi, đến chốn, mong rằng sau này các con có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, mẹ của Thúy An và Thu Cúc giãi bày nỗi niềm.
Đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công 11 ca phẫu thuật song sinh tách rời. Ca đầu tiên diễn ra vào ngày 4/10/1988, là cuộc đại phẫu Việt - Đức, tạo tiếng vang của ngành Y học Việt Nam, ghi danh vào sách kỷ lục Guinness thế giới.
Gần đây nhất, ngày 15/7/2020, sau 12 giờ phẫu thuật, gần 100 y, bác sĩ từ các bệnh viện hàng đầu cả nước đã phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh dính liền vùng bụng chậu hiếm gặp: Hoàng Trúc Nhi và Hoàng Diệu Nhi. Hai bé song Nhi là con của sản phụ 25 tuổi (ở quận 9, TP HCM), sinh ngày 7/6/2019 trong tình trạng dính nhau vùng bụng chậu, tứ chi đầy đủ, hai cơ quan sinh dục, một hậu môn.
Đến ngày 28/7, sức khỏe hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi tiến triển khả quan. Diệu Nhi không cần phải nuôi dinh dưỡng qua tĩnh mạch nữa mà được uống sữa thông thường đủ nhu cầu. Còn bé Trúc Nhi đã được rút ống nội khí quản, hỗ trợ thở máy không xâm lấn, vùng bụng tạm ổn, tầng sinh môn thấm dịch ít hơn, vết thương ở khung chậu khá khô. Trúc Nhi cũng dung nạp tốt lượng sữa tập ăn, bé đã uống được từ 20-40ml sữa cho mỗi cữ.
Theo Phúc Tuấn/Giao thông

>> xem thêm

Bình luận(0)