Cấp dưỡng cho vợ cũ sau khi ly hôn bao lâu thì chấm dứt?

Google News

Tôi kết hôn với một người đã từng ly hôn. Cưới xong, tôi mới biết chồng tôi hiện đang thực hiện việc cấp dưỡng cho vợ cũ. 

Khi làm thủ tục ly hôn do điều kiện sống khó khăn, ốm đau bệnh tật, cô ấy muốn chồng tôi cấp dưỡng sau ly hôn. Anh ấy đã đồng ý và thực hiện cấp dưỡng cho vợ cũ gần 3 năm nay.
Tôi hỏi anh ấy mức cấp dưỡng là bao nhiêu thì anh ấy bảo "tùy tâm", lúc nào làm ăn được thì anh cho cô ấy nhiều thêm một chút, lúc khó khăn thì ít hơn. Tôi không hiểu vì sao đã ly hôn rồi mà chồng tôi phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi vợ cũ, mức cấp dưỡng không rõ ràng, và không biết bao giờ mới chấm dứt. Tôi muốn hỏi Quý Báo, trong pháp luật có quy định việc vợ chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau sau ly hôn không? Nếu có thì chồng tôi có thể "nhờ" người khác làm thay được không? Trường hợp cô ấy tái hôn với người khác thì chồng tôi có phải cấp dưỡng cho cô ấy nữa không?
Nguyenthule82@gmail.com
Trả lời:
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng như sau: Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
Về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn được quy định tại Điều 115, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Cụ thể: Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.
Cap duong cho vo cu sau khi ly hon bao lau thi cham dut?
(Ảnh: minh họa) 
Đối với mức cấp dưỡng được Luật quy định: Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng, hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 116).
Về phương thức cấp dưỡng, việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 117).
Như vậy, chiếu theo các quy định trên, việc cấp dưỡng của chồng bạn đối với vợ cũ là đúng pháp luật. Việc anh ấy cấp dưỡng cho vợ cũ đều do hai người thỏa thuận, nên khi ly hôn Tòa không quyết định mức cấp dưỡng cụ thể.
Về vấn đề bạn hỏi bao giờ thì việc cấp dưỡng kết thúc, nếu vợ cũ của anh ấy tái hôn thì anh ấy có phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nữa không? Theo quy định tại Điều 118, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì nghĩa vụ cấp dưỡng được chấm dứt trong trường hợp sau đây: Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình; Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết; Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn... Trường hợp khác theo quy định của luật.
Như vậy, nếu như điều kiện sống của vợ cũ anh ấy đã được cải thiện, sức khỏe tốt hơn và tái hôn với người khác thì nghĩa vụ cấp dưỡng của anh ấy sẽ được chấm dứt.
Đây là vấn đề liên quan đến hạnh phúc khi hai người đã kết hôn với nhau. Vì thế, bạn và chồng nên thẳng thắn với nhau trong chuyện cấp dưỡng cho vợ cũ, hãy thống nhất về một khoản cấp dưỡng cố định là bao nhiêu, trong thời gian bao lâu. Vợ cũ của anh ấy cũng cần hiểu rằng nghĩa vụ của anh ấy đối với mình cũng có giới hạn và mức độ khi hai người không còn tồn tại quan hệ hôn nhân.
Theo Báo Phụ Nữ Thủ Đô

>> xem thêm

Bình luận(0)