Cẩn trọng với viêm tiểu phế quản do mưa lạnh, ẩm

Google News

Thời tiết mưa gió, độ ẩm trong không khí tăng cao, biến đổi nhiệt độ trong ngày dao động lớn tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý lây lan do virút gây ra ở trẻ, đặc biệt là viêm tiểu phế quản.

Thông tin bệnh vào mùa tăng nhanh và tăng cao là có thật khiến các bệnh viện nhi của cả miền Nam, đặc biệt là ở TP.HCM, nơi có các bệnh viện Nhi tuyến cuối luôn quá tải. Tình hình khiến các phụ huynh hoang mang và thậm chí trên mạng xã hội, nhiều người còn truyền nhau về những loại virút lần đầu xuất hiện. Không ít phụ huynh vì quá hoang mang đã phải đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Tuy nhiên thực tế thăm khám cho thấy, các bệnh lý mà các bé mắc phải, hầu hết đều là những bệnh lý quen thuộc và chủ yếu là viêm tiểu phế quản.
Bệnh viêm tiểu phế quản
Thường xảy ra ở trẻ dưới 24 tháng (2 tuổi) với các triệu chứng sốt ho, khò khè, khó thở... Bệnh thường khởi phát bằng các dấu hiệu sớm trong 48 tiếng giống triệu chứng cảm như sốt nhẹ, ho, hắt hơi, chảy mũi, biếng ăn. Từ ngày thứ 3 - 5 của bệnh (sau 48 tiếng), bệnh dễ nặng với dấu hiệu khò khè khó thở và ho nặng. Thông thường, bệnh dần khỏi sau từ 7 - 14 ngày.
Ho và khò khè sau viêm tiểu phế quản có thể kéo dài 1 tháng với một số tác nhân như virút Adeno. Những trẻ có thể diễn tiến nặng gồm trẻ mắc bệnh có tiền căn sinh non dưới 35 tuần; trẻ em mắc bệnh ở tuổi nhỏ dưới 12 tuần (3 tháng tuổi); trẻ có bệnh nền như tim bẩm sinh, phổi mạn tính, bệnh thần kinh cơ... Trẻ mắc bệnh suy giảm miễn dịch tự nhiên hay mắc phải, suy dinh dưỡng nặng.
Ảnh minh họa: Internet 
Những dấu hiệu cần đưa đi cấp cứu ngay bao gồm trẻ khó thở rõ, hoặc thở không đều hoặc thở nhanh >70 lần/phút; trẻ không thể bú được vì ho liên tục và khó khè nặng; xanh tái khi ho, bú gắng sức; da xanh tái, vã mồ hôi.
Những dấu hiệu cho thấy cần tái khám bao gồm trẻ ho, khò khè diễn tiến nặng hơn; trẻ giảm bú hơn 50% hoặc từ chối ăn, bú; trẻ trông mệt mỏi và ngủ nhiều hơn bình thường; tiểu ít hơn 50%, sốt cao trên 390C, ho nặng hơn. Hoặc bất kỳ khi nào bạn thấy lo lắng về tình trạng của trẻ.
Viêm tiểu phế quản do siêu vi hô hấp hợp bào RSV (Respiratory Syncytial Virus)
Đây là loại siêu vi khá phổ biến trong nhóm tác nhân siêu vi gây triệu chứng giống cảm ở trẻ em và người lớn vào mùa bệnh. Năm 1840 RSV ghi nhận đầu tiên từ những trường hợp viêm hô hấp trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ theo mùa. Đến năm 1950, RSV một lần nữa được phân lập từ đợt bệnh hô hấp ở loài tinh tinh Coryza trong phòng thí nghiệm, do người chăm sóc lây sang. Năm 1963 Robert Chanocks, mô tả, phân lập đầy đủ tác nhân RSV gây bệnh hô hấp ở trẻ em trên toàn thế giới. Bên cạnh RSV, hiện có nhiều tác nhân siêu vi gây bệnh cảnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em.
Cũng giống như các bệnh lý do tác nhân siêu vi khác gây ra, viêm tiểu phế quản điều trị chủ yếu là theo dõi, can thiệp thuốc tối thiểu, không điều trị đặc hiệu, vì một cơ thể khỏe mạnh của trẻ sẽ tự vượt qua. Theo dõi và can thiệp đièu trị biến chứng khi cần.
Đa số điều trị ngoại trú theo dõi, chỉ điều trị, chăm sóc hỗ trợ. Điều trị can thiệp thuốc tối thiểu không dùng giảm ho, kháng sinh, sirô long đàm... Riêng điều trị biến chứng được áp dụng khi trẻ có dấu hiệu suy hô hấp, hoặc bội nhiễm viêm phổi do tác nhân vi trùng, hoặc mất nước, suy kiệt.
Phòng ngừa viêm tiểu phế quản
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các trẻ đang có bệnh hoặc có triệu chứng giống cảm, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Rửa tay sạch dưới vòi nước bằng các loại xà phòng rửa tay diệt khuẩn thông thường, trước và sau khi chăm sóc trẻ. Đeo khẩu trang, hạn chế lây nhiễm qua đường hô hấp, dịch tiết mũi họng, giọt bắn. Môi trường sống của trẻ không thuốc lá, giảm nguy cơ mắc và biến chứng nặng của các bệnh lý lây nhiễm đường hô hấp. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ theo lịch, tránh bệnh chồng bệnh, dinh dưỡng tốt, chế độ ăn uống ngủ nghĩ hợp lý.
Hiện nay, chưa có vắcxin đặc hiệu phòng ngừa RSV, việc tiêm phòng RSV không phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam chưa thực hiện tiêm chủng phòng ngừa tiểu phế quản do RSV.
Theo SKĐS

>> xem thêm

Bình luận(0)