Cách sơ cứu khi bị sốc nhiệt ngày nắng nóng

Google News

Thời tiết nắng nóng như hai hôm nay rất dễ gây sốc nhiệt, say nắng, đặc biệt là với những người phải làm việc ngoài nắng nóng.

Sốc nhiệt là hiện tượng thường gặp nếu như cơ thể phải lao động, tập luyện dưới thời tiết có nhiệt độ trên 39 độ C mà không cung cấp đủ nước để bù lại lượng mồ hôi đã toát ra.
Trẻ nhỏ, người cao tuổi, những người béo phì và những người rối loạn bài xuất mồ hôi sẽ có nguy cơ cao bị sốc nhiệt. Những yếu tố nguy cơ khác bao gồm mất nước, sử dụng rượu bia, bệnh tim mạch và sử dụng một số loại thuốc.
Triệu chứng sốc nhiệt
Triệu chứng chính của sốc nhiệt là việc tăng đáng kể nhiệt độ của cơ thể, thường là trên 40 độ C, kèm theo tính trạng tâm thần thay đổi có thể từ thay đổi tính tình cho đến lú lẫn và hôn mê. Da có thể nóng và khô, tuy nhiên sốc nhiệt do gắng sức thì da thường ẩm, theo báo Sức khỏe & Đời sống.
Sốc nhiệt có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt với các biến chứng não. Ảnh minh họa. 
Sốc nhiệt có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt với các biến chứng não. Do đó, cần phải sơ cứu kịp thời để hạn chế các biến chứng.
Các bước sơ cứu người bị sốc nhiệt
Đưa nạn nhân vào bóng râm, cởi bớt quần áo, tưới nước mát hoặc nước hơi ấm lên người nạn nhân. Quạt để thúc đẩy ra mồ hôi và bốc hơi, đặt túi chườm đá ở cổ, nách và bẹn.
Nếu nạn nhân còn tỉnh táo có và có thể uống nước, hãy cho uống nước mát hoặc nước lạnh không chứa cồn và cafein.
Theo dõi thân nhiệt của nạn nhân thường xuyên, liên tục làm mát cho đến khi nhiệt độ giảm xuống còn khoảng 38,3-38,8 độ C.
Gọi cấp cứu nếu có thể. Nếu dịch vụ cấp cứu ở xa hay không đến ngay lập tức được có thể hỏi các nhân viên y tế cách cấp cứu nạn nhân.
Nếu bệnh nhân mất ý thức và không thấy có dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động, cần tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR).
Cách phòng ngừa sốc nhiệt
Cách phòng sốc nhiệt tốt nhất là khi chỉ số nhiệt cao, tốt nhất bạn nên ở trong môi trường điều hòa. Nếu bạn phải đi ra ngoài, bạn có thể dự phòng sốc nhiệt nên mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng mầu, và đội một chiếc mũ rộng vành; Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng; Uống nhiều nước để tránh mất nước, nói chung khuyến cáo mỗi ngày uống ít nhất 8 cốc nước, nước trái cây, hoặc nước rau...
Tránh chất lỏng có cafein hoặc cồn bởi vì cả hai chất này có thể khiến bạn mất nhiều dịch hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt. Ngoài ra, không uống thuốc muối khi không có chỉ định của bác sĩ.
Cách dễ nhất và an toàn nhất để bồi phụ muối và các điện giải khác trong đợt nóng là uống đồ uống thể thao và các loại nước trái cây.
Mời quý độc giả xem video Những thực phẩm thường gặp nhưng rất độc (nguồn Youtube):
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)