Các ổ dịch trong nước “được kiểm soát”, vẫn cần nâng cao cảnh giác

Google News

(Kiến Thức) - Sáng 21/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã rời Đà Nẵng sau khi dịch ở đây "được kiểm soát". Các ổ dịch trong nước khác như Quảng Nam, Hải Dương cũng cơ bản được kiểm soát.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, sáng 21/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - trưởng bộ phận thường trực chống dịch của Bộ Y tế tại Đà Nẵng và phó trưởng Bộ phận thường trực chống dịch, ông Nguyễn Trọng Khoa vừa rời Đà Nẵng sau gần một tháng chủ trì lực lượng chống dịch tại đây.
Trước khi rời Đà Nẵng, ông Sơn cho biết dịch tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung đã ở mức "được kiểm soát", trong thời gian tới nếu không phát sinh ca bệnh đột biến, Bệnh viện Đà Nẵng sẽ được gỡ phong tỏa, quay lại phục vụ người dân Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Trường Sơn cũng đánh giá sau gần 1 tháng qua, năng lực y tế miền Trung đã được nâng lên, riêng với COVID-19 thì năng lực xét nghiệm tăng lên gấp nhiều lần, năng lực điều trị nâng lên rõ rệt, đủ khả năng đáp ứng tốt trong trường hợp có dịch xảy ra.
Cac o dich trong nuoc “duoc kiem soat”, van can nang cao canh giac
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (thứ 3 bên trái) trao quà lưu niệm cho đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu. Ảnh: Báo Đà Nẵng. 
Trong cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 20/8 cho biết, từ ngày 25/7 đến hết ngày 20/8, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 15 tỉnh, thành phố, các trường hợp mới được phát hiện chủ yếu đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng.
Về tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam, tại cuộc họp Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm hiện tại các trường hợp nghi ngờ ở hai địa phương này đã được truy vết và cách ly, lấy mẫu triệt để, tiến hành xét nghiệm với số lượng mẫu lớn… Trong những ngày gần đây số ca mắc mới đã giảm rõ rệt. Có thể nói tình hình dịch ở Đà Nẵng và Quảng Nam đã được kiểm soát.
Bộ Y tế cũng nhận định, những ngày tới tại Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn có thể ghi nhận những ca mắc mới rải rác trong cộng đồng. Chúng ta phải tiếp tục truy vết, kịp thời phát hiện ca mắc mới để kịp thời khoanh vùng, dập dịch.
Báo cáo về tình hình dịch ở Hà Nội, từ 23/7 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 11 trường hợp mắc mới, trong đó có 8 trường hợp có mối liên quan dịch tễ tới ổ dịch Đà Nẵng, 1 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương (BN867) và 2 trường hợp mắc gần đây nhất là người đi từ vùng dịch Đà Nẵng về. Như vậy, các trường hợp bệnh tại Hà Nội đều có sự liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ổ dịch tại Đà Nẵng.

Mời độc giả theo dõi video "Vì sao Covid-19 ít ảnh hưởng đến châu Phi?". Nguồn: VTC14.

Đối với ổ dịch tại Hải Dương, tới thời điểm hiện tại đã ghi nhận 12 trường hợp (BN906, 907, 908, 950, 963, 970, 971, 972, 973, 977, 978, 993), tất cả đều liên quan đến nhà hàng Thế giới bò tươi. Kết quả phân tích gene cho thấy virus trên bệnh nhân BN867 (có lịch sử di chuyển giữa Hà Nội và Hải Dương) tương đồng với virus gây bệnh đang lưu hành tại Đà Nẵng. Ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên (từ ngày 8/8 – BN867), Bộ Y tế đã phối hợp với địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch. Tại đây về cơ bản ổ dịch được kiểm soát.
Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục tiến hành phân tích, dự báo tình hình lây lan, khả năng kiểm soát. Các địa phương cần rút kinh nghiệm, nâng cao cảnh giác, củng cố hệ thống phòng thủ, phát hiện thật sớm, khoanh vùng nhanh để giảm thiểu mức độ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Nâng cao cảnh giác với dịch bệnh
Nhận định dịch bệnh còn kéo dài, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thống nhất quan điểm về việc phải tiếp tục nâng cao cảnh giác trong thời gian dài cùng những biện pháp để chung sống an toàn với dịch bệnh. Tất cả các cơ quan phải có văn bản hướng dẫn, quán triệt lại và tổ chức kiểm tra việc thực hiện.
Các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài… vào Việt Nam làm việc; tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc để bảo đảm trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế, nâng cao năng lực xét nghiệm, truy vết... đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thẳng thắn: “Thời gian qua do thực tế chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tốt dài ngày cho nên có tâm lý lơi lỏng. Bây giờ là lúc phải nhìn vào thực tế dịch bệnh còn kéo dài, ít nhất 1 năm nữa vắcxin mới có thể đến với mọi người. Chúng ta phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh.”
Các thành viên Ban Chỉ đạo nêu rõ tính quyết định của thành công trong phòng, chống dịch bệnh là sự vào cuộc đồng lòng của mọi người dân. Nhiều trường hợp tuân thủ đầy đủ các quy định khai báo, cách ly sau khi đi về từ vùng dịch. Các cơ quan chức năng cũng xử lý nghiêm nhiều trường hợp về từ vùng dịch nhưng không khai báo, không thực hiện cách ly. Một số địa phương đã chủ động có các biện pháp chỉ đạo mới, cần thiết trong phòng, chống dịch.
Vì vậy, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch như hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, rửa tay thường xuyên... Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, các địa phương cần đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh.
Hướng dẫn cài đặt Bluezone trên điện thoại:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc vào kho ứng dụng CHPlay (Android) hoặc Appstore (iOS) gõ từ khoá “Bluezone” trong mục tìm kiếm.
Bước 2: Chọn ứng dụng “Bluezone – Khẩu trang điện tử” của Cục tin học hoá, Bộ TT và TT rồi cài đặt.
Bước 3: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 4: Mở ứng dụng và cho phép Bluezone truy cập một số quyền cần thiết.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người.
Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)