Các bệnh nhân COVID-19 nặng được điều trị như thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Việt Nam đang tích cực chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng. Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đang điều trị 18 ca bệnh từ Đà Nẵng và Quảng Nam chuyển ra, hầu hết nặng, lọc máu, thở máy.

Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đến ngày 2/8, bệnh viện đã tiếp nhận và đang điều trị cho 18 bệnh nhân COVID-19 nặng có nhiều bệnh nền. Trong số đó có 12 bệnh nhân bị suy thận nặng, đang phải chạy thận nhân tạo, 3 bệnh nhân phải lọc máu liên tục. Ngoài ra có một số bệnh nhân gặp những biến chứng nặng từ bệnh nền như ung thư, tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận mãn, suy tim...
Đặc biệt trong số này, có bệnh nhân 456 được chuyển từ Đà Nẵng ra Huế hôm 30/7 trong tình trạng rất nặng, phải đặt nội khí quản nhưng đã hồi phục tốt. Theo các bác sĩ tham gia điều trị, hiện bệnh nhân 456 đã được ngưng lọc máu liên tục, rút nội khí quản và tự thở, huyết áp ổn định, các thông số về khí máu và điện giải trong giới hạn bình thường, tuy nhiên phổi vẫn còn hình ảnh viêm thâm nhiễm kẻ lan tỏa 2 bên.
Theo đại diện bệnh viện, các bệnh nhân chuyển viện từ Đà Nẵng ra Huế đa số đều có những bệnh lý nền rất nặng. Sau khi đưa ra Huế, các bác sĩ phải áp dụng nhiều phương pháp điều trị như lọc máu, thở máy, chạy thận nhân tạo... để giảm các chỉ số sinh hóa trong cơ thể người bệnh về gần với chỉ số bình thường.
Ngoài việc điều trị bệnh lý nền, các bác sĩ còn song song áp dụng phác đồ điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế một cách hợp lý vào từng trường hợp bệnh.
Cac benh nhan COVID-19 nang duoc dieu tri nhu the nao?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trao đổi về tình hình điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Ảnh: Bộ Y tế. 
Bên cạnh việc điều trị cho các bệnh nhân, trong khu vực cách ly của bệnh viện cũng được phân luồng, bố trí các phòng chức năng đảm bảo cho việc tránh nguy cơ lây chéo COVID-19 giữa các bệnh nhân, bác sĩ...
Ngoài việc sử dụng phác đồ điều trị song song các bệnh lý nền và COVID-19, các bác sĩ cùng có các phương pháp điều trị hỗ trợ như phục hồi chức năng, đảm bảo dinh dưỡng trong quá trình điều trị.

Mời độc giả theo dõi video "Các bệnh viện tại Đà Nẵng ứng phó thế nào trước tình hình dịch bệnh COVID-19?". Nguồn: VTV24.

Ông Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết trong hai ngày bệnh viện đã khẩn trương xây dựng xong đơn vị lọc máu tại khu cách ly bệnh nhân. Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 ở huyện Phong Điền, cách TP Huế 20 km về phía bắc.
Bệnh viện này cũng điều động nhiều chuyên gia giỏi từ cơ sở 1 hỗ trợ cho cơ sở 2. Tối 31/7, sức khỏe của các bệnh nhân 436, 438 tiến triển tốt hơn. Bốn bệnh nhân suy thận được chuyển ra điều trị đã có sức khỏe tốt.
Ông Hiệp cho biết công tác chống nhiễm khuẩn được lãnh đạo bệnh viện thực hiện nghiêm, cố gắng không để lây nhiễm trong bệnh viện và nhân viên y tế. Nhiều bác sĩ tình nguyện ở lại bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đến khi hết dịch.
Hiện nay bệnh viện đã bố trí nhân lực thành nhiều kíp trực (khoảng 120 người) làm việc tại khu cách ly điều trị COVID-19, tránh tình trạng các bác sĩ, điều dưỡng bị quá tải, đuối sức.
Thứ trưởng NguyễnTrường Sơn yêu cầu Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục nỗ lực điều trị tốt các bệnh nhân, là hậu phương vững chắc cho Đà Nẵng. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ về máy thở, trang thiết bị y tế quan trọng khác, theo nhu cầu của bệnh viện.
Cùng với hỗ trợ về nhân lực, vật lực, xét nghiệm, Bộ Y tế đã triển khai việc phân luồng chuyển bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền. Trước đó, Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Trung ương Huế sắp xếp phân luồng bệnh nhân tại cơ sở 2 về cơ sở 1, dành cơ sở 2 để tập trung hỗ trợ điều trị bệnh nhân cho Đà Nẵng.
Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)