Ca nghi COVID-19 người Indonesia: Bệnh viện FV dương tính, Pasteur âm tính... là sao?

Google News

(Kiến Thức) - Theo bệnh viện FV, trường hợp mẫu bệnh phẩm được lấy tại phòng khám Family Practice sau đó có phản ứng PCR dương tính với các genes đặc hiệu của virus SARS-CoV-2. Do đó, cần hiểu rằng, không có nghĩa là một ca đang mắc bệnh COVID-19.

Thông tin mới về ca nghi COVID-19 người Indonesia, ngày 2/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, ca nghi mắc Covid-19 người Indonesia và 145 người tiếp xúc đều âm tính với virus SARS-CoV-2.
Cụ thể, thông tin từ Viện Pasteur TP HCM cho biết, ngay khi nhận được thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM về 1 trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 làm việc tại Bình Dương đến khám bệnh tại TP HCM, Viện đã nhanh chóng hỗ trợ địa phương điều tra dịch tễ, xác minh, thực hiện xét nghiệm.
Kết quả cho thấy, công dân người Indonesia, ông AJI (SN 1989) và và tất cả người tiếp xúc đều âm tính với virus SARS-CoV-2.
Ca nghi COVID-19 nguoi Indonesia: Benh vien FV duong tinh, Pasteur am tinh... la sao?
Ca nghi mắc Covid-19 người Indonesia ở TP HCM cùng 145 người tiếp xúc đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Ảnh: NLĐ 
Đáng chú ý, trước đó, ông AJI đã đến khám tại một phòng khám ở Quận 2 nhưng do phòng khám không đủ điều kiện xét nghiệm COVID-19 nên phòng khám đã lấy mẫu và chuyển mẫu sang Bệnh viện FV (đơn vị được Bô Y tế cấp phép xét nghiệm COVID-19) để làm xét nghiệm vào sáng 30/6/2020. Đến 18h cùng ngày, sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính nhẹ, Bệnh viện FV đã báo kết quả cho phòng khám gửi mẫu, đồng thời thông tin cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) và Sở Y tế TP.HCM theo đúng quy trình của Bộ Y tế để thực hiện xét nghiệm kiểm tra chéo. Kết quả xét nghiệm tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trên cùng mẫu bệnh phẩm này cũng cho kết quả “dương tính” tương tự.
Dư luận đặt câu hỏi, vì sao kết quả xét nghiệm của ông AJI tại Bệnh viện FV lại dương tính nhẹ nhưng cũng từ bệnh nhân này, kết quả của Viện Pasteur TP.HCM lại là âm tính?
Ngày 2/7, Bệnh viện FV chính thức phát đi thông cáo báo chí lý giải trường hợp trên.
Thông cáo báo chí của Bệnh viện FV đề cập, gần đây, ở Việt Nam đã ghi nhận một số ca bệnh COVID-19 đã khỏi sau đó lại tái “dương tính”, hay như ca bệnh người Indonesia được phát hiện “dương tính” ở một phòng xét nghiệm sau đó xét nghiệm lại kết luận “âm tính” ở một phòng xét nghiệm khác khiến dư luận hoang mang. Vậy đâu là nguyên nhân của những tình huống như thế?
Lý giải điều này, Bệnh viện FV cho biết, xét nghiệm PCR không phải là một xét nghiệm để tìm thấy cả con virus sống. Đó chỉ là xét nghiệm tìm các đoạn gene đặc hiệu của virus trong mẫu bệnh phẩm. Nói cách khác, xét nghiệm dương tính chỉ có thể kết luận việc tồn tại một phần cấu trúc virus trong mẫu bệnh phẩm đó mà thôi.
Trường hợp mẫu bệnh phẩm được lấy tại phòng khám Family Practice sau đó có phản ứng PCR dương tính với các genes đặc hiệu của virus SARS-CoV-2. Do đó, cần hiểu rằng, không có nghĩa là một ca đang mắc bệnh COVID-19.
“Bệnh COVID-19 có thời gian ủ bệnh từ vài ngày cho tới 2 tuần là tối đa. Trong hơn 3 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận ca bệnh nào trong cộng đồng. Và bệnh nhân của phòng khám Family Practice nêu trên đã ở Việt Mam từ đầu tháng 3, vì thế không thể nào là ca bệnh đang nhiễm cả” – thông tin từ Bệnh viện FV cho hay.
Theo thông cáo của bệnh viện này, xét nghiệm PCR dương tính với một phần của virus được biết đến từ đầu dịch, và cũng thường gặp ở một số quốc gia khác ngay cả sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt như Hàn Quốc. Giống như tất cả các bệnh nhiễm virus, các SARS CoV-2 sau khi chết sẽ đào thải các mảnh protein vỡ của nó thông qua dịch tiết của người bệnh đã khỏi (không phải là nguyên virus còn sống, nên không có khả năng gây bệnh), quá trình này có thể kéo dài nhiều tuần lễ, phụ thuộc vào cơ địa cũng nhƣ một số thuốc bệnh nhân có thể đã sử dụng (như corticoid).
Tại Việt Nam, hiện hai chiến thuật xét nghiệm COVID 19 được Bộ y tế phê duyệt. Đầu tiên là chiến thuật được áp dụng tại Mỹ, được Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ phê chuẩn, sử dụng gene đích là gen N, một gen đặc hiệu của SARS CoV-2. Chiến thuật thứ 2 được WHO đề xuất, với gene mục tiêu là gene E, hiện được Viện Pasteur TP.HCM triển khai.
Bệnh nhân Indonesia nói trên được phòng xét nghiệm FV áp dụng chiến thuật của CDC Hoa Kỳ. Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này dương tính nhẹ với Gene N và Gene RdRP, cho phép kết luận mẫu bệnh phẩm dương tính với virus SARS CoV-2, đúng theo quy trình xét nghiệm của CDC Hoa Kỳ đã được Bộ Y Tế phê duyệt. Kết quả xét nghiệm tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trên cùng mẫu bệnh phẩm này cũng cho kết quả “dương tính” tương tự.
Cũng trên bệnh nhân này, Viện Pasteur TP. HCM đã tiến hành lấy một mẫu bệnh phẩm khác để chạy xét nghiệm PCR theo chiến lược của WHO. Do không phát hiện thấy gene E mục tiêu nên mẫu được kết luận là “âm tính” hay không phát hiện thấy gene E trên mẫu bệnh phẩm mới này.
Những xét nghiệm về huyết thanh học cho thấy, mẫu máu của bệnh nhân kể trên dương tính kháng thể lớp IgG (được hiểu là đã từng bị bệnh) và âm tính với kháng thể lớp IgM (dùng xác định đợt nhiễm trùng cấp). Kết hợp với các mẫu xét nghiệm phát hiện gene N, Gene RdRp và không thấy gene E. Do đó, có thể kết luận, đây là một ca đã bị bệnh từ trước đó, và nay không còn hoạt tính của virus. Hay nói cách khác là đã khỏi bệnh.
Điều này cũng giải thích vì sao, tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới có hiện tượng xét nghiệm PCR tái “dương tính” của các ca bệnh sau khi đã hoàn thành điều trị COVID-19 thành công. Những ca này không gọi là tái nhiễm hay tái phát bệnh.
Bệnh viện FV thông tin, khi sự bùng phát một bệnh dịch đã đi qua, với sự xuất hiện của nhiều ca bệnh “đã khỏi” trong cộng đồng thì xét nghiệm PCR dương tính không hoàn toàn có nghĩa có một người bệnh thực sự có khả năng lây cho cộng đồng. Trong bối cảnh nuôi cấy virus cực kỳ khó khăn và tốn kém, thì xét nghiệm huyết thanh như viện Pasteur đã thực hiện trong ca này để biện luận chẩn đoán một ca “dương tính” với xét nghiệm PCR là việc cần thiết và được khuyến cáo, giúp giảm thiểu những gánh nặng y tế cho việc cách ly, điều tra dịch tễ và xét nghiệm đại trà PCR cho những ngƣời tiếp xúc. Cũng như tránh sự hiểu nhầm gây hoang mang trong dư luận như trường hợp kể trên.
Qua thông cáo báo chí, Bệnh viện FV cho biết, bệnh viện FV hoàn toàn không tiếp nhận bệnh nhân này mà chỉ tiếp nhận mẫu xét nghiệm như nêu rõ bên trên.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bộ trưởng Văn hóa Pháp dương tính với COVID-19

Nguồn: VTC Now

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)