Bộ Y tế chỉ đạo khẩn khi có trẻ thứ 3 tử vong sau tiêm ComBE Five

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi tiêm vắc-xin ComBE Five, cháu bé 2 tháng tuổi ở Hà Nội có biểu hiện sốt và tử vong. Đây là trường hợp thứ 3 trẻ tử vong sau tiêm ComBE Five.

Bo Y te chi dao khan khi co tre thu 3 tu vong sau tiem ComBE Five
Vắc-xin ComBE FIVE thay thế vắc-xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng 
Trẻ thứ 3 tử vong
Chiều 11-1, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, xác nhận đã có 1 trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin ComBE Five tại huyện Thạch Thất, Hà Nội. Hiện, cơ quan chức năng đang tiến hành khám nghiệm tử thi nên chưa có kết luận về nguyên nhân tử vong của trường hợp này.
Trước đó, thông tin về trường hợp bé hơn 2 tháng tuổi (ở huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) tử vong sau khi tiêm vắc-xin ComBE Five đã khiến dư luận xôn xao. Người nhà cháu bé cho biết ngày 9-1 vừa qua, gia đình đưa bé đến trạm y tế xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, để tiêm vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five. Tại đây, nhân viên y tế của trạm đã kiểm tra sức khỏe của bé, thấy ổn định nên đã tiêm mũi vắc-xin 5 trong 1.
Sau khi tiêm, gia đình đưa bé về nhà, được một lúc bé có biểu hiện sốt. Gia đình cho bé uống thuốc hạ sốt mà nhân viên trạm y tế xã cung cấp. Đến tối cùng ngày, bé vẫn sốt. Đến 7 giờ 30 ngày 10-1, bé bị chảy máu mũi, bố mẹ đã vội vàng đưa con đến trạm y tế xã cấp cứu và được chuyển tiếp lên Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất nhưng bé không qua khỏi. Nguyên nhân bé tử vong hiện đang được điều tra làm rõ.
Bộ Y tế vào cuộc
Sau khi có ba ca tử vong sau tiêm ComBE FIVE, Bộ Y tế đã có công điện gửi các sở y tế tỉnh thành, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác tiêm chủng an toàn và hiệu quả.
Công văn nêu rõ: Từ khi Bộ Y tế có quyết định sử dụng vắc-xin ComBE FIVE thay thế vắc-xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng, đến ngày 9-1-2019, đã có 28 tỉnh, thành triển khai tiêm vắc-xin mới này. Số trẻ được tiêm là 131.171 trẻ.
Theo báo cáo, ngoài những phản ứng sau tiêm chủng thông thường như trẻ sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, khó chịu, quấy khóc cũng đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật ở một số địa phương, tỷ lệ khoảng 0,05%. Tuy nhiên các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Mặc dù tỷ lệ các phản ứng trên nằm trong thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, song để bảo đảm tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo, tổ chức tập huấn ngay cho cán bộ y tế của các cơ sở tiêm chủng cũng như cán bộ y tế tuyến huyện chưa được tập huấn hoặc đã được tập huấn nhưng chưa thuần thục về khám sàng lọc, đặc biệt xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng. Đồng thời chỉ những cơ sở tiêm chủng có cán bộ y tế đã được tập huấn và có kỹ năng về xử trí, cấp cứu sau tiêm chủng mới được tiến hành tiêm chủng. Yêu cầu tất cả các cơ sở phải có phác đồ xử trí phản vệ và được treo tại điểm tiêm chủng.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng cử cán bộ có trình độ chuyên môn từ tuyến trên tăng cường cho các Trạm Y tế xã, phường trong việc khám sàng lọc, cấp cứu và xử trí sau tiêm chủng. Đặc biệt là những Trạm không có bác sĩ hoặc những xã, phường khó khăn.
Cạnh đó cần tư vấn cho các bà mẹ biết cách theo dõi trẻ sau tiêm chủng, phát hiện các triệu chứng của trẻ như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, sưng đau tại chỗ tiêm... để đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất để được khám, xử trí cũng như cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh; Những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm và cách theo dõi, chăm sóc, xử trí khi trẻ có dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng.
An Lê (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)