Bi kịch phẫu thuật “bé cái nhầm” ở các bệnh viện Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Không ít những chẩn đoán bệnh, phẫu thuật “bé cái nhầm” của bác sỹ tại các bệnh viện Việt Nam khiến người bệnh phải chịu những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nhiều trường hợp còn dẫn đến tử vong.

Gãy xương nhưng bác sĩ lại mổ ruột thừa
Trường hợp phẫu thuật “bé cái nhầm” của bác sĩ Việt gần đây nhất liên quan tới vụ bé trai tử vong sau khi được chẩn đoán gãy xương chậu lại bị mổ ruột thừa.
Theo Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Đức Tín phản ánh chiều 12/6, trên đường về nhà, con trai Mai Tuấn Kiệt (13 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị xe tải quẹt trúng và có xây xát nhẹ. Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cấp cứu.
Kết quả chụp X-quang cho thấy bé bị gãy xương chậu. Đơn vị này không có khoa nhi nên đã làm thủ tục chuyển bé sang Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị.
Theo ông Tín, hai ngày sau khi bệnh nhi được chuyển viện, các bác sĩ tại đây mới bắt đầu kiểm tra và thăm khám bên ngoài. Bệnh nhi được chẩn đoán viêm ruột thừa nên chỉ định mổ cấp cứu.
Bi kich phau thuat “be cai nham” o cac benh vien Viet Nam
Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark kết luận bé bị gãy trật xương chậu. Ảnh: BSCC.
Đến ngày 17/6, thấy tình hình sức khỏe của con không tiến triển, gia đình chủ động xin chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.
Tại đây, bệnh nhi được cho thở máy, truyền dịch, kháng sinh. Sau khi thăm khám, kiểm tra, bác sĩ xác định bệnh nhi bị gãy xương chậu, suy đa tạng, nhiễm trùng gan, thận nên được lọc máu, nuôi ăn tĩnh mạch, chọc dò màng bụng, màng phổi, dẫn lưu màng phổi. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhi không tiến triển. Đêm 24/7, bé Kiệt tử vong.
Theo Pháp Luật TP.HCM, ông Tín cho rằng chính sự chẩn đoán sai ban đầu của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khi tiến hành phẫu thuật ruột thừa khiến con bị nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong.
Vụ bệnh nhân gãy xương sườn bị khoan nhầm chân
Theo báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 12/6, bệnh nhân Nguyễn Đức Thịnh (30 tuổi, ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu giang) được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy từ bệnh viện Cà Mau, chẩn đoán gãy đốt sống ngực D8 – dập tủy ngực.
Bi kich phau thuat “be cai nham” o cac benh vien Viet Nam-Hinh-2
Bệnh nhân bị gãy xương sườn nhưng nhân viên y tế lại khoan nhầm vào... chân. Ảnh: Dân Việt. 
Khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán gãy xẹp thân đốt sống D8/Chấn thương do té cao, nhập viện vào khoa Ngoại Thần kinh. Tuy nhiên, khi đưa vào phòng điều trị, ông Thịnh bị khoan đinh vào vùng trước lồi củ xương chày phải, là chỉ định cho bệnh nhân tên Lê Văn Long, bị gãy kín 1/3 giữa đùi phải.
Theo ông Nguyễn Văn Khôi – Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, sự nhầm lẫn này diễn ra vào lúc đang chờ vận chuyển người bệnh từ Khoa Cấp cứu đến các khoa điều trị khác. May mắn là sự việc được phát hiện sớm, dừng thủ thuật sau khi xuyên đinh 1/2 lồi củ trước xương chày phải.
Ngay sau đó, bệnh nhân Thịnh được trấn an, xin lỗi, băng vết thương và chuyển đến nằm điều trị tại khoa Ngoại Thần kinh. Đồng thời, trực lãnh đạo bệnh viện, Phó khoa Cấp cứu trưởng tua, Phó khoa Ngoại Thần kinh trực tiếp khám bệnh, hội chẩn đánh giá tổn thương và xử trí chăm sóc tận tình ngay cho người bệnh.
Liệt chân trái, mổ chân phải, đòi viện phí 2 lần
Chiều 19/7/2016, anh Trần Văn Thao (37 tuổi, trú tại xã Ứng Hòa, Hà Nội) nhập Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và được chẩn đoán liệt thần kinh chày trước chân trái. Anh Thao được đưa vào phòng mổ với chỉ định mổ chuyển gân chầy sau chân trái.
Bi kich phau thuat “be cai nham” o cac benh vien Viet Nam-Hinh-3
Anh Thao băng bó cả 2 chân sau sự cố mổ nhầm. Ảnh: Internet. 
Trong quá trình mổ, các bác sĩ nhầm lẫn và mổ chân phải của anh Thao. Sau khi phát hiện, các bác sĩ đã mổ lại chân trái của anh Thao theo đúng chỉ định.
Tuy nhiên trước khi mổ chân trái, phía bệnh viện đã yêu cầu người nhà bệnh nhân đóng thêm 5 triệu đồng tiền viện phí để tiếp tục thực hiện ca mổ khiến người nhà bệnh nhân vô cùng bức xúc.
Đau tay phải, mổ nhầm tay trái
Ngày 17/2/2016, bé Phạm Thành Luân (6 tuổi, ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) bị ngã gãy tay bên phải được gia đình đưa vào Bệnh viện 115 Nghệ An chữa trị. Tại đây, các bác sĩ đã phẫu thuật nắn xương trụ thẳng lại rồi đóng đinh cố định ở cổ tay và hẹn sau 3 tháng quay lại mổ lấy đinh ra.
Ngày 15/6, bé Luân được mẹ đưa đến bệnh viện mổ lấy đinh. Tuy nhiên, sau ca mổ, gia đình rất bất ngờ khi cả hai bên tay phải và trái của con đều băng bó.
Bi kich phau thuat “be cai nham” o cac benh vien Viet Nam-Hinh-4
Bé Nguyễn Thành Luân (Hà Tĩnh) bị bác sĩ mổ nhầm tay phải sang tay trái. Ảnh: Internet. 
Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An giải thích, do bác sĩ phẫu thuật không kiểm tra lại mà mổ luôn tay trái của bé Luân, đến khi không tìm thấy đinh mới phát hiện ra mổ nhầm tay và phải mổ lại.
Mổ nhầm bên phổi do…coi phim sai
Ngày 28/8/ 2013, anh Lê Văn Giang (29 tuổi, Cái Răng, Cần Thơ) nhập viện Lao và Phổi TP Cần Thơ do tràn khí màng phổi tái phát bên phổi trái. Trước đó hơn 10 ngày, anh cũng bị tràn khí màng phổi trái và được bác sĩ tại đây mổ đặt ống rồi cho xuất viện.
Trong lần tái phát thứ hai này, kết quả chụp phim ở Bệnh viện 121 (quân khu 9), bác sĩ vẫn nói bị tràn khí màng phổi bên trái và chỉ định anh Giang nên nhập viện để đặt ống lại.
Sau mổ, gia đình thấy anh Giang có 2 vết mổ ở cả bên trái và bên phải phổi. Các bác sĩ bệnh viện giải thích, do bác sĩ mổ coi phim sai nên mổ nhầm bên phải, sau đó phải mổ lại. Bác sĩ Hứa Trung Tiếp, Phó giám đốc bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ thừa nhận đây là một sai sót về chuyên môn do bác sĩ Võ Tiến Cường đọc phim X-quang không chính xác nên đã đặt nhầm ống sang phía phổi bên phải của bệnh nhân.
Thủng dạ dày, mổ ruột thừa
Năm 2015, tại BV tỉnh Vĩnh Long, một bệnh nhân bị thủng dạ dày nhưng 2 bác sĩ của bệnh viện chẩn đoán bị đau ruột thừa và tiến hành mổ ruột thừa. Sau khi phát hiện “chẩn đoán bệnh nhầm”, bệnh viện vội vàng chuyển bệnh nhân lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) nhưng do sức khỏe yếu, bệnh nhân đã tử vong.
Bi kich phau thuat “be cai nham” o cac benh vien Viet Nam-Hinh-5
Người thân của bệnh nhân khiếu kiện bệnh viện tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Soha. 
Liên quan tới vụ nhầm lẫn này, Sở Y tế đã tiến hành thành lập Hội đồng chuyên môn và kết luận là có nhiều sai sót.
Cụ thể là do chẩn đoán ban đầu sai; khi mổ xử lý không hết dẫn đến bị nhiễm trùng; trong thời gian mổ sử dụng thuốc không đáp ứng; không làm các xét nghiệm có liên quan để biết chính xác bệnh; viết biên bản không đúng trình tự thực tế; mổ ra không đúng chẩn đoán ban đầu mà không báo cho người thân của nạn nhân biết… 
Đau thận trái, cắt luôn thận phải
Đó là trường hợp bệnh nhân Hứa Thị Cẩm Tú (38 tuổi) ngụ tại thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ bị bệnh viện đa khoa Cần Thơ cắt nhầm thận vào cuối năm 2011.
Khi chị Tú tới khám, bác sỹ tại bệnh viện Cần Thơ chẩn đoán và kết luận phải cắt bỏ quả thận bên trái của chị vì quả thận này đã không còn chức năng hoạt động. Sau ca mổ, chị Tú sưng phù toàn thân, sức khỏe rất yếu. Người nhà đưa chị đi siêu âm mới hoảng hốt thấy chị Tú không còn quả thận nào.
Vụ việc sau đó đã được ban lãnh đạo BVĐK Cần Thơ thừa nhận việc cắt nhầm hai quả thận của chị Tú là do… sơ suất của bệnh viện. Các bác sỹ giải thích vì quả thận của chị Tú bị dị tật hình móng ngựa (hai quả thận dính liền nhau bằng một eo nhỏ), khi phẫu thuật đã làm rách thận phải và không cầm máu được nên bác sĩ đã tự quyết định cắt luôn thận phải vì không còn cách lựa chọn.
Thảo Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)