Bí ẩn người quân nhân hiến phổi, tim, thận, giác mạc

Google News

Người nhận phổi đang dần hồi phục, nhưng anh vẫn chưa biết, người quân nhân hiến phổi là ai?

GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - tổng chỉ huy điều hành tổ chức thực hiện ca ghép đa tạng này cho biết: Người hiến tạng là một quân nhân 45 tuổi, chết não do tai nạn.
Ngày 26/2/2018, ca lấy và ghép đa tạng được tiến hành tại BV Quân đội Trung ương 108. Gia đình người hiến đã đồng ý hiến: Tim, 2 quả thận, 2 giác mạc, 2 lá phổi để ghép cho các bệnh nhân suy tạng khác. Phần gan của người hiến do tai nạn nên không đủ điều kiện để ghép.
Anh Hanh được nhận phổi từ người quân nhân. 
GS.TS Bàng cho biết thêm: Tạng của người hiến sau khi được lấy tại BV Quân đội Trung ương 108 ngày 26/2/2018, được điều phối tới các bệnh cả ở miền Bắc và vận chuyển vào BV Chợ Rãy (TP.HCM) để ghép cùng lúc cho các bệnh nhân suy tạng.
Tại bệnh viện 108 đã tiến hành ghép 2 phổi cho 1 bệnh nhân, 1 quả thân cho 1 bệnh nhân, 1 giác mạc cho 1 bệnh nhân, và 1 giác mạc được điều phối sang cho BV Mắt Trung ương ghép cho một bệnh nhân.
Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện ghép phổi thành công từ người cho chết não. Năm 2016, Việt Nam cũng mới thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người cho sống.
Người nhận phổi là bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, sinh năm 1964 (Nam Định), bị suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Thực hiện ghép phổi là 2 chuyên gia từ Cộng hòa Pháp, 1 chuyên gia đến từ Bỉ và hơn 60 thầy thuốc, bác sĩ, phẫu thuật viên của BV BV Trung ương Quân đội 108.
 
Nhưng đến nay, danh tính người tặng tạng vẫn chưa được tiết lộ. Hành động của anh và gia đình có ý nghĩa thật cao cả.
Gia đình người quân nhân 45 tuổi qua đời cách đây 16 ngày trong vụ tai nạn khi biết anh ấy không qua khỏi, gia đình đã đồng ý hiến đa tạng để cứu sống nhiều người.
Một cán bộ Trung tâm Điều phối ghép tạng kể lại lời tâm tình của người vợ trước lúc quyết định hiến tạng của chồng, rằng khi đó người vợ nói: “Gia đình tôi cùng nhau đưa ra quyết định sau khi chồng tôi chết não và bác sĩ nói sẽ không qua khỏi. Tôi được lắng nghe rất nhiều về nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng, chồng tôi cũng thế. Vì thế, tôi tin rằng quyết định này của tôi cũng sẽ làm anh mãn nguyện”.
Người cán bộ này còn tâm sự họ không muốn ai biết đến vì có nhiều lý do. “Và chúng tôi tôn trọng họ, có lẽ họ vẫn đọc, vẫn xem tin tức và mong gia đình người nhận được hạnh phúc vì họ đã cứu sống bốn mạng người, mang lại ánh sáng cho hai cuộc đời khác” - người cán bộ kể.
“Trước khi anh được đưa vào phòng phẫu thuật, người vợ ấy chạm vào tay chồng và nói: “Em không biết việc làm của em là đúng hay sai, em không biết anh có giận em không nhưng em muốn anh cứu được những người khác…” - người cán bộ kể lại trong niềm xúc động mạnh.
Giờ đây, trái tim của người quân nhân ấy vẫn đang đập, lá phổi của anh vẫn đang thở, hai quả thận của anh vẫn đang hoạt động, hai giác mạc của anh vẫn đang nhìn đời. Sự sống của anh đang hiện hữu trong sáu con người may mắn và hạnh phúc khác.
Theo Nam Anh/Đời sống pháp luật

>> xem thêm

Bình luận(0)