Bệnh thủy đậu lành tính nhưng vì sao có thể biến chứng chết người?

Google News

(Kiến Thức) - Thủy đậu là bệnh cấp tính, dễ lây lan nhưng nhanh khỏi. Tuy là bệnh lành tính, nhưng vì sự chủ quan hoặc có những quan niệm sai lầm trong phòng chống, chữa trị mà có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm chết người.

Dấu hiệu nhận biết
GS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết: "Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, có thể phòng tránh. Tuy nhiên, cũng dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe nếu không chữa trị đúng cách".
Bệnh thủy đậu do nhiễm vi rút Varicella Zoter gây nên. Người khỏe mạnh hoàn toàn có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với người bị thủy đậu hoặc dịch tiết mũi họng, nước bọt, nước từ vết mụn người bệnh. Thời điểm bệnh lây lan mạnh nhất là khoảng ngày thứ 5 sau khi phát bệnh, ngay cả khi vết thủy đậu đã khô đóng vẩy.
 Ảnh minh họa. 
Bị thủy đậu, ban đầu bạn thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng. Khi phát bệnh, trên da bắt đầu xuất hiện các nốt ban đỏ và mụn bọng nước bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Bệnh thường khỏi sau 7-10 ngày nếu được chăm sóc đúng cách, cũng như không để lại sẹo.
Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu. Trẻ em từ 02-15 tuổi, người lớn từ 20-25 tuổi là những đối tượng dễ bị mắc thủy đậu hơn hẳn.
>>> Mời độc giả xem video:" Bệnh thuỷ đậu: Cẩn thận biến chứng". (Nguồn: VTC)
Biến chứng thường gặp
Biến chứng bệnh thủy đậu tuy không thường xảy ra nhưng nguy cơ lại rất lớn. Nếu không được chăm sóc đúng cách bệnh có thể gây ra những biến chứng với mức độ khác nhau, nặng có thể tử vong.
Bội nhiễm là biến chứng thường gặp nhất của bệnh thủy đậu. Khi lượng mụn nước gia tăng và vỡ ra, nếu vệ sinh hoặc điều trị không đúng cách, da sẽ bị nhiêm trùng nhẹ thì để lại sẹo, nặng có thể dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não...
Viêm phổi thủy đậun là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của căn bệnh này. Bệnh thường có biểu hiện là ho ra máu, khó thở, thở nhanh, sốt cao, tổn thương đường hô hấp. Nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, biến chứng ở căn bệnh này có thể dẫn đến viêm não, viêm cầu thận cấp, viêm tai, viêm đường hô hấp, sảy thai... 
Sai lầm nghiêm trọng thường gặp
Tắm bằng nước lá: Đối tượng mắc thủy đậu nhiều nhất chính là trẻ nhỏ. Khi trẻ mắc bệnh, nhiều cha mẹ thay bằng đưa con đến viện để khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ đã tự ý ở nhà dùng lá cây tắm cho bé. Điều này chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm khuẩn cao và gây ra những biến chứng đáng tiếc.
Vào tháng 3/2017, một bệnh nhi người Phú Thọ bị biến chứng thủy đậu gây bội nhiễm da nặng, khiến da bong tróc toàn thân vô cùng đau đớn. Nguyên nhân là do cha mẹ kém hiểu biết đã nghe lời mách dùng nước lá tắm cho con khiến da bé bị nhiễm trùng.
Bệnh nhi bị bong tróc da từng toàn thân với nguy cơ nhiễm trùng máu do biến chứng thủy đậu. Ảnh: LCM. 
Theo các bác sĩ, hầu hết các trường hợp thủy đậu đều lành tính. Bệnh nhân được chăm sóc vệ sinh đúng cách sẽ hồi phục hoàn toàn trong thời gian 7-10 ngày. Cách chăm sóc da tốt nhất là tắm rửa sạch sẽ bằng nước ấm, không để các nốt phỏng bị vỡ; bôi thuốc sát trùng theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ, không được cậy vỡ các nốt trên da vì dưới nền các mụn nước đó lớp da mới chưa đầy đủ chức năng ngăn chặn nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, quan điểm sai lầm dân gian kiêng nước, kiêng gió, kiêng tắm khi bị thủy đậu nhất là vào mùa hè sẽ càng làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng. Cơ thể người bệnh sẽ ngứa ngáy, mụn lan nhiều hơn, khi mụn vỡ ra không được vệ sinh đúng cách, da dễ bội nhiễm nguy cơ biến chứng càng cao.
Tự chọc vỡ mụn mủ để bệnh thủy đậu nhanh khỏi cũng là quan niệm cực kỳ sai về bệnh thủy đậu. Việc làm này sẽ khiến mụn có thể lây lan nhiều hơn, da bạn dễ nhiễm trùng và bội nhiễm hơn.
Phòng tránh bệnh thủy đậu
Đối với trẻ nhỏ, tiêm vacxin đúng độ tuổi là cách phòng tránh bệnh thủy đậu hiệu quả cao nhất và có tác dụng lâu dài. Vắc xin phòng thủy đậu được chỉ định để tiêm cho bé từ 12 tháng tuổi trở lên, tăng khả năng phòng bệnh đến 80-90%. 10% còn lại vẫn có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng thường bị nhẹ và rất ít bị biến chứng.
Ngoài ra, cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch. Vào thời điểm có dịch, đặc biệt là trẻ nhỏ cần phải được chú ý tắm rửa, vệ sinh thật kỹ toàn bộ cơ bằng xà bông diệt khuẩn.
Khi có triệu chứng mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ để bệnh có thể chữa khỏi nhanh chóng, đơn giản và không dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Tuyết Mai

>> xem thêm

Bình luận(0)