Bệnh tay chân miệng: Chủng virus EV 71 có thể gây chết người

Google News

Bệnh tay chân miệng do tác nhân Enterovirus 71 (EV71) thật sự nguy hiểm vì bệnh thường gây ra biến chứng nặng ảnh hưởng đến thần kinh và có thể dẫn đến tử vong ở trẻ em. Bệnh này hiện không có thuốc đặc trị còn vắc-Xin EV71... thì vẫn còn chờ tiếp tục nghiên cứu.

Bệnh tay, chân và miệng (TCM) đã được xem là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Bệnh có biểu hiện khá đặc trưng với sốt, phát ban sần sùi hoặc mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông và tổn thương loét ở miệng. Bệnh thường tự giới hạn nhưng rất dễ lây. Bệnh TCM thường xảy ra với những dịch nhỏ ở các trường mẫu giáo hoặc trung tâm chăm sóc trẻ em vì siêu vi này rất dễ lây nhiễm.
Hai tác nhân chính của bệnh TCM là coxsackievirus A16 (CVA16) và EV71. Tỷ lệ mắc TCM gây ra bởi EV71 thấp hơn tỷ lệ gây ra bởi CVA16. Tuy nhiên, EV71 còn được biết đến như là một loại virus có vai trò gây viêm não và các hội chứng não cấp, có xu hướng gây bệnh nặng hơn và nhiều khả năng gây các biến chứng thần kinh và viêm cơ tim thậm chí có thể gây tử vong.
Benh tay chan mieng: Chung virus EV 71 co the gay chet nguoi
 Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Ảnh: IT
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện nay đã có 2 loại vắc-xin EV71 của Viện Sinh học Y khoa tại Học viện Khoa học Y khoa Trung Quốc và Sinovac Biotech đã được phê chuẩn và lưu hành trên thị trường ở Trung Quốc. Tuy nhiên, để sử dụng vắc-xin EV71 trên toàn thế giới, cần phải chứng minh khả năng ứng dụng đối với các chủng EV71 gây đại dịch khác nhau. Vì vậy, cần phải có thêm một thời gian sau khi các loại vắc-xin EV71 gia nhập thị trường. Mặt khác, vắc-xin EV71 bất hoạt hiện tại có thể bảo vệ chống lại EV71 nhưng không chống lại chủng CVA16, nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh TCM. Do đó, cần nghiên cứu phát triển vắc-xin đa kháng hoặc vắc-xin EV71/CVA16 bao gồm cả các enterovirus gây bệnh phổ biến khác nên là bước nghiên cứu tiếp theo.
Liên quan đến diễn biến tình hình bệnh TCM trên địa bàn TP.HCM, sáng 28.9, Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành kiểm tra đột xuất công tác vệ sinh, phòng chống dịch tại Trường Mầm non phường 1 (Quận 10), nơi đã có 2 trẻ bị mắc tay chân miệng.
Kiểm tra các lớp học, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhắc nhở các cô giáo đặc biệt lưu ý việc cho trẻ rửa tay thường xuyên trước mỗi bữa ăn và sau khi đi vệ sinh cũng như việc khử khuẩn đồ chơi, đồ dùng cho trẻ, nhất là giường cá nhân cho bé ngủ trưa, bởi đây cũng là một trong những vật dụng dễ lây bệnh cho trẻ.
Cũng tại Quận 10, sáng cùng ngày Sở Y tế TP.HCM cũng đã kiểm tra một điểm trông giữ trẻ gia đình trên địa bàn phường 1. Điểm giữ trẻ này hiện đang trông giữ 6 trẻ từ 24 – 26 tháng tuổi. Chủ nhóm trẻ cho biết, hàng tháng, phường đều xuống kiểm tra, nhắc nhở cơ sở thực hiện đúng các yêu cầu về vệ sinh, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Theo Lê Quang/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)