Bệnh nhân tái dương tính COVID-19: Có nguy hiểm và lây lan thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 8 bệnh nhân tái dương tính COVID-19 sau khi âm tính và công bố khỏi bệnh. Bác sĩ khuyên người dân không nên quá hoang mang lo lắng khi có một ca bệnh dương tính trở lại.

8 bệnh nhân tái dương tính COVID-19 là ca bệnh 188, bệnh nhân 137, bệnh nhân 74 (đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2); bệnh nhân 207 và bệnh nhân 224 (đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi), Bệnh nhân 52, bệnh nhân 149 (đang điều trị tại Bệnh viện số 2 Quảng Ninh) và bệnh nhân 36 (đang điều trị tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền Bình Thuận).
Tuy nhiên, đến chiều 27/4, bệnh nhân 52 và 149 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona. Hiện họ có sức khỏe ổn định, không sốt, không ho, không khó thở.
Tại Bình Thuận, về trường hợp ca bệnh 36 dương tính trở lại, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng cho hay, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 hôm qua (26/4).
Thông tin thêm về những người lành mang bệnh hoặc những bệnh nhân tái dương tính sau khi âm tính với virus SARS-CoV-2, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết, có mấy vấn đề đặt ra về chuyên môn với những trường hợp người bệnh này.
Thứ nhất, có thể người bệnh chưa khỏi bệnh hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi.
Thứ 2, là khả năng những người đã khỏi bệnh nhưng trong quá trình đào thải virus nhưng ở dạng bất hoạt- xác virus. Khi làm khuếch đại gen, chúng ta xác định được gen của virus. Trường hợp này, đào thải ra mầm bệnh nhưng mầm bệnh không hoạt động được.
Thứ 3 là người lành mang trùng (hiện có một trường hợp). Cho đến thời điểm hiện nay chúng ta chưa khẳng định được chắc chắn có phải người lành mang trùng không nhưng nó ở dạng như vậy. Điều này có thể xảy ra khi cơ thể con người ta chưa sản xuất đủ kháng thể để có thể khống chế, kiểm soát và tiêu diệt được virus này.
“Chúng tôi đã yêu cầu với các cơ quan, với tất cả các trường hợp có xét nghiệm âm sau đó xét nghiệm dương tính thì giao cho 2 labo tiến hành nuôi cấy virus. Nếu virus đó sống, phát triển thì chứng tỏ cơ thể người đó chưa khỏi bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh. 
Benh nhan tai duong tinh COVID-19: Co nguy hiem va lay lan the nao?
Ảnh minh họa. 
Về vấn đề này, TS.BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho rằng, việc bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh mà vẫn có kết quả dương tính lại, không phải là hiện tượng mới, trên thế giới đã có nhiều trường hợp và tại Việt Nam tính đến nay đã có 8 trường hợp này.
TS.BS Phạm Quang Thái cho biết, những bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh vẫn tiếp tục được theo dõi sức khỏe ít nhất là 14 ngày. Những trường hợp có triệu chứng ho hoặc sốt sẽ được làm xét nghiệm lại.
Tuy nhiên, việc còn trường hợp đã âm tính 2-3 lần với vi rút SARS-CoV-2, nhưng sau đó lại dương tính, là do thụ thể yêu thích của vi rút SARS-CoV-2 là ở phổi chứ không nhiều ở trên vùng hầu họng, vì vậy khi có triệu chứng này là vi rút đã tấn công xuống đến phổi.
"Khi bệnh nhân đã được điều trị từ 6-7 ngày đến khi hết triệu chứng, việc lấy mẫu hầu họng gần như khó có thể bắt được vi rút. Dù 2 lần âm tính (sau khi hết triệu chứng và thêm 6 ngày chờ lấy mẫu), nhưng không loại trừ các trường hợp có tổn thương ở phổi, các tế bào nhiễm vi rút vẫn bị vỡ và giải phóng các vật liệu di truyền của vi rút (hiểu nôm na là xác vi rút).
Mặc dù không gây bệnh nhưng xác vi rút vẫn bị bài xuất ra khỏi phổi, lúc này việc xét nghiệm ở những hệ thống nhạy vẫn cho kết quả dương tính. Dương tính ở đây là phát hiện xác của vi rút chứ không có nghĩa là vi rút còn sống và đang gây bệnh. Trong những bệnh nhân phục hồi, có người không có triệu chứng, nhưng một số người có triệu chứng ho, khó chịu do tiết ra chất nhầy để đào thải những tế bào tổn thương còn sót lại sẽ có những xác của vi rút. Lúc này khi lấy mẫu có thể có kết quả xét nghiệm dương tính”, TS.BS Phạm Quang Thái phân tích.
Với những ca bệnh tái dương tính COVID-19 này, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương sẽ làm thêm các thử nghiệm như kiểm tra bệnh nhân có kháng thể hay không; nuôi cấy xem vi rút có nhân lên hay không… để kiểm tra. Tuy nhiên, đến nay vẫn không thấy bằng chứng nào về khả năng lây nhiễm của bệnh nhân sau khi đã hồi phục. Do đó mọi người có thể yên tâm về vấn đề này.
Cùng quan điểm, chuyên gia truyền nhiễm Trương Hữu Khanh – Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho hay, bệnh nhân tái dương tính có thể trở thành người lành mang bệnh tức là có virus nhưng lượng virus nhỏ không đủ để gây triệu chứng cũng như lây lan cho cộng đồng.
Ngoài ra, bác sĩ Khanh cho biết những bệnh nhân đã được điều trị khỏi nhưng về nhà lại dương tính trở lại qua báo cáo của các nước chưa có trường hợp nào lây bệnh cho người khác, do virus còn lại ít, suy yếu nên rất khó lây.
Bác sĩ cũng khuyên người dân không nên quá hoang mang lo lắng khi có một ca bệnh dương tính trở lại. Người dân vẫn giữ vững các bước phòng bệnh cơ bản đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách 2m.
Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)