Bệnh “mồ hôi máu” của bé gái ở Gia Lai nguy hiểm thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Theo thông tin trên trang Healthline, mồ hôi máu (Hematohidrosis) là một tình trạng hiếm gặp và không gây nguy hiểm. Nhưng vì có rất ít thông tin về hematohidrosis nên không có hướng dẫn rõ ràng về cách điều trị chứng bệnh này. 

Cứ mệt mỏi, căng thẳng là đổ mồ hôi máu
Mới đây, bệnh viện Phong - Da liễu TƯ Quy Hòa vừa tiếp nhận bệnh nhi H.T.Q.N. (11 tuổi, ở thị trấn Đắk Đoa, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), có biểu hiện thường ra mồ hôi có màu đỏ (hay còn gọi là mồ hôi mau) trên mặt.
Theo ông H.V.T. (40 tuổi, cha của bé N.), bé N. có tình trạng toát mồ hôi ra máu chỉ mới xuất hiện trong khoảng 3-4 tháng gần đây.
“Khi mệt mỏi, căng thẳng thì cháu bị ra “mồ hôi máu”, khi đó da mặt cháu thường căng ra, kèm theo biểu hiện đau đầu. Có ngày tình trạng này xảy ra 3-4 lần, nhiều khi cháu vận động đi lên cầu thang hay vận động ngoài trời nắng, mặt toát mồ hôi có màu đỏ”, lời ông T.
Benh
Bé N, 11 tuổi, ở Pleiku có tình trạng toát mồ hôi ra máu  
Cũng theo ông T., gia đình, dòng họ ông chưa có ai bị bệnh tương tự nên gia đình rất lo lắng đưa cháu đi khám ở các bệnh viện như BV tỉnh Gia Lai, BV Nhi Đồng 2, BV Huyết học, BV Da liễu TP. HCM. Tuy nhiên, các bác sĩ đều chẩn đoán cháu bị viêm da, cho thuốc điều trị nhưng không khỏi. Gia đình tiếp tục đưa cháu xuống BV Phong - Da liễu TƯ Quy Hòa để khám.
Theo BS Nguyễn Thế Toàn - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Phong - Da liễu TƯ Quy Hòa), cho biết đây là lần đầu tiên BV gặp dạng bệnh này, trên thế giới cũng ghi nhận rất hiếm gặp.
“Các xét nghiệm về máu, siêu âm chức năng gan, thận… của bệnh nhân đều bình thường, không có bất kỳ rối loạn nào. Xét nghiệm mồ hôi của cháu N. chỉ có thành phần bạch cầu, không thấy hồng cầu. Hiện, bệnh này chưa có phác đồ điều trị nên chúng tôi chỉ điều trị triệu chứng, giảm lo âu, căng thẳng cho bé”, BS Toàn cho hay.
Thế giới ghi nhận bệnh hiếm
Năm 2017, một cô gái 21 tuổi ở Florence, Italy đã được đưa đến bệnh viện với triệu chứng ở mặt và lòng bàn tay đổ mồ hôi có máu. Bệnh nhân đã có dấu hiệu ra mồ hôi máu ở mặt và lòng bàn tay trong 3 năm và hiện tượng này này thường kéo dài 1-5 phút. Cô gái không có bất kỳ dấu hiệu tổn thương nào trên da, xét nghiệm máu cũng cho thấy lượng máu và chức năng đông máu bình thường.
Qua tìm hiểu và thăm khám, các bác sĩ kết luận, bệnh nhân mắc hematohidrosis (chứng mồ hôi máu). Sau đó, các bác sĩ đã dùng thuốc propranolol nhằm giảm các triệu chứng trên.
Trước đó, tờ Daily Mail (Anh) cũng đăng thông tin về bé gái Phakamad Shangchai, 7 tuổi, sống ở Nongkhai, Thái Lan bị chảy máu từ mắt, mũi, tai và da mỗi khi bị đau đầu. Phakamad cũng được chẩn đoán mắc chứng mồ hôi máu. Theo bà Khantain, mẹ của Phakamad, dù con gái bị chảy máu nhưng cơ thể vẫn khỏe.
Cho đến nay không có nhiều thông tin nói về nguyên nhân của chứng bệnh kỳ lạ này, nhiều người kể cả các bác sĩ không biết nó tồn tại hoặc liệu có thật hay không.
Tuy nhiên, thực tế đổ mồ hôi máu đã được nhắc đến từ rất xa xưa. Kinh Thánh có nói đến việc Chúa Jesus đổ mồ hôi máu khi cầu nguyện trước lúc bị đóng đinh. Leonardo Da Vinci đã viết về những người lính đổ mồ hôi máu trước khi ra chiến trường.
Phát biểu trên trang CBC (Canada), nhà nghiên cứu lịch sử y học người Canada Jacalyn Duffin cho biết trong lịch sử y học hội chứng hematohidrosis là cực kỳ hiếm. Trường hợp đầu tiên được ghi nhận vào đầu những năm 1600 của một cậu bé người Thụy Sĩ 12 tuổi bị sốt cao, người đổ mồ hôi máu qua áo sơ mi của mình. Và sau đó là trường hợp một thanh niên Bỉ bị kết án tử hình, anh này đã rất đau khổ và đổ mồ hôi máu.
Nhà sử học Jacalyn Duffin cho biết cô rất ngạc nhiên khi phát hiện ít nhất có đến 18 trường hợp mắc hội chứng mồ hôi máu được ghi nhận trên khắp thế giới từ năm 2000 đến nay và không thể lý giải tại sao tỉ lệ người mắc chứng bệnh này lại tăng lên ở thời điểm hiện nay.
Nguyên nhân và cách điều trị
Theo thông tin trên trang Healthline, mồ hôi máu (Hematohidrosis) là một tình trạng hiếm gặp và không gây nguy hiểm. Đúng như tên gọi, những người gặp phải tình trạng này có mồ hôi đỏ như máu. Mồ hôi máu có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là ở mặt và trán.
Các nhà khoa học nhận thấy rằng bệnh thường xảy ra khi một người rơi vào trạng thái sợ hãi, căng thẳng quá độ. Khi đó, cơ thể sẽ đáp ứng lại bằng cách gia tăng giải phóng các chất hóa học như adrenalin, cortisol giúp chúng ta tỉnh táo hơn và gia tăng năng lượng để đối phó với stress. Trong một số trường hợp hiếm hoi, sự đáp ứng quá mức của cơ thể sẽ làm vỡ các mao mạch nhỏ dưới da. Từ đó máu sẽ theo tuyến mồ hôi thoát ra bên ngoài khiến cho mồ hôi có màu đỏ như máu.
Hematohidrosis dường như không đe dọa tính mạng. Nhưng vì có rất ít thông tin về hematohidrosis nên không có hướng dẫn rõ ràng về cách điều trị chứng bệnh này. Cho đến nay để ngăn chặn triệu chứng chảy máu từ bề mặt da, hướng điều trị thường tập trung giải quyết các yếu tố gây căng thẳng tiềm ẩn dẫn đến rối loạn.
Bác sĩ có thể thực hiện nhiều xét nghiệm chẩn đoán khác nhau, để kiểm tra số lượng máu, kiểm tra số lượng tiểu cầu, và loại trừ các rối loạn chảy máu có thể xảy ra. Ngoài ra bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để kiểm tra chức năng thận và gan; thử mẫu nước tiểu và phân để kiểm tra những bất thường; siêu âm bụng hoặc nội soi đường tiêu hóa cũng có thể giúp loại trừ các điều kiện khác.
Nếu các xét nghiệm này không tìm thấy bất kỳ bất thường nào và nếu người bệnh đang bị căng thẳng nặng, bác sĩ có thể đề nghị điều trị đối phó với nỗi sợ hãi, căng thẳng và những cảm xúc khác. Điều này có thể bao gồm dùng thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu hoặc điều trị tâm lý.
An Lê

>> xem thêm

Bình luận(0)