Bệnh hở van tim của Tuấn Hưng nguy hiểm ra sao?

Google News

(Kiến Thức) - Tuấn Hưng vừa nhập viện và phát hiện căn bệnh hở van tim nhẹ. Nam ca sĩ cho biết, vài ngày trước anh hơi mệt, huyết áp cao và lại bị đau bụng nên phải nhập viện theo chỉ định của bác sĩ.

Mới đây, trên trang cá nhân, giọng ca Nắm lấy tay anh đăng tải hình ảnh anh nằm trên giường bệnh. Tuấn Hưng chia sẻ anh bị đau bụng và huyết áp cao nên đã nhập viện để thăm khám. Qua kiểm tra, bác sĩ kết luận anh bị hở van tim cấp độ nhẹ.
Benh ho van tim cua Tuan Hung nguy hiem ra sao?
Tuấn Hưng vừa nhập viện và phát hiện anh bị hở van tim nhẹ. Ảnh: FBNV.
Tuấn Hưng chia sẻ trên trang cá nhân rằng: "Hôm trước hơi mệt, huyết áp cao lại đau bụng nên theo sự chỉ định của bác sĩ phải vào viện và kiểm tra toàn bộ cơ thể luôn. Tới hôm nay thì các kết quả khá ổn, tuy nhiên bác sĩ dặn không được chủ quan".
"Cứ vào đây nằm cái là sợ mọi thứ ngay. Cũng may kịp đổi bộ môn thể thao đúng lúc từ bóng đá qua golf. Van tim bị hở một tí, không được hoạt động mạnh quá. Và quan trọng hơn là người đối diện không được nói quá to khi giao tiếp với mình, đặc biệt là vợ".
Dù nam ca sĩ nói rằng anh chỉ bị hở van tim nhẹ xong người hâm mộ vô cùng lo lắng, thắc mắc căn bệnh hở van tim của Tuấn Hưng đang đối mặt có nguy hiểm không.
Trước hết, để biết mức độ nguy hiểm của hở van tim bạn cần hiểu rõ về căn bệnh này. Trái tim của chúng ta có thể đảm bảo cho máu lưu thông một chiều nhất định là nhờ hệ thống 4 van bao gồm van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi. Hở van tim là tình trạng van không thể đóng kín, máu trào ngược trở lại buồng tim khiến lượng máu bơm đi bị thiếu hụt.
Trong giai đoạn đầu, buồng tim có xu hướng giãn ra để tống máu đi dược nhiều hơn, cơ chế bù trừ này khiến cho người bệnh hở van nhẹ không xuất hiện triệu chứng. Nhưng theo các chuyên gia Tim mạch Việt Nam, hở van tim nặng sẽ khiến lượng máu cung cấp đi nuôi cơ thể không đủ, dẫn tới một loạt các vấn đề như mệt mỏi, khó thở, đau ngực, tim đập nhanh… nguy hiểm hơn có thể gây phù, suy tim.
Benh ho van tim cua Tuan Hung nguy hiem ra sao?-Hinh-2
Hở van tim khiến máu bị trào ngược trở lại. Ảnh: SKĐS. 
Các chuyên gia cũng cho biết: để đánh giá mức độ hở van tim, người ta phân thành 4 mức độ từ 1/4 cho đến 4/4, nếu mức độ hở từ 2/4 trở lên là nguy hiểm, còn hở van 1/4 thì không đáng kể. Riêng đối với hở van động mạch chủ 1/4 thì lại nguy hiểm hơn vì van tim này kiểm soát lưu thông máu từ tim bơm đi nuôi toàn cơ thể.
Như vậy, để đánh giá hở van tim có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như loại van hở, mức độ hở, kích thước buồng tim, có xuất hiện rối loạn nhịp tim hay không, các bệnh mắc bệnh kèm khác như tăng huyết áp, tiểu đường…
Người bệnh hở van tim nặng có thể gặp phải một số biến chứng sau:
- Suy tim: Cơ tim bị giãn rộng lâu ngày sẽ trở nên yếu đi, lực co bóp tống máu không đủ, tình trạng này được gọi là suy tim.
- Cục máu đông: Máu bị dồn ứ tại các buồng tim là cơ hội để hình thành nên cục máu đông, chúng di chuyển đến các vị trí khác gây tắc mạch dẫn tới đột quỵ não, nhồi máu cơ tim…
- Rối loạn nhịp tim: Các buồng tim giãn rộng có thể gây rối loạn nhịp tim, nguy hiểm nhất là rung nhĩ làm tăng nguy cơ xuất hiện cục máu đông.
- Tăng áp động mạch phổi: thường gặp ở người bị hở van 2 lá và hở van động mạch chủ. Người bị tăng áp lực trên động mạch phổi thường có biểu hiện phù chi, da xanh, đau ngực, mệt mỏi, chướng bụng…
Một số lời khuyên về lối sống dành cho người hở van tim:
- Dùng thuốc là chỉ định đầu tiên trong chữa trị hở van tim để ngăn bệnh tiến triển nặng thêm và dự phòng rủi ro. Các nhóm thuốc thường được sử dụng là thuốc giãn mạch, hạ áp, thuốc lợi tiểu, thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc chống đông máu…
- Kiểm tra huyết áp thường xuyên và điều trị tăng huyết áp (nếu có) vì huyết áp cao làm tim phải gắng sức nhiều hơn.
- Ăn lạt, ăn ít muối: làm giảm việc giữ nước của cơ thể, tránh cho tim phải gắng sức và không làm tăng huyết áp. Ăn thức ăn ít chất béo và kiểm tra nồng độ mỡ trong máu thường xuyên để phòng ngừa bệnh mạch vành vì bệnh mạch vành ảnh hưởng tới cơ tim, đưa đến tăng mức độ hở van tim.
- Ưu tiên bổ sung nhiều chất xơ từ rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt…
- Không uống cà phê: hở van tim có thể kèm theo tình trạng rối loạn nhịp. Cà phê sẽ làm nặng thêm rối loạn nhịp (nếu có). Không uống rượu: tương tự cà phê, rượu cũng làm xấu hơn tình trạng rối loạn nhịp. Ngoài ra, uống rượu nhiều có thể gây bệnh cơ tim, ảnh hưởng tình trạng hở van.
- Tránh để quá cân vì tình trạng béo phì là một gánh nặng cho tim khi co bóp.
- Tập thể dục 30 phút mỗi ngày với các bài tập vừa sức như yoga, thiền, đi bộ nhẹ, đạp xe…
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo nghĩ quá nhiều có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch. Sinh hoạt điều độ, tránh hoạt động gắng sức.
- Khám sức khỏe tim mạch định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
- Tiêm phòng cúm vào mùa thu và giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh, giữ vệ sinh răng miệng để tránh các bệnh nhiễm khuẩn có thể dẫn tới biến chứng viêm nội tâm mạc, tổn thương van tim.
Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)