Bé trai tử vong do ăn hạt dưa, y tá viết nhật ký cảnh tỉnh cha mẹ

Google News

Đoạn nhật ký trực ban của cô y tá về sự việc bé trai tử vong do ăn hạt dưa được chia sẻ trên mạng nhận được sự chú ý của rất nhiều người.

“Là một người y tá, có lẽ điều đau lòng nhất là chứng kiến một sinh mạng ra đi, nhất là sự bất lực, tự trách khi mình không làm gì được...”. Tác giả của những dòng nhật ký đau lòng viết về câu chuyện bé trai tử vong do ăn hạt dưa là cô y tá Nghê Mạo Mỹ, công tác tại Bệnh viện Nhân Dân, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.
Nội dung đoạn nhật ký liên quan đến một vụ cấp cứu mà cô Nghê phụ trách. Một bé trai mới 1 tuổi, vì ăn hạt dưa rơi vào khí quản và mắc kẹt ở đó, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng khó thở. Bệnh viện địa phương không thể chữa trị nên được chuyển lên Bệnh viện Nhân dân. Trong quá trình đưa đi cấp cứu, cậu bé dần mất đi ý thức.
Khi đến bệnh viện, cậu bé không còn tự thở được, chân tay lạnh ngắt, sắc mặt nhợt nhạt, môi tái nhợt, cổ họng cử động yếu ớt. Các bác sĩ vội vàng tiến hành phẫu thuật, lúc đó cậu bé đã hôn mê sâu. Thế nhưng sau mọi nỗ lực cấp cứu, cậu bé vẫn không thể qua khỏi.
Sự ra đi của một cậu bé xa lạ nhưng đã khiến người y tá rất buồn và thổ lộ mọi tâm sự qua nhật ký trực ban. 
Cô Nghê chia sẻ: “Lúc đó, các bác sĩ và y tá đều không kìm được nước mắt. Họ đều là những người cha người mẹ, nhìn một đứa bé ra đi ngay trước mặt mình thực sự rất buồn. Rõ ràng đó là việc mà chúng ta có thể phòng tránh, tại sao lại để nó xảy ra".
Bước ra khỏi phòng phẫu thuật, cô Nghê đau lòng ngồi trên cầu thang của bệnh viện, viết ra những lời cảnh tỉnh các bậc phụ huynh: “Cho dù bạn có là ai, xin mọi người đừng cho trẻ dưới 5 tuổi ăn những loại hạt dưa, đậu phộng... một cách bừa bãi mà không có sự quan sát của người lớn.
Những loạt hạt này dù rất nhỏ nhưng lại có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính mạng con người. Đây là một bài học xương máu. Đừng cho rằng sự cố sẽ không xảy ra với bạn, thực ra nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào".
Cô Nghê chia sẻ thêm: “Mỗi tuần chúng tôi tiếp nhận từ 3-5 trường hợp tương tự. Tốt nhất nên tránh cho trẻ dưới 5 tuổi ăn các loại hạt nhỏ, cũng như chơi các loại đồ chơi có dạng hạt nhỏ".
Cô Nghê hy vọng, đây sẽ là một bài học xương máu nhắc nhở tất cả mọi người để những trường hợp đáng tiếc như vậy sẽ không xảy ra nữa.
Theo Thúy Quỳnh/Khampha

>> xem thêm

Bình luận(0)