Bé gái bị bỏng nặng vì sứa “cắn”: Cách sơ cứu đúng cần biết

Google News

(Kiến Thức) - Mới đây, BV Da Liễu TP HCM vừa tiếp nhận một bệnh nhi nữ 8 tuổi bị bỏng da nặng nghi do sứa cắn. Theo bác sĩ, khi bị sứa biển "cắn", người dân cần sơ cứu kịp thời tránh tổn thương da.

Ngày 13/7, BV Da Liễu TP.HCM cho biết vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi nữ (8 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Thuận) đến khám và nhập viện do có biểu hiện viêm da, nổi nhiều bóng nước kèm đau rát vùng cánh tay phải nghi bỏng do sứa "cắn".
Bé nhập viện trong tình trạng vùng cánh tay phải của bé có nhiều bóng nước, vết tích bóng nước rỉ dịch, nhiều chỗ đau rát.
Be gai bi bong nang vi sua “can”: Cach so cuu dung can biet
Bé gái 8 tuổi bị bỏng da nặng do sứa "cắn". Ảnh: Infonet. 
Theo lời gia đình, mấy ngày trước bé có tắm biển, sau khi lên bờ, bé cảm thấy da vùng cánh tay phải hơi nóng và đau rát. Sau đó, vùng da này tiếp tục nổi những mảng đỏ và bóng nước gây căng, đau nhiều hơn. Gia đình đưa trẻ đến viện tỉnh nhưng không đỡ buộc phải chuyển lên BV Da liễu TP Hồ Chí Minh.
ThS.BS Dương Lê Trung - Khoa Lâm sàng 1, BV Da Liễu TP HCM cho biết bé bị viêm da tiếp xúc kích ứng cấp tính. Đây là một loại phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng mạnh từ môi trường bên ngoài, ở đây cụ thể là nọc độc từ sứa biển.
Biểu hiện bệnh thường xảy ra sớm, sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Triệu chứng bao gồm cảm giác châm chích, ngứa, đau rát, đỏ da, sau đó xuất hiện các mụn nước, bóng nước, trợt da. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị tình trạng bội nhiễm vi trùng ở vùng da bệnh.
Mùa hè tới là mùa du lịch biển, đây cũng là thời điểm thường xảy ra các trường hợp du khách bị bỏng sứa.
Theo các chuyên gia, khi bị sứa cắn, chúng phóng ra hàng ngàn cái gai cực nhỏ trong xúc tu bám vào da thịt con người. Trong các gai này chứa chất độc gây ra vết thương mẩn đổ, ngứa rát, phỏng nước...
Cách sơ cứu khi bị sứa biển cắn
Thực tế nhiều người không có kinh nghiệm đi biển, chưa từng nhìn thấy con sứa nên cũng không biết cách sơ cứu khi bị sứa biển cắn. Sau đây là hướng dẫn sơ cứu khi bị sứa biển cắn chi tiết.
Với trẻ nhỏ, trước hết cha mẹ cần giữ cho trẻ bình tĩnh, tránh hoảng loạn. Tại vùng da bị tổn thương cần tránh vận động, tránh để trẻ gãi hoặc chạm tay vào vết thương.
Cha mẹ cần nhanh chóng sơ cứu vết thương cho trẻ bằng cách rửa sạch bằng nước biển, nước muối. Tuyệt đối không dùng nước ngọt thông thường, nước uống hay nước tắm tráng để rửa vì sẽ làm vết thương nặng hơn. Hoặc có thể dùng dấm, ammoniac, cồn hoặc soda cũng có tác dụng loại bỏ độc tố của sứa tốt.
Be gai bi bong nang vi sua “can”: Cach so cuu dung can biet-Hinh-2
Khi bị sứa cắn, cần rửa sạch vết thương bằng nước biển, nước muối. Tuyệt đối không dùng nước ngọt, nước tắm tráng để rửa vết thương.
Sau đó, người lớn dùng vật có cạnh như que kem, thìa, vỏ sò, dao, hoặc bìa cứng cạo hay chà xát nhẹ lên vết đốt để đẩy các tế bào phóng độc ra khỏi vết thương. Tuyệt đối không dùng tay không để tránh bị độc tố làm bỏng chéo. Có thể chườm đá để giảm đau.
Trong trường hợp nặng, trẻ bị sốc phản vệ sau khi bị sứa cắn với các biểu hiện như ớn lạnh, nóng bừng, nổi ban đỏ ngứa trên da, phù mắt, phù môi, ngạt mũi…, cảm thấy khó thở, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt… cần nhanh chóng đưa trẻ đến viện ngay.
Trong trường hợp này, khi trẻ đã được sơ cứu vẫn cần theo dõi kỹ trong 8 giờ. Nếu trẻ còn đau hoặc xuất hiện bất cứ triệu chứng nào cần đến cơ sở y tế ngay.
Đối với người lớn, khi thực hiện sơ cứu vết thương bỏng sứa cần đeo găng tay, quấn khăn hoặc túi nilon để gỡ xúc tu hay tay sứa còn bám trên da.
Thực hiện rửa vết thương tương tự như trẻ nhỏ. Không chạy lên bờ tắm tráng vội mà hãy ngâm vết thương trong nước biển khoảng 15 phút. Đây là động tác sơ cứu quan trọng nhằm loại bỏ bớt độc tố của sứa trên da. Tuyệt đối không dùng nước ngọt sạch, nước tắm tráng để rửa vết thương.
Pha chế dung dịch gồm 10 phần nước với một phần a-mo-ni-ac, dấm, soda hoặc mì chính, lấy dung dịch này bôi vào vết thương. Khi không có sẵn hóa chất có thể dùng nửa quả chanh chà nhẹ vào vết thương. Dùng các vật dụng có cạnh như thìa, que sạch,... để cạo quanh vùng da bị thương, tránh mạnh tay làm rách vết thương.
Vết thương do sứa biển cắn thường gây đau, bỏng rát dữ dội do đó cần hạn chế vận động. Có thể dùng đá lạnh chườm lên vết thương khoảng 1 tiếng để giảm đau.
Khi bị sứa biển cắn có thể dùng một loại histamin bôi hoặc kem hydrocortison nhằm làm giảm ngứa, giảm sưng.
Theo dõi nạn nhân nếu thấy các biểu hiện như sốt, nóng lạnh bất thường thì đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất.
Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)