Bé 3 tuổi ở An Giang đột quỵ: Xử lý sao... cứu nguy chuẩn?

Google News

(Kiến Thức) - Chúng ta luôn cho rằng đột quỵ chỉ gặp ở người cao tuổi nhưng thực tế, nó có thể xuất hiện ở cả trẻ nhỏ. Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM điều trị thành công cho bé 3 tuổi (quê An Giang) bị đột quỵ.

Theo Tuổi Trẻ đưa tin, chị N.T.T - mẹ của bé 3 tuổi quê An Giang cho biết con mình đang ở nhà thì bỗng lơ mơ rồi dần liệt nửa người, không biết gì cả. Gia đình đưa bé tới bệnh viện tỉnh nhưng sau khi chụp chiếu chỉ nghi là viêm màng não. Sau đó, bé đã được chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh để chữa trị.
Được biết, bé nhập viện trong tình trạng đau đầu, lơ mơ, liệt nửa người. Các bác sĩ đã phải chụp MRI và phát hiện bé gái 3 tuổi bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối. Đây có lẽ là một kết quả không thể ngờ tới của gia đình vì chẳng ai nghĩ tới việc trẻ nhỏ như vậy lại có thể bị đột quỵ. Tới nay, may mắn là bé 3 tuổi đã được chữa trị thành công.
Theo các bác sĩ, đột quỵ là tình trạng xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị gián đoạn do tắc hoặc vỡ mạch máu. Khi một phần não không nhận được oxy và các chất dinh dưỡng từ máu, các tế bào não sẽ chết, gây mất chức năng não bộ.
Đột quỵ là bệnh xảy ra chủ yếu ở người cao tuổi. Tuy nhiên, ngày nay số người trẻ mắc bệnh ngày càng nhiều và trẻ em cũng mắc đột quỵ.
Bác sĩ Nguyễn Duy Khải, Trưởng khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết ở trẻ em, đột quỵ nhồi máu não gây nguy cơ tử vong rất cao, tuy nhiên bệnh rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác làm chậm trễ quá trình điều trị.
Be 3 tuoi o An Giang dot quy: Xu ly sao... cuu nguy chuan?
Ngày nay, đột quỵ ở trẻ em thường được điều trị theo phương pháp can thiệp nội mạch DSA, ít xâm lấn, đặc biệt là điều trị được những vùng não sâu mà phẫu thuật không mổ tới. Ảnh: Internet.
Theo thống kê, tỷ lệ tử vong ở trẻ bị đột quỵ là 10%, di chứng thần kinh vĩnh viễn 30 - 40%. Lứa tuổi thường gặp đột quỵ là 5 - 10. Đối với nhóm trẻ trên 4 tuổi, triệu chứng đột quỵ giống như người lớn: khởi đầu bệnh nhi sẽ nhức đầu đột ngột, dữ dội, nôn ói, kèm thiếu sót thần kinh (yếu liệt nửa người, nói đớ, mỗi mắt chỉ nhìn thấy một nửa…). Trường hợp nặng, trẻ có thể bị rối loạn tri giác, thậm chí hôn mê sâu, giãn đồng tử, thoát vị não (não bị chảy sang vị trí khác).
Nếu ở đột quỵ người lớn yếu tố nguy cơ quan trọng nhất là xơ vữa thì ở đột quỵ trẻ em 3 nhóm nguyên nhân hay gặp nhất là bệnh tim bẩm sinh, bệnh Moya Moya (một loại bệnh lý tắc hẹp mạch não bẩm sinh) và bóc tách động mạch. Một số yếu tố nguy cơ khác có thể góp phần tăng tỷ lệ đột quỵ trẻ em gồm bệnh trung mô toàn thân như lupus, bệnh hồng cầu hình liềm, tình trạng tăng đông máu, loạn sản sợi cơ của động mạch, u mạch dạng hang trong não...
Đột quỵ ở trẻ em phần lớn là xuất huyết não, nguyên nhân do vỡ dị dạng mạch máu bẩm sinh. Trước đó có thể không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc một số ít bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, co giật, động kinh.

Mời độc giả theo dõi video "Mẹo ngăn ngừa cơn đau tim và đột quỵ hiệu quả". Nguồn: ANTV.

Ngày nay, đột quỵ ở trẻ em thường được điều trị theo phương pháp can thiệp nội mạch DSA, ít xâm lấn, đặc biệt là điều trị được những vùng não sâu mà phẫu thuật không mổ tới. Ngoài ra, sau can thiệp trẻ nhỏ bảo tồn được phần lớn chức năng, không để lại bất kỳ vết sẹo nào. Khác với phẫu thuật mổ hở ngày trước, việc phẫu thuật có thể để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, thậm chí là tổn thương tâm lý đến các bé còn nhỏ tuổi.
Yếu tố quan trọng đã giúp các bác sĩ can thiệp cho bé thành công chính là đảm bảo nguyên tắc “thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ. Bệnh nhân đến trong giờ vàng thì hiệu quả điều trị càng cao, giảm thiểu di chứng.
Vì vậy khi trẻ có triệu chứng đau đầu, co giật, động kinh thì phải sớm cho trẻ đi khám và để tầm soát tốt mạch máu não cho trẻ thì MRI 3 tesla sử dụng từ trường là thiết bị tầm soát an toàn nhất, đưa ra hình ảnh rõ nét, sớm phát hiện các dị dạng mạch máu để kịp thời điều trị ngăn ngừa đột quỵ.
Đột quỵ trẻ em rất khó phòng ngừa do không thường gặp và nhiều yếu tố nguy cơ. Một khi bệnh nhi đã có đột quỵ, sau khi điều trị đột quỵ cấp, khuyến cáo chung phòng ngừa tái phát là tìm nguyên nhân và yếu tố nguy cơ để có cách điều trị các nguyên nhân bệnh nền phù hợp. Chẳng hạn đóng lỗ thông tim bẩm sinh, điều trị tình trạng tăng đông nếu có, cân nhắc truyền máu trong bệnh hồng cầu liềm, kháng tiểu cầu và phẫu thuật nối động mạch ngoài sọ vào trong sọ trong Moya Moya...
Các bác sĩ khuyến cáo, việc phòng ngừa đột quỵ ở trẻ em là rất khó nên khi trẻ có những dấu hiệu đáng nghi ngờ, phụ huynh nên ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời để không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt sau này của trẻ.
Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)