Báo động lây nhiễm bệnh tay-chân-miệng

Google News

(Kiến Thức) -Số lượng dân cư thường xuyên biến động, chưa được tiếp cận truyền thông, chưa ý thức tiêm chủng là nguyên nhân dẫn đến dịch tay-chân-miệng và sởi.

Bà Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, dẫn chứng như trên tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay-chân-miệng và sởi khu vực phía Nam năm 2018 diễn ra ngày 10-10.
Khó khăn quản lý nguồn dịch
Theo thống kê của Viện Pasteur TP.HCM, các tỉnh có số lượng bệnh TCM và sởi cao gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ đều là những tỉnh, thành tập trung đông người dân lao động nhập cư.
Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương, qua điều tra bệnh sởi tại địa phương, số ca mắc sởi đều là con em của công nhân lao động từ các tỉnh, thành khác đến sinh sống tại địa phương, trong đó 90% không được tiêm chủng hoặc không rõ đã từng tiêm chủng hay chưa.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai Trần Minh Hòa cũng cho biết địa phương gặp không ít khó khăn khi quản lý đối tượng bệnh. Lý do địa bàn tỉnh khá rộng, người đông, có đến 38 dân tộc sinh sống trên địa bàn và 34 khu công nghiệp với 150 xí nghiệp, nhà máy và công nhân khắp các vùng miền. “Biến động dân cư lớn nên việc quản lý đối tượng, nhất là trẻ em rất khó khăn. Cha mẹ chưa quan tâm đầy đủ và chưa ý thức được việc tiêm chủng cho trẻ nên tỉ lệ trẻ không được tiêm chủng đầy đủ còn cao, nhất là không được tiêm phòng sởi” - ông Hòa nhận xét.
Nhận xét về nguy cơ dịch sởi, tay chân miệng lây lan, bà Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết khó khăn lớn nhất là tư vấn gia đình tuân thủ cách ly đối với trẻ khi mắc bệnh. “Có những cha mẹ, nhất là công nhân, con bệnh điều trị ngoại trú nhưng cố tình đẩy con đến trường gây khó khăn cho việc cách ly của trường học” - bà Nga nói.
Bao dong lay nhiem benh tay-chan-mieng
Một ca trẻ mắc sởi điều trị tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: HL 
Phòng lây nhiễm chéo
Tại hội nghị, các đại biểu đều lo ngại nguy cơ lây nhiễm chéo sẽ đẩy số ca mắc tay chân miệng(TCM) và sởi tăng khi nhiều phụ huynh lo sợ nên đổ lên tuyến trên để chữa bệnh cho con. Theo Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, chủng virus EV 71 gây bệnh TCM là chủng virus cũ, không phải biến đổi gen và hoàn toàn có phác đồ điều trị.
Trẻ mắc TCM có thể điều trị ngoại trú hoặc chăm sóc tốt ở tuyến dưới vì các cơ sở bệnh viện (BV) đã được tập huấn nâng cao năng lực. “Không thể để trẻ mắc TCM vào BV ngồi bên trẻ tiêu chảy vì nguy cơ dịch sẽ lây lan càng cao” - ông Khuê ví dụ.
Ông Khuê đề nghị các BV phải làm tốt công tác cách ly phòng ngừa lây nhiễm chéo, bố trí các khu riêng biệt và phân loại bệnh ngay từ đầu, chuẩn bị sẵn sàng thuốc men truyền dịch, đặc biệt các ca bệnh nặng phải có máy lọc máu, ECMO để điều trị tích cực cho bệnh nhân.
Không để y tế lầm lũi chống dịch
Đồng tình với các đại biểu, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thừa nhận năm 2018, dịch bệnh TCM và sởi chủ yếu tăng ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, các địa phương có sự giao lưu đi lại thường xuyên. Bên cạnh đó, điều kiện nhà ở chật chội, vệ sinh môi trường kém là nguyên nhân khiến dịch bùng phát. Đối với bệnh sởi, dù đã có vaccine nhưng không kiểm soát được lịch sử tiêm chủng của người dân. “Điều này đặt ra cho chúng ta phải giải quyết vấn đề xã hội chứ không đơn thuần là chuyên môn phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, ngành y tế đừng làm một mình mà phải kêu gọi sự tham gia của chính quyền địa phương” - ông Phu nhấn mạnh.
Do đó, ông Phu đề nghị các sở Y tế tỉnh chủ động tham mưu lãnh đạo tỉnh phê duyệt kế hoạch chống dịch, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm chủng, vận động các doanh nghiệp tiêm chủng cho đối tượng như công nhân, vận động nhà trọ quản lý đối tượng... Ngoài ra, sắp tới Bộ Y tế cũng sẽ có chiến dịch tiêm vét sởi cho các tỉnh có nguy cơ cao và trẻ 1-5 tuổi.
Góp ý cho việc nâng cao truyền thông, nhất là đối tượng người lao động, theo bà Lê Hồng Nga, ngoài đẩy mạnh truyền thông tư vấn cho nhà trường, thuyết phục phụ huynh có ý thức và trách nhiệm bảo vệ cộng đồng, TP.HCM đang dự định phối hợp Liên đoàn Lao động TP để có thêm kênh truyền thông cho công nhân, bảo vệ quyền lợi cho họ khi ở nhà trông con ốm. Ngoài ra, mặc dù chưa có nghiên cứu chứng minh các khu vui chơi công cộng có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm cao nhưng TP vẫn cố gắng đẩy mạnh vệ sinh khử khuẩn khu vui chơi trong năm nay. “70% ca mắc TCM không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng phát tán vi khuẩn gây bệnh” - bà Nga dẫn chứng phòng ngừa dịch bệnh rất cần thiết.
Các loại bệnh truyền nhiễm sẽ còn tiếp diễn và lưu hành, do đó phải thay đổi hành vi thường xuyên đi vào cuộc sống, không đợi có dịch mới cảnh giác. Nghiên cứu của Pasteur cho thấy các đối tượng trẻ và người chăm sóc trẻ rửa tay trước khi ăn giảm hơn 50% nguy cơ mắc bệnh hơn chưa rửa tay trước khi ăn. Do vậy, bệnh có liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ khác, trong đó vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh rất quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống.
Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM PHAN TRỌNG LÂN
Theo PL TPHCM

>> xem thêm

Bình luận(0)