Bác tin nghi lây nhiễm HIV ở Phú Thọ do dùng chung kim tiêm

Google News

(Kiến Thức) - Diễn biến mới nhất liên quan đến thông tin nghi vấn lây nhiễm HIV ở Phú Thọ do dùng chung kim tiêm, lãnh đạo xã Kim Thượng (huyện tân Sơn, Phú Thọ) cho rằng việc nghi ngờ dùng chung kim tiêm gây nhiễm HIV trên địa bàn không có cơ sở.

Theo ông Phùng Quý Mão - Chủ tịch UBND xã Kim Thượng, hiện chính quyền địa phương mới nắm được thông tin  nghi vấn lây nhiễm HIV ở Phú Thọ do dùng chung kim tiêm từ người dân, tuy nhiên việc nghi ngờ nhiều người cùng bị lây nhiễm HIV là không có cơ sở.
Bac tin nghi lay nhiem HIV o Phu Tho do dung chung kim tiem
Hồ sơ bệnh nhân nhiễm HIV ở Phú Thọ. Ảnh: VOV. 
Thực tế từ đầu năm đầu năm 2018, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn đã xây dựng Đề tài nghiên cứu khoa học về vấn đề xác định bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm tại cộng đồng. Từ tháng 7/2018, các cán bộ y tế của cơ sở đã thực hiện lấy mẫu máu của người dân trên địa bàn, cho đến nay, vẫn chưa có kết quả chính thức.
Ông Phùng Quý Mão cho biết, việc lấy máu xét nghiệm của Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn là chủ trương của đơn vị này để nghiên cứu đề tài bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm. Sau khi được sự thông qua của UBND huyện Tân Sơn, Trung tâm y tế huyện Tân Sơn lựa chọn xã Kim Thượng để thực hiện.
“Từ kết quả chẩn đoán của một người mà người dân nghi vấn chứ chưa có kết quả chính thức để khẳng định. Do đó, người dân không nên tự suy diễn sự việc để tránh gây hoang mang", ông Mão nói.
Cũng bác bỏ thông tin nghi vấn nhiều người dân ở xã Kim Thượng nghi nhiễm HIV do dung chung kim tiêm, trao đổi trên báo Giao thông vận tải, ông Vũ Đức Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Sơn khẳng định: "Về việc sử dụng mũi tiêm an toàn đã được triển khai, tuyên truyền tới tất cả các cán bộ trong toàn ngành y tế trong cả nước, chứ không riêng cá nhân ai. Kể cả đơn vị Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn cũng đã được quán triệt, tuyên truyền, thậm chí đưa vào nguyên tắc chung trong việc sử dụng dụng cụ y tế. Hơn nữa, đây là vấn đề y đức của người làm nghề, là nguyên tắc tối thiểu của người làm nghề y nên tôi cho rằng, không thể có việc một bác sĩ dùng chung kim tiêm cho nhiều bệnh nhân”.
Trước đó, theo phản ánh của người dân xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) cách đây hơn 1 tháng, một bệnh nhân trú tại khu Chiềng 3 bất ngờ phát hiện bị nhiễm HIV. Đáng ngạc nhiên là bệnh nhân trung tuổi này chủ yếu ở nhà, hiếm khi đi xa và khó có khả năng tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm bệnh.
Sau khi có kết quả dương tính với HIV, bệnh nhân cho biết chỉ đi thăm khám bệnh và tiêm tại nhà một bác sĩ ở địa phương.
Thông tin này ngay lập tức khiến nhiều người dân xã Kim Thượng vô cùng hoang mang. Bởi nhiều người trong số họ đều đã từng khám và điều trị tại nhà vị bác sĩ trên.
Trao đổi với báo chí ngày 12/8, đại diện lãnh đạo Sở Y tế Phú Thọ xác nhận vụ việc trên là có thật. Cơ quan y tế địa phương đang tiến hành tổng hợp thông tin và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn cần thiết. Trước mắt đã xác định một ca dương tính với HIV.
Cũng trong chiều tối ngày 12/8, lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Cục đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đề nghị xác minh vụ việc và sớm báo cáo về Bộ. Đồng thời ngay trong sáng nay (13/8), Bộ Y tế sẽ cử đoàn cán bộ đến điều tra dịch tễ và hỗ trợ người dân.
Dùng chung kim tiêm, lây nhiễm HIV thế nào?
HIV lây nhiễm qua đường máu do đó, dùng chung kim tiêm với người mắc bệnh thì khả năng lây bệnh sẽ rất cao. Vì vậy, tuyệt đối không dùng chung kim tiêm dù chỉ một lần.
Theo đó, trong số những ca nhiễm HIV thì tỷ lệ lây qua đường máu chiếm 64,3%. Bơm kim tiêm dùng xong mà không tiệt trùng, hoặc tiệt trùng không tốt thì vẫn còn đọng máu (dù có thể không nhìn thấy). Do đó, nếu dùng chung bơm kim tiêm với một người mang HIV, bạn có thể nhiễm HIV. Nếu bạn mang HIV, bạn có thể truyền cho người khác theo đường ấy.
Sở dĩ người tiêm chích ma túy có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn người khác là do nhiều khi họ dùng chung bơm kim với bạn bè, hoặc dùng bơm kim của tụ điểm bán thuốc.
Truyền máu là tiếp nhận một lượng máu lớn vào cơ thể mình, do đó nếu bạn nhận máu của người nhiễm HIV, bạn chắc chắn bị lây nhiễm. Nước ta quy định các bệnh viện phải xét nghiệm và loại bỏ máu có HIV, sốt rét, giang mai, viêm gan…
Các dụng cụ xuyên chích qua da không được vô khuẩn như dùng kim xăm, kim xâu tai và các dụng cụ sắc nhọn khác cũng có khả năng gây lây nhiễm virus HIV.
Người chăm sóc bệnh nhân cũng có nguy cơ bị lây nhiễm HIV qua các vết hở rỉ nước khi tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của người bệnh hoặc bị kim tiêm đâm phải tay, dao kéo cứa phải tay... do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Cao Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)