Bác sĩ hướng dẫn sơ cứu đúng cách khi bị chó cắn để phòng dại

Google News

Trung bình cứ 10 phút trên thế giới có một người chết do dại, không chỉ bị chó cắn mới dại, chó mèo liếm cũng có thể mắc dại.

Ám ảnh với cái chết vì dại
Bệnh dại vốn vô cùng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng nạn nhân. Hầu hết mọi người khi bị chó cắn đều lúng túng trong việc ứng phó nên mới dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Bac si huong dan so cuu dung cach khi bi cho can de phong dai
Ảnh minh họa 
Trường hợp của chị Nguyễn Thị T., 33 tuổi, Tân Yên, Bắc Giang tử vong do bị dại sau khi bị chính con chó vợ chồng chị mua về làm thịt cắn vào bắp chân. Khi bị chó cắn, chị T. vẫn đang cho con bú nên sợ vắc xin phòng dại có thể ảnh hưởng tới sữa.
Chị T. và chồng bàn nhau đi tiêm phòng nhưng trên đường đi tiêm chị T. nhảy khỏi xe về nhà và tìm đến một người thầy lang để thử dại.
Kết quả thử dại mà thầy lang báo cho chị là âm tính. Chị T. về nhà và chủ quan với vết dại bị cắn. Một thời gian sau, chị T. thấy đau bụng, buồn nôn và được người thân cho đi viện.
Chỉ 1 ngày chị lên cơn dại với đủ các triệu chứng sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, gồng mình và chỉ 1 ngày sau chị qua đời vì dại. Cái chết của chị T. khiến cả gia đình bất ngờ vì trước đó họ đã yên tâm với thử dại ở nhà ông thầy lang kia.
Tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, mỗi năm có hàng chục ca nhập viện do dại và tất cả đều chủ quan không tiêm phòng với các ý nghĩ như chó nhà nuôi không bị dại, chó con, mèo con không bị dại và không ít trong số đó được thầy lang chữa không bị dại và họ yên tâm không sợ vi rút dại và khi cơn dại phát tác thì chỉ 1 ngày sau đều qua đời.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Th. 43 tuổi, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội bị chó cắn. Sau đó, bệnh nhân đi khám thầy lang và được khuyến cáo không phải chó dại nên đã không tiêm phòng dại. Kết quả, sau đó 20 ngày bệnh nhân lên cơn dại.
Khi đưa đến viện, bệnh nhân tỉnh táo nói chuyện bình thường. Biết mình không thể sống được, ông Th. chỉ ngồi khóc rồi cơn dại lên ông co quắp, la hét cầu xin bác sĩ hãy cứu mình. Cầm chắc cái chết, đón nhận cái chết trong khi hoàn toàn tỉnh táo, đôi mắt ông long lên như cố níu giữ cuộc sống của mình.
Người nhà của ông Th. biết bệnh vô phương cứu chữa, họ chỉ mong có thể cho ông Th. vài viên thuốc ngủ để ông có thể ngủ một giấc dài nhưng thuốc không có tác dụng với người bị dại.
Sơ cứu tại chỗ khi bị chó cắn
Làm sạch: điều quan trọng trước tiên là làm sạch vết thương do chó cắn. Bạn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy để loại bỏ tất cả mầm bệnh. Dùng bông và nước để rửa vết thương.
Thuốc sát trùng: Để làm sạch vết chó cắn, bạn có thể dùng những thuốc sát trùng như cồn hoặc nước ô xy già. Những thuốc này sẽ loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định.
Tiêm phòng dại: Với những vết cắn sâu hoặc vết cắn nhẹ ở những vùng nguy hiểm như đầu, cổ, mặt, các chi, bộ phận sinh dục... nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu, tiêm huyết thanh và vắc- xin phòng dại kịp thời.
Khi bị chó dại cắn hoặc chó có biểu hiện dại hay không thể theo dõi con vật sau khi cắn, địa điểm xảy ra tai nạn gần vùng đang có dịch bệnh chó mèo... cũng cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi tiêm phòng dại ngay lập tức.
Trong vòng 15 ngày sau khi bị chó cắn nếu chó phát dại, chết hoặc bị mất tích hay bị giết thịt thì nên nhanh chóng đưa trẻ đi tiêm vắc - xin phòng dại. Còn sau 15 ngày, nếu chó khỏe mạnh bình thường, không cần phải đưa nạn nhân đi tiêm phòng dại nữa.
Những quan niệm sai lầm đó là chó nhà cắn không bị dại, cắn không chảy máu không bị dại. Vì thực tế nhiều bệnh nhân chỉ bị chó mèo cào, liếm láp vào vết thương hở cũng bị dại.
Việc nhờ thầy lang kiểm tra là vô cùng sai lầm. Do đó, an toàn nhất là đến kiểm tra tiêm phòng ở Trung tâm Y tế dự phòng hoặc trạm y tế địa phương.
Theo Khánh Ngọc/ Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)