“Bác sĩ Google” - vì sao không nên quá lệ thuộc?

Google News

Công nghệ thông tin phát triển, mạng internet kết nối toàn cầu giúp cho cuộc sống của con người thuận tiện và văn minh hơn rất nhiều, nhất là với những ứng dụng tìm kiếm thông minh như Google. 

Thế nhưng, việc các bà mẹ quá lệ thuộc vào “bác sĩ Google” chưa hẳn đã là phương pháp tốt khi nuôi dạy con.
Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ thay vì tìm đến BV, bác sĩ chuyên khoa để tư vấn, chữa bệnh cho thì thường “lên mạng”, tìm kiếm từ Google hoặc vào Facebook tìm đến các diễn đàn để xin tư vấn, thậm chí là hỏi cách chữa trị qua kinh nghiệm để rồi áp dụng cho con ngay tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Lan, người Hà Nam, lên chăm cháu nội được gần nửa năm ở một khu chung cư tại quận Nam Từ Liêm phàn nàn: “Con dâu tôi lạ lắm, cái gì cũng bảo mẹ đợi con “tra gút gồ” (Google- PV). Ngay cả việc pha sữa thế nào, thay tã, thay bỉm ra sao hay thậm chí là cho con ăn gì, đi đâu…cũng bảo tôi là con phải hỏi “gút gồ” cho yên tâm. Tôi thấy lạ, thắc mắc thì nhận được trả lời là “gút gồ cái gì chẳng có mẹ ơi, cứ lên đó tìm kiếm là biết tuốt ạ”. Thời gian đầu tôi không quen cũng cảm thấy khó chịu, nhưng dần dần thì cũng tặc lưỡi. Đúng là giữa hai thế hệ có nhiều điều khác nhau quá. Thời của chúng tôi, nuôi con đâu có phức tạp như chăm cháu bây giờ”.
Câu chuyện này không hiếm gặp trên thực tế hiện nay. Chị Kim Xuyến (khu đô thị Xa La, quận Hà Đông) được mọi người sống xung quanh và cả những người thân trong gia đình gọi là “bà mẹ Google” cũng bởi áp dụng quá máy móc các thông tin tràn lan trên công cụ tìm kiếm này. Không những vậy, chị Xuyến còn thường xuyên “lên phây”, tìm vào các diễn đàn làm cha làm mẹ, lần đầu làm mẹ, hội nuôi con sinh năm A, B, C… Hầu như diễn đàn nào chị cũng là thành viên và tham gia bình luận rất tích cực.
“Bac si Google” - vi sao khong nen qua le thuoc?
Cần thận trọng khi áp dụng các thông tin tham khảo trên mạng internet. Ảnh: T.L
Chia sẻ về điều này, chị Xuyến nói: “Mình biết cái gì thì chia sẻ với mọi người, đến khi mình cần chỉ lên đó nhờ tư vấn một câu thôi là mấy trăm cái “còm” (bình luận – PV), tha hồ lựa chọn phương pháp nào phù hợp nhất với con của mình”.
“Nhiều lần thằng nhỏ ốm, tôi làm theo hướng dẫn trên diễn đàn, thế mà cháu khỏi. Bây giờ nuôi con cũng phải áp dụng công nghệ như thế, vừa tiết kiệm chi phí, vừa không mất nhiều thời gian lê la các BV rồi lại lây bệnh truyền nhiễm vào người”, chị Xuyến không ngại chia sẻ.
Không chỉ chị Xuyến mà còn khá nhiều bà mẹ trẻ tôn sùng “bác sĩ Google” và coi đây là “cứu cánh” cho cuộc sống ngày càng bận rộn như hiện nay. Chỉ sau 1 cú click chuột, câu hỏi nào cũng được “bác sĩ Google” giải đáp một cách tường tận, đông – tây y kết hợp khiến các mẹ cảm thấy như được “giải phóng năng lượng” và việc nuôi con cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Từ thực tế này, PV đã có một cuộc khảo sát nho nhỏ ngay trên thanh công cụ tìm kiếm Google. Theo đó, chỉ cần gõ cụm từ: “làm thế nào trị ho cho trẻ” thì chỉ trong vòng 0,49 giây đã có ra khoảng 242.000.000 kết quả. Nếu bỏ đi vài chữ, chỉ gõ “làm thế nào để trị ho” thì Google đã trả một loạt những gợi ý về kết quả tìm kiếm gần đây nhất như: Làm thế nào để trị ho hiệu quả, làm thế nào để trị ho cho trẻ sơ sinh, làm thế nào để trị ho cho bà bầu, làm thế nào để trị ho không cần dùng thuốc, làm thế nào để trị ho dứt điểm…
Đây chỉ là một ví dụ trong hàng triệu các kết quả tìm kiếm mỗi ngày trên thanh công cụ hữu ích như Google. Có thể thấy rằng, các kết quả tìm kiếm phản ánh rất rõ nét xu hướng tìm kiếm về vấn đề đó đang ở mức độ nào, nhiều hay ít. Và điều đó cũng một phần thể hiện, bất cứ câu hỏi nào, bất cứ thắc mắc nào cũng sẽ được Google trả về một kết quả tìm kiếm tương thích và phù hợp nhất.
Chính vì lẽ đó, nhiều mẹ đã hơi có phần lạm dụng khi chăm sóc và nuôi con nhờ “bác sĩ Google” mách nước mà không cần phải tìm đến các cơ sở chuyên khoa khám chữa bệnh, không cần bác sĩ thăm khám.
Bé trai 1 tuổi gặp nguy kịch vì mẹ tự chữa táo bón theo cách "quen thuộc" tại nhà; những sai lầm của cha mẹ khiến con có thể gặp nguy hiểm khi bị tiêu chảy; dùng thuốc nam chữa bệnh chân tay miệng cho trẻ tại nhà gây biến chứng nặng; trị sởi tại nhà cho trẻ khiến con nguy kịch; nhiều bệnh nhi “dính” sởi mắc thêm bệnh vì gia đình chăm sóc sai … là những thông tin mà chúng ta dễ dàng bắt gặp khi tiếp tục tìm kiếm trên công cụ Google. Rõ ràng, việc chăm sóc, nuôi con thông qua “bác sĩ Google” đã là hiện tượng hết sức phổ biến hiện nay và những hệ quả nó mang lại không phải là không thể nhận ra.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh rất tốt. Chỉ cần thông qua một phần mềm hiện đại là người bệnh có thể gặp bác sĩ trực tiếp thông qua internet và được thăm khám cẩn thận, cho kết quả chính xác mà không cần phải đến BV. Thế nhưng ở Việt Nam hiện nay, vấn đề này chưa được triển khai. Do đó, đến BV, gặp bác sĩ chuyên khoa vẫn là cơ sở khoa học nhất để khám và điều trị bệnh, nhất là với trẻ nhỏ.
Biết rằng, Google là một trong những công cụ tìm kiếm thông minh và nhất là trong giai đoạn hiện nay khi cuộc cách mạng 4.0 đang cận kề thì việc áp dụng internet vào mọi lĩnh vực của cuộc sống sẽ giúp ích cho con người. Tuy nhiên, thông tin trên mạng cũng như con dao hai lưỡi, vì vậy, khi tìm hiểu hay sử dụng bất cứ thông tin nào áp dụng vào cuộc sống, chúng ta cũng cần phải tỉnh táo, cân nhắc một cách kỹ lưỡng.
(còn nữa)
Theo Khánh Phong / Phát luật & Xã hội

>> xem thêm

Bình luận(0)