Bác sĩ chỉ cách phòng và sơ cứu sứa lửa cắn đúng nhất

Google News

(Kiến Thức) - Thời gian gần đây, liên tiếp các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp là khách du lịch bị sứa lửa cắn khi đi tắm biển. Do sơ cứu sai cách, nhiều người bị tổn thương sâu, phải điều trị dài ngày.

Trường hợp mới đây nhất, một người đàn ông 40 tuổi, ở Hà Nội phải nhập viện điều trị ngày thứ 10 tại Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) do sứa lửa cắn.
Bệnh nhân cho biết, vừa xuống tắm biển Quan Lạn (Quảng Ninh) anh bị sứa lửa cắn. Ngay sau đó anh bị ngứa rát, toàn bộ vùng mặt, cổ, lưng sưng bệnh nhân phù nề, đau buốt. Do không biết cách sơ cứu ban đầu, anh tắm nước ngọt khiến những vết sứa cắn bỏng rát, thấu xương.
Bac si chi cach phong va so cuu sua lua can dung nhat
 Nam bệnh nhân bị sứa lửa đốt khi tắm biển Quan Lạn (Quảng Ninh). Ảnh: Sức khỏe đời sống.
Sứa có thể gặp ở nhiều vùng biển, có 2 loại sứa biển, gồm sứa thường (còn được dùng làm thực phẩm) và sứa lửa. Khác với sứa thường chỉ gây dị ứng, ngứa thông thường sau khi bôi, uống thuốc dị ứng sẽ nhanh khỏi, sứa lửa thực sự là nỗi khiếp đảm của bà con ngư dân đi biển hay du khách nếu không may bị sứa chạm phải khi đang tắm biển.
Nguyên nhân là do sứa lửa có nọc độc nên khi chạm vào da thịt nếu không kịp thời xử lý sẽ để lại những tổn thương nặng nề do nọc độc gây loét, bỏng sâu. Nọc độc của sứa nằm ở xúc tu, chúng phát triển vào mùa hè - đúng mùa du lịch biển. Cho nên du khách khi đi dọc bờ biển, trước khi xuống tắm biển phải lưu ý. Cần tìm hiểu những vùng biển nào có nhiều sứa để hạn chế xuống tắm. Khi quan sát thấy sứa biển, tuyệt đối không xuống tắm để tránh bị sứa tấn công.
Bac si chi cach phong va so cuu sua lua can dung nhat-Hinh-2
Người dân cần lưu ý để tránh bị sứa lửa tấn công 
BS. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) khuyến cáo: "Khi sứa đốt, nó phóng ra hàng ngàn cái gai cực nhỏ cắm vào da và giải phóng chất độc. Đây là nguyên nhân của tình trạng xuất hiện các nốt mẩn đỏ trên da. Thông thường, vết đốt bị ngứa, rát, phỏng nước nhưng cũng có những vết đốt gây ra những triệu chứng dị ứng nghiêm trọng như khó thở, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, hoặc tim đập nhanh"
Do đó, khi bị sứa đốt, người dân nên ra khỏi nước một cách bình tĩnh. Khi đã lên bờ rồi, tuyệt đối không gãi vùng bị đốt hoặc chạm tay vào nó bởi lúc này có thể vẫn còn xúc tu cắm vào da, gãi hoặc chạm vào nó sẽ chỉ khiến bạn bị đốt nhiều hơn.
Người dân tuyệt đối không dùng nước uống, nước ngọt tắm tráng để rửa vết sứa đốt bởi nó có thể làm tăng sự phóng độc, gây rát buốt. Hãy dùng nước muối để rửa vết thương, điều này cũng lý giải nhiều trường hợp bị sứa đốt, nạn nhân vào gần bờ, ngâm mình trong nước biển sẽ không bị tổn thương nặng nề như những trường hợp chạy thẳng lên bờ rồi tắm tráng.
Bên cạnh đó, người dân có thể làm dịu cơn đau bằng giấm, nước chanh tươi, vắt nước vào vết ngứa. Tuyệt đối không xoa, chà sát bởi có thể làm xúc tu trên da càng phát tán, càng thêm nóng rát. Sau đó, hãy loại bỏ xúc tu, rửa vùng da và che lại bằng gạc. Đa số phản ứng kích thích da sẽ dịu xuống sau vài ngày, nhưng nếu không đỡ, đau rát hơn hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn điều trị kịp thời.
Tâm An (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)