Bà bầu mang thai đôi ăn uống thế nào là hợp lý?

Google News

(Kiến Thức) - Bác sỹ sẽ tư vấn về cách tính khẩu phần ăn cụ thể và các loại vitamin khoáng chất cần thiết phải bổ sung cho bà bầu mang thai đôi.

Bà bầu mang thai đôi có cần ăn gấp ba người bình thường?
Thạc sỹ, bác sỹ Trần Thu Nguyệt, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam giải đáp những thắc mắc về dinh dưỡng cho bà bầu mang thai đôi cũng như tư vấn về cách tính khẩu phần ăn cụ thể và các loại vitamin khoáng chất cần thiết phải bổ sung cho mẹ bầu song thai.
Khi mang thai đôi, mẹ bầu không cần phải ăn gấp đôi mà hãy đảm bảo chế độ ăn cân bằng bổ sung nhiều dinh dưỡng hơn, đầy đủ hơn và hoàn thiện hơn. Theo lời bác sỹ Trần Thu Nguyệt, ăn quá nhiều không hề tốt cho bà bầu mang thai đôi. Bởi lẽ mang đa thai là bạn đã phải chịu những xác suất rủi ro cao hơn trường hợp bình thường, dễ bị tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ hơn. Khi cơ thể tăng cân quá đột ngột so với bình thường, vô tình bạn có thể gây ra cho chính mình và các bé yêu trong bụng những nguy cơ.
Ba bau mang thai doi an uong the nao la hop ly?
Mẹ bầu nên chú ý về dinh dưỡng đúng khi mang song thai. Ảnh: Phununet. 
Bà bầu mang đa thai cần dinh dưỡng gì?
Bà mẹ mang thai đôi cần đảm bảo 4 nhóm thực phẩm: gluxit tinh bột, các chất béo lipit, chất đạm protein và khoáng chất. Với những bà mẹ mang thai đôi cần tăng cường lượng calo vào cơ thể. Mẹ cần nạp thêm 600 calo, 50g protein, tương đương 150g thịt gà hoặc 2 quả trứng gà to hoặc 2 hộp sữa chua mỗi ngày. Mẹ cũng nên bổ sung thêm chất xơ từ rau củ quả và uống khoảng 3 lít nước mỗi ngày.
Nhưng làm thế nào để đong được lượng calo chuẩn? Theo các chuyên gia, mẹ bầu hãy tính theo cân nặng. Mỗi kg cân nặng của mẹ cần 40 - 50 calo mỗi ngày, tổng hợp 20% từ protein, 40% từ chất béo, 40% từ tinh bột là tỷ trọng hợp lý.
Mẹ mang song thai nên tăng bao nhiêu kg là hợp lý?
Chắc chắn mẹ mang song thai sẽ phải tăng cân nhiều hơn mẹ mang thai đơn. Khoảng tăng cân từ 15-20kg là hợp lý. Nếu đến tuần 24 mẹ đã tăng được 11kg là đủ. Mẹ bầu không nên tăng cân quá nhiều sẽ dễ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, ảnh hưởng đến chuyển dạ sớm hoặc biến chứng sản khoa sau khi mẹ sinh con.
Mi Trần (ghi theo VOV2)

>> xem thêm

Bình luận(0)